Nước Pháp chuẩn bị sang trang mới

Vào tối mai 7-5, nước Pháp sẽ có người kế nhiệm Tổng thống sắp mãn nhiệm François Hollande. Dù ai trong hai ứng cử viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen là người chiến thắng để lãnh đạo đất nước trong 5 năm tới, nước Pháp sẽ bước vào một kỷ nguyên mới về mô hình chính trị, kinh tế - xã hội. Kết quả cuối cùng sẽ do đa số cử tri lựa chọn, đó là mô hình của nước Pháp mở rộng hay co cụm.

Cơn địa chấn chính trị đã xảy ra ở vòng 1, ngày 23-4, khi hai chính đảng Xã Hội (PS) và Những người Cộng hòa (LR) bị loại sau mấy thập kỷ luân phiên nắm quyền. Chính những trào lưu mới chống hệ thống là nguyên nhân dẫn tới sự vắng mặt của hai phe tả, hữu ở vòng 2. Hàng loạt vấn đề mới như thất nghiệp do toàn cầu hóa, làn sóng nhập cư và khủng bố đã khiến người dân Pháp rơi vào tâm trạng lo ngại, bất mãn kéo dài. Hai chính đảng PS và LR không giải quyết được tình trạng trì trệ kéo dài và nội bộ chia rẽ sâu sắc. Kết quả, họ đã dành lá phiếu để đưa hai ứng cử viên không thuộc hệ thống chính trị truyền thống vào trận chung kết để lựa chọn người lãnh đạo mới cho nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Eurozone.

Cuộc đối đầu của hai mô hình phát triển, hợp tác

Chưa bao giờ nước Pháp đứng trước thời khắc có nhiều tâm trạng như bây giờ: hồi hộp xen lẫn lo lắng vì cuộc bỏ phiếu vòng 2 vào ngày mai sẽ quyết định không chỉ tương lai của nước Pháp mà cả Liên hiệp châu Âu (EU). Dù kết quả các thăm dò mới nhất cho thấy, ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron có khả năng vượt qua ứng cử viên cựu hữu với tỷ lệ phiếu cách biệt là 62 - 38% hoặc 63 - 37%, tuy nhiên cảnh báo về khả năng xảy ra "cơn sóng thần" vẫn chưa hết.

Hai ứng cử viên tổng thống Pháp 2017 có quan điểm hoàn toàn khác nhau về các vấn đề: chính trị, kinh tế - xã hội của Pháp, châu Âu, chính sách nhập cư, đối ngoại. Ông Emmanuel Macron chủ trương lãnh đạo "một nước Pháp vững mạnh trong EU bền vững và thịnh vượng", còn bà Marine Le Pen cho rằng mình là tiếng nói đại diện cho những người lao động Pháp bị tác động tiêu cực từ tiến trình toàn cầu hóa, chống sự lệ thuộc của Pháp vào châu Âu. Từ đầu đến cuối chiến dịch tranh cử, bà Marine Le Pen luôn khẳng định đặt quyền lợi của người Pháp lên trên hết và cho rằng nước Pháp bị suy yếu vì hội nhập kinh tế. Vì vậy, nếu đắc cử, bà sẽ thực hiện nay chính sách bảo hộ, đóng cửa biên giới để ngăn chặn các phần tử cực đoan, đánh thuế hàng nhập khẩu, hạn chế người lao động nước ngoài để giữ việc làm cho người Pháp. Cụ thể hơn là "lấy lại" chủ quyền về về tiền tệ, lập pháp, lãnh thổ và kinh tế", đồng thời tổ chức trưng cầu dân ý như nước Anh để đưa nước Pháp ra khỏi EU.

Quan điểm xuyên suốt trong chương trình hành động của bà Marine Le Pen là: tái lập chủ quyền cho nước Pháp trên nhiều lĩnh vực. Bà cho rằng nước Pháp phải ra khỏi EU, ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu, từ bỏ đồng euro thì mới có cơ may lấy lại được sự cường thịnh. Tất cả những biện pháp này trái ngược với tinh thần của EU nhưng vẫn thu hút được rất đông người ủng hộ để giành quyền vào vòng chung kết.

