Nuôi gà rừng để thả về rừng

Một buổi sáng ngủ lại nhà người quen ở xã Quảng Kim (Quảng Trạch, Quảng Bình), bỗng nghe tiếng gà rừng gáy vang khắp xóm làng. Hỏi ra mới biết, đó là tiếng gáy của đàn gà rừng thuần hóa của cụ Phạm Văn Trực (73 tuổi, thôn Hợp Phú).

Nuôi gà rừng vì bị bẫy quá nhiều

Tò mò, chúng tôi tìm sang nhà cụ Trực, khuôn viên nhà nằm dưới rặng núi Hoành Sơn trong góc núi Chóp Chài.

Cụ Trực nói về cách nuôi gà rừng Hoành Sơn

Khu vườn của cụ Trực rộng vài ngàn mét vuông, cây mọc như rừng. Tiếng lợn rừng, tiếng chim hót, tiếng gà rừng gáy tưng bừng như bản giao hưởng vùng núi buổi sáng.

Cụ Trực nói về cơ duyên nuôi gà rừng: “Từ nhỏ, tôi theo chân cha ông lên Hoành Sơn kiếm sống nên thấy gà rừng nhiều vô kể. Giới chơi gà rừng hay chơi chim cảnh đều ra tận Hoành Sơn bắt bẫy gà rừng, chim cảnh như khướu, chào mào, chích chòe… để nuôi hoặc đấu xảo. Họ nói những loài ở Hoành Sơn có khí hậu khắc nghiệt nên tinh anh, đi dự đấu xảo đều thắng lớn. Thế nên gà rừng bị bắt bẫy ngày một nhiều. Gà rừng vắng dần trên đỉnh núi. Trong vùng, một số thanh niên đi bẫy gà rừng về, tôi nhìn những chú gà, thấy ánh mắt chúng ủ rũ mà ám ảnh nên mua về nuôi bảo tồn”.

Cụ Trực với con giống gà rừng đực trị giá 5 triệu đồng

10 năm trước, cụ Trực nghĩ, cần mua lại các con gà rừng bị đánh bẫy về nuôi để nếu chúng sinh sản, sẽ nhân giống và vỗ béo rồi bán cho ai có nhu cầu, sẽ tránh được cảnh gà bị bẫy trên núi.

Nói là làm, cụ tiết kiệm được 10 triệu đồng từ tiền bán heo, tìm mua các cá thể gà rừng bị đánh bẫy về nuôi. Con giống hoang dã, cứ nuôi được một tháng là chết.

Phải mất 5 năm cụ Trực mới phát hiện, giống gà hoang dã này nếu muốn sống thì không nên cho chúng ra ánh sáng, phải nhốt trong chuồng tối. Mỗi khi thức ăn bỏ vào, chỉ he hé một chút để ánh sáng không lọt vào làm chúng căng thẳng.

Gà rừng cụ Trực nuôi thả trong vườn

Mất nhiều năm cụ Trực mới thành công nuôi sống gà rừng trong vườn nhà mình.

Cụ chia sẻ: “Bí quyết thì đơn giản, thế hệ gà F1 còn hoang dã nên phải cho vào chỗ kín, cho uống nước có một ít đường hoặc muối nhạt, khi chúng đẻ trứng cần phối con trống và con mái với nhau. Lúc trứng nở, gà con lấy ra cho ở vào chuồng riêng, cho ăn bột ngô trộn muối thì lớn lên gà sẽ không đi xa, chỉ luẩn quẩn trong vườn nhà. Đơn giản vậy nhưng mất 5 năm tôi mới có kinh nghiệm này”.

Vườn nhà cụ Trực khắp nơi đều có tổ gà rừng treo trên cây, chúng đẻ quanh năm

Từ năm 2020 đến nay, cụ Trực đã nhân giống nhiều lứa gà rừng và rút ra kinh nghiệm, nếu để gà bố mẹ đẻ tự nhiên thì mỗi lứa được 8 trứng; khi nở, gà con đi với bố mẹ sẽ chỉ sống sót 1 đến 2 con, do gà bố mẹ ban đêm nhảy lên cây cao ngủ, gà con ngủ dưới đất dễ bị chuột rắn cắn, cá biệt có ổ không còn gà con.

Từ đó, cụ Trực tách gà con mới nở ra chuồng riêng, tự cho ăn, nuôi trong 3 tháng. Lúc này chúng lớn mạnh mới thả ra vườn và bảo toàn được cả đàn.

Trong vườn nhà cụ Trực hiện có hơn 250 con gà rừng cả trống và mái, chưa kể hàng chục tổ trứng đang "giăng" khắp vườn và hàng chục con gà vừa mới nở.

