Nước ngầm gần bãi thải nhiệt điện bỗng nhiên nhiễm mặn

Theo kết quả phân tích, hàm lượng clorua trong nước ngầm của 3/4 hộ dân gần bãi xỉ nhiệt điện Vĩnh Tân 2 vượt từ 1,2 đến 1,8 lần mức cho phép.

Mới đây, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã ký văn bản gửi Sở TN&MT, UBND huyện Tuy Phong khuyến các người dân ở gần bãi xỉ của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tạm thời không nên sử dụng nguồn nước ngầm (nước giếng) vào mục đích tưới tiêu cũng như ăn uống.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, gần đây các vườn cây ở đây có hiện tượng trụi lá, khô cành, một số cây còn lại tuy vẫn còn ra lá non nhưng bộ rễ đã bị hư thối, những cây trồng xa bãi thải xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thì vẫn phát triển bình thường.

Ngay sau khi người dân phản ánh, UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN-MT vào cuộc lấy mẫu nước đi phân tích.

Kết quả của Sở TN-MT Bình Thuận phản ánh, cho thấy hàm lượng clorua trong nước ngầm của 3/4 hộ dân vượt từ 1,2 đến 1,8 lần mức cho phép. Hàm lượng clorua trong các hồ nước chứa của bãi xỉ vượt từ 1,05 đến 1,8 lần mức cho phép.

Bãi chứa xỉ của nhà máy điện

Từ kết quả trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở TN-MT chọn một đơn vị độc lập làm rõ nguyên nhân cây chết do đâu. Từ đó đưa ra giải pháp khắc phục và tính toán phương án bồi thường, hỗ trợ cho dân; yêu cầu Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân cung cấp hồ sơ bãi xỉ, báo cáo việc sử dụng nguồn nước.

Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân phải xác định nguồn cung cấp nước bị nhiễm mặn để cách ly, tuyệt đối không sử dụng cho mục đích tưới nước giảm thiểu bụi ở bãi thải xỉ.

Đặc biệt là nguồn nước lấy từ nhà máy để phục vụ tưới tro, xỉ trong bãi thải xỉ. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp gây ô nhiễm môi trường tại khu vực.

UBND tỉnh giao Sở TN&MT chọn đơn vị độc lập có đủ chức năng, năng lực để làm rõ nguyên nhân cây chết.

Ngoài ra, đánh giá tình trạng nước giếng của các hộ dân bị nhiễm mặn, đất bị ngập úng nước và nhiễm mặn, phạm vi ảnh hưởng và mức độ thiệt hại... để đưa ra các giải pháp khắc phục cũng như bồi thường hỗ trợ cho các hộ dân (nếu có ảnh hưởng do bãi thải xỉ).

Về lâu dài, tỉnh giao UBND huyện Tuy Phong xây dựng lộ trình để di dời và bố trí đất sản xuất cho các hộ dân sinh sống gần khu vực bãi thải xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Sở TN-MT phối hợp với UBND H.Tuy Phong và Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49 - Công an Bình Thuận) giám sát chặt các nhà máy tại khu vực Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các hiện tượng gây hại đến môi trường và cuộc sống của người dân.

Bãi xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (64 ha) sẽ có độ cao 27 m. Nhưng hiện nay nó đã có độ cao 12 m, trong khi nhà máy mới hoạt động hơn 2 năm. Đó là chưa kể, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 sắp hoạt động một tổ máy, cũng sẽ đổ xỉ than vào bãi xỉ của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2.

Thành Long

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/nuoc-ngam-gan-bai-thai-nhiet-dien-bong-nhien-nhiem-man-3334423/