Trong khi đó, ứng cử viên Emmanuel Macron, người sáng lập phong trào Tiến bước, có lập trường là: châu Âu là một dự án vì tự do và thịnh vượng chung và vì hòa bình, do đó nước Pháp sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu tách ra. Ứng cử viên này khẳng định quyết tâm đẩy mạnh tiến trình hội nhập của EU theo hướng tự do, trong đó thị trường đóng vai trò cốt yếu, đồng thời đề cập đến yêu cầu phải cải tổ guồng máy thì EU mới vững mạnh hơn được.

Bà Marine Le Pen cho rằng, nếu ra khỏi EU, nước Pháp sẽ không phải đóng góp nhiều tỷ euro (19 tỷ euro trong năm 2016) cho ngân sách chung của khối này, không phải chi tiền cho chương trình tiếp nhận người nhập cư. Nhưng thực tế, nông dân Pháp và doanh nghiệp Pháp nhận lại được những khoản trợ cấp rất lớn từ EU. Ứng cử viên này có cách nhìn trái ngược hẳn về đời sống kinh tế - xã hội của Pháp và hội nhập. Bà Marine Le Pen cho rằng, tự do đi lại và giao thương là nguyên nhân dẫn đến "thảm họa kinh tế" hiện nay của nước Pháp, vì vậy chính sách đóng cửa sẽ mang lại sự hồi phục kinh tế và quyền lợi cho người Pháp. Trong khi đó với ông Macron, chìa khóa đem lại thịnh vượng cho nước Pháp chính là hội nhập, mở cửa. Vì vậy, không chỉ cử tri Pháp mà cả các nước EU đều cho rằng nếu bà Marine Le Pen đắc cử sẽ là "cơn ác mộng".

Hai ứng cử viên cũng có quan điểm đối chọi nhau về chính sách đối ngoại trong một thế giới đa cực. Cách giải quyết cũng như vai trò của Pháp đối với các hồ sơ như vấn đề Syria, chống IS, hay NATO khác hẳn nhau. Theo bà Marine Le Pen, Pháp cần hợp tác với Nga để tiêu diệt lực lượng Hồi giáo cực đoan, tiến hành đối thoại với chính quyền của Tổng thống Syria. Còn ông Macron cho rằng, chính sách ngoại giao của Nga gây ra nhiều rủi ro và Tổng thống Assad phải ra đi thì tình hình ở Syria mới được cải thiện. Với khối NATO, bà Marine Le Pen muốn Pháp ra khỏi khối này, còn ông đề nghị chỉ tiến hành can thiệp khi lợi ích của Pháp bị đe dọa. Điểm duy nhất mà hai ứng cử viên có sự tương đồng là Pháp không nên can thiệp vào các cuộc xung đột không liên quan đến nước này.

Tương quan lực lượng trước giờ G

Các hoạt động vận động cử tri đã chính thức chấm dứt kể từ nửa đêm 5-5 và ứng cử viên Emmanuel Macron vẫn đang ở thế thượng phong. Tuy nhiên, nước Pháp vẫn bị chia rẽ, có quan điểm khác nhau khi lựa chọn ứng cử viên của "nước Pháp trên hết" hay "nước Pháp hội nhập, duy trì trong EU". Cử tri ủng hộ bà Marine Le Pen chủ yếu là thanh niên và người lao động ở các vùng nông thôn, trong khi đó ông Macron có được sự hậu thuẫn rộng rãi của giới chính trị, tầng lớp tri thức, trung lưu.

Cũng như cuộc bầu cử năm 2002, đại diện của FN đã vào chung kết nhưng diễn biến trước ngày bầu cử 7-5 có khác so với lần trước. Khi ông Jean-Marie Le Pen lọt vào vòng 2, tất cả các đảng phái đều liên kết lại để kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho ông Jacques Chirac nhằm ngăn chặn phe cực hữu lên nắm quyền. Kết quả là ông Jacques Chirac đã thắng áp đảo với tỷ lệ 82,21 - 17,79%.

