Nước tương, gia vị giả tràn ngập thị trường Trung Quốc

Nhà chức trách cho biết, một số nhà máy chuyên sản xuất các loại thực phẩm như nước tương, gia vị,... giả các thương hiệu nổi tiếng ở miền Bắc Trung Quốc vừa bị cảnh sát nước này triệt phá thành công.

Sản phẩm hạt nêm Knorr bị thu hồi tại thị trường Trung Quốc do có công thức, thành phần trên bao bì không rõ ràng. Ảnh: CFP

Theo thông tin ban đầu, các nhà máy này nằm trong khu vực của Trung tâm Công nghiệp Thiên Tân và chuyên sản xuất các loại thực phẩm nhái nhãn hiệu của các thương hiệu lớn.

Được biết, cảnh sát Trung Quốc đã vào cuộc sau khi đọc báo cáo từ cuộc điều tra của các phóng viên tờ Tin tức Bắc Kinh. Bài báo này cho biết, các loại thực phẩm giả đang được sản xuất với quy mô lớn bằng cách sử dụng nước máy bẩn, muối công nghiệp và các loại gia vị tái chế được mua với giá hời từ các nhà máy khác.

Cũng theo thông tin từ tờ báo này, có khoảng 50 nhà máy gia đình hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm nhái từ khoảng 10 năm nay, ước tính doanh thu mỗi năm của họ vào khoảng 100 triệu Nhân dân tệ (14 triệu USD).

Trong khi đó, kênh CNN cho biết là họ chưa thể xác nhận một cách độc lập các chi tiết báo cáo trên của tờ Tin tức Bắc Kinh và các quan chức chính quyền địa phương tại Thiên Tân cũng chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.

Còn trong một tuyên bố mới đây, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ điều tra kỹ càng vấn đề này.

“Thực phẩm và thuốc men bị làm giả, kém chất lượng là một vấn đề rất nghiêm trọng nên cuộc điều tra phải cần được thực hiện nghiêm túc”, tuyên bố nhấn mạnh.

Công ty Nestle cho biết, một số nhãn hiệu của họ cũng đã bị sao chép bất hợp pháp. “Chúng tôi lên án gay gắt với những hành vi làm giả thực phẩm và nước giải khát của các nhà máy này”, một đại diện của công ty này nói.

Còn phát ngôn viên của Công ty Liu Ying thì thông tin: “Hiện chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để xác định và có những hành động ngăn chặn kịp thời nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Người đại diện Công ty thực phẩm Lee Kum Kee thì kêu gọi người tiêu dùng nếu muốn mua gia vị thì nên đến những kênh bán hàng uy tín như các siêu thị. “Từ kinh nghiệm trong quá khứ, chúng tôi nhận ra rằng, hầu hết các sản phẩm giả đều được tiêu thụ tại các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ và các chợ đầu mối”, người này nói.

Hiện tại, hai nhãn hiệu lớn cũng bị làm giả sản phẩm, theo điều tra của tờ Tin tức Bắc Kinh, là Knorr và Wang Shou Yi chưa ra bình luận về vụ việc trên.

Tờ Tin tức Bắc Kinh cho biết, các nhà máy nằm trong một khu vực dân cư của thành phố Thiên Tân này có quy mô sản xuất lớn và hoạt động rất phức tạp. Bên trong mỗi nhà máy thì có hàng chục công nhân làm việc; Trong khi đó, bên ngoài nhà máy lại luôn có nhân viên với camera giám sát ứng trực 24/24 để có thể nhanh chóng báo động nếu có bất kỳ sự xuất hiện của “người lạ mặt” nào.

Như đã biết, trong những năm gần đây, ngành sản xuất thực phẩm tại Trung Quốc đã bị thiệt hại đáng kể bởi các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Theo báo cáo trong năm 2015, gần một nửa số nhà máy chế biến thực phẩm tại Trung Quốc là không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quốc tế. Năm ngoái, hàng trăm tấn thịt đông lạnh nhập lậu, trong đó có cả một lô được nhập từ những năm 1970 đã bị thu giữ tại tỉnh Hồ Nam.

Vào tháng 12/2016, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Chính phủ Trung Quốc cho biết là họ đã tiến hành thanh tra 15 triệu vụ việc trong ba quý đầu tiên của năm 2016, trong đó có hơn 500.000 vụ vi phạm được ghi nhận.

Minh Luân (Theo CNN)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/nuoc-tuong-gia-vi-gia-tran-ngap-thi-truong-trung-quoc-d53679.html