“Rứa là thành công, vừa bảo tồn, vừa giữ chúng được trong vườn, vừa để chúng sinh sản như gà nhà”, cụ Trực nói.

Thả gà rừng về rừng

Tuổi thơ của cụ Trực là những chuyến lên dãy Hoành Sơn đi củi, hái thảo quả về dùng. Cứ đi một đoạn lại thấy gà rừng bay tứ tán, nhiều tổ gà dưới đất với trứng trắng hồng, có khi là bầy gà con chạy trốn chân người.

Nhưng ký ức ấy với cụ khó để lặp lại bởi lẽ, người ta săn gà rừng quá nhiều dẫn đến gà ngày một ít đi. Thiên nhiên với cụ là ký ức đẹp đẽ đó của tuổi thơ, nên ở tuổi già, cụ tìm cách bảo tồn loài gà mà mình hay bắt gặp thuở thiếu thời.

Một ngày 2 bận, cụ Trực cho đàn gà ăn bằng cách đi khắp vườn nhà và kêu chúng ra ăn

Từ bảo tồn được gà rừng, vào mỗi tháng đầu mùa Hè, cụ Trực lặng lẽ thức dậy lúc 4 giờ sáng, chọn bắt khoảng 30 con rồi mang lên sâu trong rặng Hoành Sơn, thả chúng về với rừng.

“Tôi làm việc này không cho ai biết. Trong số này, tôi chọn 15 con trống và 15 con mái để chúng về với tự nhiên. Mục đích là gầy giống ngoài tự nhiên thật tốt để núi rừng Hoành Sơn được trở lại một phần như xưa. Gà rừng những năm nay người dân ít săn bắt nên sinh sôi nhiều. 3 năm qua, tôi thả gần 100 con về lại rừng, không nhiều nhưng góp chút sức nhỏ giúp chúng sinh sôi. Gà rừng có nhiều trở lại, tôi thấy các loài động vật và chim quý hiếm khác cũng xuất hiện trở lại ở Hoành Sơn nhiều hơn trước, đó là tín hiệu mừng. Nay đã 73 tuổi, còn sống năm nào, tôi sẽ cố gắng thả thêm gà về với tự nhiên, có như thế, khi nhắm mắt tôi thấy an lòng với núi rừng quê hương”, cụ Trực trải lòng.

Gà rừng con khi nở, cụ Trực đưa ra chăm riêng

Để có nguồn vốn, cụ Trực đã vay ngân hàng chính sách địa phương 100 triệu đồng đầu tư phát triển con giống gà rừng.

Ngoài ra, cụ nuôi hơn 20 con lợn rừng lai, 3 con hươu, cho thu nhập mỗi năm hơn 200 triệu đồng, vừa có tiền quay vòng vốn, vừa chi trả thức ăn nuôi bảo tồn gà rừng.

Nhà cụ Trực như một khu rừng nhỏ xinh xinh dưới núi Hoành Sơn

Nguồn thu của cụ Trực cũng có thêm từ bán gà rừng các thế hệ sau.

“Nhu cầu mua gà rừng của người dân rất lớn, phần họ mua về làm cảnh chơi, phần mua về làm thịt. Tôi bán con 1 năm tuổi giá 1,5 triệu đồng; với cá thể gà lớn, làm giống thì mỗi con 5 triệu đồng. Tất thảy đều được đặt trước, gầy dựng, om nuôi cẩn thận mới bán ra”, cụ Trực nói.

Trứng gà rừng đẻ trong vườn nhà

Bên trong khu vườn nhà của cụ Trực, đàn gà rừng thấy bóng người lạ là chạy tán loạn, nhưng khi cụ cục cục cho ăn, chúng lại đến quanh quẩn dưới chân một cách tin tưởng.

Cụ Trực mỉm cười: “Chúng thấy tôi quen vì chăm bẵm, cho ăn, cho uống nước, nếu người lạ đến, chúng chạy vào các lùm cây tránh hết. Khi bắt bán, tôi phải dụ chúng vào chuồng để tránh bị hoảng loạn”.

Mỗi năm cụ chọn 30 con thả về rừng núi Hoành Sơn

Ông Tưởng Văn Khanh, Chủ tịch Hội nông dân xã Quảng Hợp cho biết, mô hình bảo tồn gà rừng khá lạ trên địa bàn nhưng với sự yêu thích thiên nhiên mạnh mẽ của cụ Trực nên địa phương ủng hộ cả tinh thần và vật chất là vốn vay. Bởi, cụ không chỉ lo cho mình mà còn thả gà rừng về tự nhiên khiến người dân đánh giá cao tấm lòng này của cụ.

MINH PHONG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nuoi-ga-rung-de-tha-ve-rung-post737791.html