Các thành viên trong chính phủ gồm cả Tổng thống sắp mãn nhiệm François Hollande, các đảng phái tả, hữu và kể cả hai ứng cử viên bị loại ở vòng 1 gồm François Fillon và Benoit Hamon đã khẳng định sẽ bỏ phiếu cho ông Emmanuel Macron. Nhiều tập đoàn lớn cũng đưa ra lời cảnh báo về thảm họa kinh tế có thể xảy ra nếu cử tri ủng hộ chủ trương của ứng cử viên cựu hữu. Xã hội dân sự, các tổ chức công đoàn, các nghệ sĩ, nhà khoa học và các cơ quan truyền thông cũng đồng loạt ra lời kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu cho ứng cử viên Macron để ngăn chặn ứng cử viên FN.

Tương lai của EU phụ thuộc rất lớn vào kết quả vòng 2 nên lãnh đạo các nước châu Âu và thế giới đã lên tiếng ủng hộ ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron để duy trì những giá trị cấp tiến và vai trò của nước Pháp trong EU và trên thế giới. Chỉ có ông Jean-Luc Mélenchon, về thứ tư ở vòng 1, không tuyên bố bỏ phiếu hay kêu gọi cử tri của mình bỏ phiếu cho ông Macron, mà chỉ nói đừng bỏ phiếu cho bà Marine Le Pen vì đó sẽ là "sai lầm tai hại" đẩy nước Pháp rơi vào tình trạng rối ren, không lối thoát.

Trái ngược với sự ủng hộ rộng rãi của cả hệ thống chính trị dành cho ông Macron, bà Marine Le Pen không có được sự hậu thuận của các đảng lớn. Lãnh đạo một số đảng nhỏ như bà Christine Boutin, Chủ tịch đảng Dân chủ Công giáo, kêu gọi bỏ phiếu cho ứng cử viên FN nhưng chủ yếu vì lý do "không thích" ứng cử viên Macron. Sự hậu thuẫn đáng kể nhất là liên minh với đảng cánh hữu dân tộc chủ nghĩa "Nước Pháp đứng lên" với cam kết, nếu đắc cử, sẽ dành chức thủ tướng cho ông Nicolas Dupont-Aignan, người có 4,73% phiếu ủng hộ ở vòng 1.

Một vấn đề khác được nhiều người quan tâm là khối đoàn kết của các lực lượng chính trị cũng như các tổ chức công đoàn bị chia rẽ, không được huy động mạnh mẽ như năm 2002. Trái ngược với cảnh biểu dương lực lượng với sự tham gia của hàng triệu người trên cả nước cách đây 15 năm, vào đúng ngày Quốc tế Lao động 1-5 để kêu gọi tẩy chay ứng cử viên của FN, năm nay cũng diễn ra tuần hành nhưng không còn vũ bão như lần trước. Dù có khẩu hiệu "cản đường Marine Le Pen" nhưng một số tổ chức công đoàn không dứt khoát kêu gọi các thành viên bỏ phiếu cho ứng cử viên Emmanuel Macron. Chính vì vậy, ứng cử viên của FN không bị tẩy chay quyết liệt như năm 2002.

Yếu tố dẫn đến bất ngờ vẫn còn

Kể từ khi nền Cộng hòa thứ năm của Pháp ra đời, vòng 2 bầu cử tổng thống thường là cuộc đối đầu truyền thống giữa hai ứng cử viên tả, hữu. Vào năm 2002, ứng cử viên đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) Jean-Marie Le Pen đã bất ngờ vượt qua Thủ tướng đảng Xã Hội Lionel Jospin để lọt vào vòng 2 gặp Tổng thống cánh hữu mãn nhiệm Jacques Chirac. Năm nay, đại diện của FN, bà Marine Le Pen - con gái của ông Jean-Marie Le Pen, đã lặp lại được kỳ tích đó. Tuy nhiên, năm 2002, đa số cử tri Pháp, kể cả bên cánh tả (tuy đối với một số người là miễn cưỡng) đã không ngần ngại dồn phiếu cho ông Chirac để ngăn phe cực hữu lên nắm quyền.

Không dẫn đầu như dự báo trước khi diễn ra vòng 1, ứng cử viên Marine Le Pen không có được lợi thế về tâm lý để bước vào vòng 2 dù kết quả thăm dò cho thấy, tỷ lệ cử tri trung thành của FN có ý định bỏ phiếu còn rất cao. Màn trình diễn mờ nhạt của ứng cử viên FN trong cuộc tranh luận trực tiếp tối 3-5 trên truyền hình đã làm gia tăng khoảng cách tỷ lệ ủng hộ dự báo.

