Nuôi cá lồng bè ở Tiền Giang: Thực trạng và đề xuất

Tiền Giang là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, có hệ thống sông ngòi chằng chịt với lưu tốc dòng chảy vừa phải và thủy triều lên xuống theo chế độ bán nhật triều nên điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho hoạt động nuôi cá lồng bè trên sông phát triển.

Làng cá nuôi lồng bè Tiền Giang (khu vực Cù lao Thới Sơn và Cồn Tân Long) hình thành năm 2001 với khoảng 30 lồng bè với các loài cá nuôi như: cá rô phi đen, cá lóc, cá tra... Sau đó, một số ngư dân chuyển sang nuôi cá điêu hồng có hiệu quả kinh tế rất cao nên có nhiều bà con trong và ngoài tỉnh đầu tư nuôi cá bè - cao trào nhất là những năm 2005-2007. Đến nay, tổng số lồng - bè trên địa bàn tỉnh là 1.444 lồng-bè với sản lượng cá thịt cung cấp cho thị trường hàng năm khoảng 18.000 tấn, bè được đóng với kích thước lớn hơn dao động từ 100-112m3, lồng bè ngoài phân bố trên địa bàn thành phố Mỹ Tho và huyện Châu Thành thì còn phát triển thêm ở bờ Bắc và Nam của Cù lao Ngũ Hiệp - huyện Cai Lậy, bờ sông khu vực xã Tân Thanh - huyện Cái Bè. Năm nay, hoạt động nuôi cá bè trên địa bàn tỉnh cần trên 35,5 triệu con giống, chủ yếu là nuôi cá điêu hồng, Ngoài ra, cũng có một số bè nuôi các đối tượng khác như: cá lóc bông, chim trắng, cá tra, chình... nhưng số lượng không đáng kể. Do đối tượng nuôi chính trên lồng-bè là cá điêu hồng, chủ yếu tiêu thụ nội địa nên khi thu hoạch rộ, thường hay xảy ra hiện tượng cung vượt cầu ,dẫn đến giá cá cũng ít khi tăng cao. Nhìn chung, qua khảo sát giá cá điêu hồng nuôi lồng-bè hiện nay có cao hơn các năm trước, dao động từ 23.000 - 24.000 đồng/kg nhưng do chi phí đầu vào như thức ăn, thuốc thú y, nhân công tăng, đặc biệt là giá thức ăn, có thời điểm giá thức ăn cao gần gấp đôi làm giá thành sản xuất cá tăng cao khoảng 24.000 đồng/kg nên người nuôi không có lãi nhiều. Theo ông Nguyễn Phương Thoại - cán bộ Chi cục Thủy sản cho biết: "Trong những năm đầu hoạt động nuôi cá bè mới hình thành, cá điêu hồng có giá khoảng trăm ngàn đồng nhưng hiện nay giá chỉ dao động trong khoảng 23.000-24.000 đồng/kg, có lúc giá chỉ 13.000-14.000 đồng. Trong khi đó, giá thành sản xuất 1kg cá hiện tại dao động trong khoảng 20.000- 22.000 đồng/kg tùy hộ nuôi, có khi chi phí cho 1kg cá lên đến 24.000 đồng/kg. Mặt khác, chất lượng cá giống suy giảm, môi trường nước khu vực vùng nuôi ngày càng xấu, dịch bệnh ngày càng nhiều làm tỉ lệ hao hụt cao, cá chậm lớn dẫn đến chi phí sản xuất cao nên số lồng bè ở khu vực này được kéo lên khu vực thượng nguồn sông Tiền: Cái Bè, Cai Lậy ngày càng nhiều, ví dụ như năm 2008 Cai Lậy chưa có bè nào thì hiện nay lên tới 167 lồng bè!. Tình hình dịch bệnh năm nay cũng nhiều hơn năm trước, do người dân nuôi với mật độ cao, bè đậu san sát nhau, không neo đậu theo quy định của cơ quan quản lý làm dòng chảy yếu, nước thiếu oxy, cá bệnh ở bè này thường lây lan sang các bè khác theo dòng chảy, hiện tượng lờn thuốc kháng sinh do sử dụng không đúng cách...; mặt khác môi trường nước ngày càng xấu, từ đó làm tỉ lệ hao hụt cao, thường dao động khoảng 20-40% , đây cũng là nguyên nhân làm giảm lợi nhuận trong hoạt động nuôi cá lồng bè ở Tiền Giang". Do đó, vấn đề đặt ra ở đây là giảm chi phí đầu vào và tạo đầu ra cho sản phẩm. Để giải quyết vấn đề này, ngành nông nghiệp cần tăng cường chuyển giao kỹ thuật mới, tiên tiến cho cho người dân, khuyến cáo và hướng dẫn kỹ thuật nuôi các đối tượng khác để đa dạng hóa giống loài nuôi. Thực tế cho thấy, nuôi cá bè phát triển tự phát theo phong trào, không có định hướng cụ thể nên dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu. Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp đã vận động ngư dân thành lập tổ hợp tác để trao đổi kinh nghiệm nuôi, liên kết lại với nhau trong sản xuất, nhưng đến nay hoạt động của các tổ này chưa phát huy được hiệu quả. Vì vậy, để hoạt động nuôi lồng bè ở Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung có hiệu quả hơn thì cần phải có sự kết hợp chặt chẽ của "bốn nhà": - Ngân hàng cần cho ngư dân vay kịp thời với lãi suất ưu đãi để ngư dân có vốn sản xuất và bớt phải vay nóng của tư thương với lãi suất cao. Nên kịp thời giãn nợ cho những hộ chẳng may bị lỗ và tạo điều kiện cho họ tiếp tục được vay vốn để sản xuất và trả được nợ. - Nhà khoa học tăng cường công tác nghiên cứu tìm ra quy trình sản xuất mới có hiệu quả kinh tế cao, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; gia hóa và nâng cao chất lượng đàn cá bố mẹ, từ đó tạo ra con giống tốt tăng trưởng nhanh, ít dịch bệnh; tăng cường chuyển giao khoa học- kỹ thuật cho cơ quan Khuyến nông - khuyến ngư địa phương. - Doanh nghiệp: Đối với doanh nghiệp chế biến thức ăn phải tìm mọi cách hạ giá thành sản phẩm, chia sẻ khó khăn với người nuôi vì sự tồn tại của người nuôi là chỗ dựa cho sự phát triển của doanh nghiệp; doanh nghiệp thu mua có hợp đồng xuất bán cá với người nuôi từ đầu vụ cho họ an tâm sản xuất và dễ dàng trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng; khai thác những thị trường mới, tìm những đối tác nước ngoài để xúc tiến hoạt động xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị kinh tế hoạt động nuôi lồng bè, đem lại ngoại tệ cho đất nước. - Nhà chăn nuôi: chấp hành đúng quy định của cơ quan quản lý về vùng nuôi, thực hiện khuyến cáo của cơ quan quản lý, tranh thủ ứng dụng các quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến, sử dụng hóa chất, kháng sinh đúng cách, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; nuôi các đối tượng khác nhau để đa dạng hóa sản phẩm cung cấp cho thị trường.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=365903&co_id=30066