Nước Pháp tăng cường tầm ảnh hưởng

Từ ngày 23 đến 25-8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có chuyến công du tới Romania, Bulgaria và Áo. Ông chủ điện Elysee cũng có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Séc và Slovakia. Diễn ra trong bối cảnh đoàn kết nội khối của Châu Âu đang đối mặt với nhiều thách thức như quá trình Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit), vấn đề khủng bố, di cư, truyền thông Pháp gọi đây là dấu hiệu cho thấy vị Tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước này đang thể hiện cam kết tăng cường vai trò lãnh đạo của Pháp tại Liên minh Châu Âu (EU).

Tổng thống Pháp E.Macron nỗ lực tăng cường gắn kết với các quốc gia EU.

Vấn đề được đề cập nhiều nhất trong chuyến công du của Tổng thống Pháp là việc tìm kiếm sự ủng hộ nhằm sửa đổi các quy định của Ủy ban Châu Âu (EC) về lao động biệt phái. Theo Chỉ thị có hiệu lực từ năm 1996, các công ty của một quốc gia thuộc EU được phép cử nhân viên tới làm việc ở quốc gia thành viên khác. Những lao động biệt phái này vẫn trả thuế và phí xã hội tại quê nhà, nhưng lại được hưởng quyền lợi lao động cơ bản ở nước tiếp nhận như mức lương tối thiểu, ngày nghỉ lễ có lương, khám sức khỏe...

Từ quy định này, rất nhiều lao động giá rẻ đã tràn vào các nước có mức thu nhập cao hơn. Theo số liệu của EC, có khoảng 2 triệu lao động dạng biệt phái tại Châu Âu, trong đó có 43% làm việc trong lĩnh vực xây dựng. Trên 50% số lao động này được gửi đến Pháp, Đức, Bỉ - nơi có chế độ đãi ngộ và nguồn thu nhập vượt trội so với mặt bằng chung của khối. Năm 2016, nước Pháp tiếp nhận khoảng 300.000 lao động biệt phái. Tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp khá cao, ở mức 9,6% trong quý I-2017, trong khi nước này vẫn phải sử dụng lao động tạm thời từ các quốc gia EU khác, chủ yếu là Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha.

Dù lao động biệt phái chỉ chiếm chưa đầy 1% lực lượng lao động tại EU, vấn đề này đã khắc sâu thêm những rạn nứt vốn tồn tại giữa Đông Âu và Tây Âu. Các nước Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Thụy Điển từ lâu đã phàn nàn về việc Trung và Đông Âu được hưởng lợi từ việc “phá giá” lao động và yêu cầu EC có sự điều chỉnh phù hợp.

Trong khi đó, các quốc gia Đông Âu cáo buộc việc thay đổi hay xóa bỏ Chỉ thị năm 1996 sẽ đi ngược lại nguyên tắc tự do lưu chuyển dòng lao động và dịch vụ. Ngay từ chiến dịch tranh cử, Tổng thống E.Macron đã lập luận rằng, đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới Brexit và là một lỗ hổng của EU khi thị trường lao động không được điều chỉnh thỏa đáng.

Bên cạnh đó, chuyến công du của ông E.Macron còn thể hiện ý định tái lập chính sách liên hệ giữa Pháp với Trung và Đông Âu, từng bị lãng quên dưới thời các Tổng thống tiền nhiệm. Bởi vậy, chuyến thăm của ông chủ điện Elysee nhằm mục đích trấn an các nước Trung và Đông Âu rằng tương lai của họ vẫn là trọng tâm trong các dự án, chiến lược chung của Châu Âu, nếu họ hợp tác với các nỗ lực cải cách do Berlin và Paris dẫn đầu.

Ngoài ra, việc nhà lãnh đạo Pháp bỏ qua Hungary và Ba Lan trong chuyến đi này cũng được coi là một thông điệp cứng rắn gửi tới Budapest và Warszawa. Quan hệ giữa Hungary và Ba Lan với EU hiện rất căng thẳng, khi hai nước này phản đối kế hoạch yêu cầu các nước thành viên tiếp nhận người nhập cư theo hạn ngạch và kiên quyết không tiếp nhận bất kỳ người tị nạn nào.

Trước đó, hai nước này cùng Slovakia và Cộng hòa Séc, còn được gọi là nhóm Visegard, cũng ra sức phản đối đề xuất của EU về việc xem xét lại chỉ thị lao động biệt phái 1996. Tuy nhiên, Cộng hòa Séc và Slovakia đã có những nhượng bộ nhất định, đồng thời khẳng định lợi ích thiết yếu của họ nằm ở khối EU.

Như vậy, động thái của Tổng thống E.Macron là ngầm khẳng định Pháp vẫn hướng về những quốc gia cam kết gắn bó chặt chẽ với chính sách chung của khối.

Minh Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/876318/nuoc-phap-tang-cuong-tam-anh-huong