Nước uống C2, Rồng đỏ bị điểm danh trước Quốc hội

Trong phiên họp thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, vụ Công ty URC nhiễm chì tiếp tục bị nêu tên.

Ngày 5/6/2017, Quốc hội đã dành cả ngày thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

Theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rõ, nguyên nhân những yếu kém, hạn chế trong quản lý an toàn thực phẩm là thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong tổ chức, phân bổ nguồn lực; phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa các Bộ còn có mặt chồng chéo; hoạt động điều phối của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương còn chưa quyết liệt…

Cũng theo báo cáo, qua thanh tra, kiểm tra, các ban ngành chức năng đã phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm, chiếm 20,3%. Tuy nhiên, trong số 678.755 cơ sở vi phạm, mới chỉ có 136.545 cơ sở bị xử lý, chiếm 20,1%, trong đó phạt tiền 55.714 cơ sở với số tiền 133.905.925.136 đồng. Con số này thực sự rất ít so với số vụ vi phạm.

Hai sản phẩm C2, Rồng đỏ bị điểm danh trước Quốc hội

Đặc biệt, trong Báo cáo còn nhấn mạnh việc: Trong năm 2016, Bộ Y tế đã tiến hành thanh tra Công ty URC, Công ty Coca Cola và Công ty Minh Thái Lộc cung cấp phụ gia thực phẩm cho Công ty URC.

Bộ Y tế đã xử phạt vi phạm hành chính 3 Công ty này gần 6.5 tỷ đồng, riêng URC là gần 5.9 tỷ đồng. Kết quả xử phạt này đã thể hiện tính răn đe cao đối với các cơ sở cố tình vi phạm các quy định về ATTP.

Trước việc xử phạt trên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hành lang pháp luật của Việt Nam khá là đầy đủ, vấn đề là khâu thực thi và xử phạt còn quá nhẹ, chưa nghiêm minh.

“Mức phạt quá thấp mà không răn đe, chỉ có ngành y tế phạt môt doanh nghiệp nước ngọt là URC 5.9 tỷ đồng còn ngoài ra các hình phạt khá thấp”, bà Tiến nói và cho rằng ngành y tế sẽ hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề này.

Về mô hình quản lý ATTP, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trên thế giới không có một mô hình quản lý ATTP nào thành công cho tất cả các nước. Do đó, mọi đánh giá về vấn đề ATTP đều phải bảo đảm tính cân bằng và sát với từng thời kỳ để từ đó đưa ra mô hình bộ máy tổ chức thực hiện phù hợp.

Kết thúc phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2011- 2016 nêu trên.

Hạ Vũ

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/bao-ve-nguoi-tieu-dung/nuoc-uong-c2-rong-do-bi-diem-danh-truoc-quoc-hoi-d113698.html