Theo kết quả thăm dò ý định bầu do hãng Elabe công bố ngày 5-5, ứng cử viên Emmanuel Macron có thể giành được 62% phiếu bầu so với 38% của ứng cử viên Marine Le Pen. Kết quả của hãng Ipsos Sopra-Steria cũng gần tương tự như vậy, ở mức 61,5% - 38,5%. Khoảng cách điểm ở mức cao nhưng tỷ lệ vắng mặt có thể đạt kỷ lục, từ 22 - 28%. Chính vì vậy, đây là yếu tố có thể dẫn đến kết quả khác so với dự đoán.

Đối với một bộ phận cử tri, ông Macron là ứng cử viên đại diện cho tầng lớp những người thành đạt và giàu có của nước Pháp. Họ đã tuyên bố đi bỏ phiếu cho ông nhằm ngăn chặn nguy cơ lên nắm quyền của đảng cực hữu FN chứ không phải bị thuyết phục bởi chương trình hành động của ứng cử viên này. Dù từng đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Kinh tế, kinh nghiệm lãnh đạo cũng như thành tích của ông Macron cũng chưa có gì nổi bật vì kinh tế Pháp không thoát khỏi tình trạng trì trệ, dẫn dến tỷ lệ thất nghiệp rất cao. Kết quả cũng phụ thuộc vào tỷ lệ cử tri vắng mặt có lợi cho đại diện của FN hay không, tức là tỷ lệ vắng mặt cao nhưng đa số đi bầu để ủng hộ bà Marine Le Pen.

Hơn thế nữa, lãnh đạo các đảng phái lớn như đảng Xã hội và đảng Những người Cộng hòa kêu gọi bỏ phiếu cho ứng cử viên Macron vì "nghĩa vụ Cộng hòa" nhưng cũng nhằm mục đích chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 6. Bên cạnh đó, mặt trận chung chống đảng cực hữu năm nay bị chia rẽ so với năm 2002. Thăm dò dư luận cũng cho thấy, có khoảng 2/3 cử tri ủng hộ đảng "Nước Pháp bất khuất" không có ý định đi bầu hay bỏ phiếu trắng và chỉ có khoảng 35% dự kiến bầu cho ông Macron. Tỷ lệ không đi bỏ phiếu của cử tri cánh hữu cũng ở mức 1/4.

Các nhà phân tích cho rằng tỷ lệ vắng mặt cao chỉ giúp ứng cử viên Marine Le Pen rút ngắn khoảng cách vì chỉ có thêm phiếu ủng hộ mới tăng khả năng giành thắng lợi cho đại diện của FN. Đối với ứng cử viên Emmanuel Macron, một chiến thắng áp đảo sẽ là tín hiệu tích cựu để triển khai các kế hoạch hành động trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Điều mà cả hai ứng cử viên đang hy vọng là có được thật nhiều lá phiếu từ những cử tri ủng hộ các ứng cử viên đã bị loại ở vòng 1 và những người còn do dự chưa biết chọn ai.

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp lần này liện tục bị bao trùm bởi những diễn biến căng thẳng, bất ngờ và khắc nghiệt. Tâm lý chủ quan cho rằng chiến thắng đã nằm trong tầm tay cũng đã xảy ra với ứng cử viên Macron ngay sau khi kết thúc vòng 1, khi để đối thủ "đánh úp", tiếp cận cử tri trước một bước ngay tại thành phố quê hương của mình vào ngày 26-4. Cơ hội để ứng cử viên Emmanuel Macron lớn hơn rất nhiều so với bà Marine Le Pen, tuy nhiên vẫn còn đó bài học về Brexit hay bầu cử ở Mỹ. Ứng cử viên Emmanuel Macron vẫn phải chờ đến tối 7-5 mới biết mình sẽ là Tổng thống Pháp trẻ nhất hay không.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan/binh-luan-quoc-te/item/32797002-nuoc-phap-chuan-bi-sang-trang-moi.html