Nước thải làng nghề tiếp tục "đầu độc" sông Đáy

Sau sự việc 3 doanh nghiệp trên địa bàn xã Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội bị Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) phát hiện và xử phạt vì đục thủng thân đê sông Đáy, xả nước thải trực tiếp ra sông vào cuối năm 2009, đến thời điểm này, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều doanh nghiệp tại làng nghề nhuộm vải này vẫn tiếp tục vi phạm.

Đục đê xả nước thải ra sông Từ sáng sớm đến tối mịt, tiếng máy dệt khăn bông rộn rã khắp xã Phùng Xá. Sợi dệt cần dùng các hóa chất là jave, sut, silicat, soda tẩy nhuộm để tạo màu khác nhau. Hầu hết doanh nghiệp đều đục thân đê, luồn ống qua để tuồn nước thải đủ màu xanh, đỏ, nâu, vàng ra sông. Dòng sông vì thế cũng đổi màu liên tục. Ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Phùng Xá cho biết, điểm sản xuất công nghiệp tập trung của xã được thành lập từ năm 2000, với diện tích 7ha, gồm 11 doanh nghiệp. Nhưng cả chục năm nay, các các doanh nghiệp vẫn "vô tư" xả nước thải độc hại ra sông, không qua bất kỳ khâu xử lý nào. Ngoài lượng nước xả từ các doanh nghiệp lớn, thì toàn bộ nước thải từ gần 1.900 hộ dân trong toàn xã cũng được xả trực tiếp ra sông Đáy hàng chục năm nay. Theo ước tính của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức, trung bình mỗi ngày đêm, một cơ sở sản xuất xả khoảng 200m3 thải chưa qua xử lý ra sông Đáy. Theo các chuyên gia ngành môi trường, nước thải từ các cơ sở dệt nhuộm thường có độ PH cao, chứa nhiều hóa chất, màu khó tan. Nếu nước thải không được xử sẽ gây ô nhiễm nước bề mặt, và nguy hiểm hơn sẽ lắng hóa chất làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Được biết, tuy nước sông Đáy không được sử dụng trong sinh hoạt, nhưng là nguồn nước tưới cho diện tích lớn đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Phùng Xá. Hàng chục ống xả nước thải công nghiệp chui qua thân đê. Nước thải bao giờ được xử lý? Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Kiên, sau khi bị Cục Cảnh sát môi trường phạt hành chính vì đục đê xả nước thải, hiện nay, các doanh nghiệp đang làm dự án xử lý nước thải. "Tuy nhiên, do kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý nước thải quá lớn, ngoài sức chịu đựng của các doanh nghiệp, nên cũng chưa biết khi nào có thể hoàn thiện và đi vào thực tế. Một số doanh nghiệp trong xã cũng đang xây dựng dự án để xin UBND TP Hà Nội hỗ trợ, chứ nếu để doanh nghiệp tự làm thì không biết đến khi nào mới có thể xử lý được nước thải", ông Kiên nói. Cũng theo lý giải của ông Kiên, dù điểm sản xuất công nghiệp tập trung đã được hình thành 10 năm nay, nhưng do các hộ đăng ký tham gia lẻ tẻ, nên không thể xây dựng được hệ thống xử lý nước cho toàn bộ điểm sản xuất tập trung này. Bên cạnh đó, UBND xã cũng đã phê duyệt dự án xây dựng khu công nghiệp tập trung rộng 10ha, nhưng quy hoạch đã được phê duyệt từ năm 2000, nhưng đến nay, vẫn không thể triển khai vì vướng công tác giải phóng mặt bằng. Ông Phạm Minh Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Phùng Xá cho biết thêm thông tin, vừa qua, đã có đoàn nghiên cứu về kiểm tra, đánh giá và lên phương án xử lý nước thải riêng cho điểm sản xuất công nghiệp tập trung, ước tính chi phí cho phương án này là 60 tỷ đồng. Đây là mức đầu tư quá lớn, ngoài khả năng của các doanh nghiệp trên địa bàn. Được biết làng Phùng Xá đang kết hợp phát triển mô hình du lịch sinh thái làng nghề. Song, với tình trạng nước thải độc hại được xả trực tiếp ra sông Đáy như hiện nay, sông Đáy đang tiếp tục "chết"

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2010/3/128107.cand