Núp bóng pháp luật, xe hợp đồng chạy tuyến cố định

Tình trạng xe hợp đồng hoạt động trá hình và sai bản chất kinh doanh vận tải đang tung hoành trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xe hợp đồng hoạt động trá hình và sai bản chất kinh doanh vận tải đang tung hoành là do điều kiện cấp phép cho xe hợp đồng đang khá lỏng lẻo. Chỉ cần đội mào “xe hợp đồng”, mỗi văn phòng trở thành một bến cóc, mỗi nhà xe có một điểm đón khách riêng và chạy tuyến cố định. Đáng chú ý là loại xe Limousine 9 chỗ ngồi đang phát triển rất nhanh và hoạt động nhiều trên tuyến vận tải ngắn.

Văn phòng nhà xe thành bến đón khách.

Văn phòng nhà xe thành bến đón khách.

Nhà xe Vân Anh trên đường Giải Phóng (Hà Nội) luôn nhộn nhịp từ 6 sáng đến 22h tối, với tần suất 1 tiếng có một xe Limousine 9 chỗ ngồi rời bến. Thay vì ra bến mua vé tuyến cố định, khách đi xe đến điểm tập kết ở trụ sở văn phòng, lên xe và trả tiền, hành khách không được đưa vé mà chỉ ghi tên trong bản hợp đồng. Chính nhờ những bản hợp đồng này, nhà xe có thể vận chuyển hành khách tuyến cố định núp dưới danh nghĩa những chuyến xe hợp đồng. Giá vé tuyến Hà Nội – Thanh Hóa là 160.000 đồng/người/lượt, gấp đôi giá niêm yết tại bến xe.

Trao đổi với chúng tôi, các hành khách cho biết chỉ việc nhấc máy gọi, sẽ có người hướng dẫn mình nơi gần nhất để đón xe, ở trong phố họ vẫn vào đón được. Liên hệ qua số điện thoại của nhà xe Vân Anh, một nhân viên hướng dẫn cho biết:

“Đi Thanh Hóa thì đón xe ở đâu, anh qua 194 Giải Phóng, đi Thanh Hóa thì đặt vé trước không hết vé, đặt vé qua điện thoại cũng được”.

Phương thức hoạt động của xe “dù” núp bóng xe hợp đồng, đỗ tại văn phòng, các điểm du lịch, bãi xe… không chỉ có ở tuyến Hà Nội – Thanh Hóa còn ở các tuyến đi tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, Thái Bình, Hải Dương. Tại các điểm quanh siêu thị Bic C Thăng Long, tuyến đường Phạm Hùng, công viên Thống Nhất… luôn tấp nập xe qua lại. Các loại xe này với danh nghĩa là xe hợp đồng ngang nhiên đón trả khách tùy tiện trên đường phố.

Đáng nói là trên các xe này đều trưng biển xe hợp đồng, xe chở khách du lịch, chuyển phát nhanh... Nhiều nhà xe còn đón trả ngay trong phố cổ như xe Camel Travel, Queen Cafe, Hưng Thành…Các nhà xe này thường ký kếtvới một công ty dịch vụ du lịch để xin giấy phép hoạt động vận tải theo hợp đồng. Sau khi đón khách tại văn phòng hoặc một số bến bãi tự phát, nhân viên nhà xe sẽ lập danh sách và nhờ một hành khách ký trước hợp đồng để ứng phó với lực lượng tuần tra, kiểm soát.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình khẳng định những chiếc xe hợp đồng chạy tuyến cố định là xe “dù” vì không có đăng ký tại các bến. Thậm chí, một số doanh nghiệp có xu hướng bỏ bến để ra ngoài hoạt động theo kiểu xe hợp đồng chạy tuyến cố định:

“Chúng tôi cho rằng trong vấn đề này có một số xe hoạt động tự do khiến nhiều phương tiện hoạt động trên tuyến bị ảnh hưởng, có những doanh nghiệp trên tuyến cố định muốn rời bỏ theo tuyến để hoạt động theo hình thức này. Nếu các doanh nghiệp vận tải hoạt động với hình thức như thế sẽ làm lộn xộn và méo mó ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông của thành phố, phá vỡ quy hoạch trật tự vận tải tuyến cố định”.

Những chiếc xe hợp đồng đón khách khắp thành phố.

Hiện, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trong bến phải đóng các khoản thuế và phí như: Bến bãi, lộ trình đường tuyến, VAT 10% giá vé… Trong khi đó những chiếc xe kiểu Limousine vẫn chở khách như tuyến cố định mà không phải đóng. Ông Ngô Văn Công, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Sơn Hà Hải Vân cho biết: đây là một hình thức trốn thuế và cạnh tranh không lành mạnh của loại xe dù này với các doanh nghiệp vận tải khác. Bằng cách làm này, họ đã trốn được nhiều khoản thuế như: Thuế doanh nghiệp, VAT, phí ra vào bến…Do vậy, cơ quan chức năng cần sớm quản lý loại hình vận tải này:

“Đây là nguy cơ rất lớn cho doanh nghiệp vận tải tuyến cố định và cho các bến, hành khách sẽ không về bến ra văn phòng các đơn vị chạy hợp đồng. Doanh nghiệp hoạt động tại bến bị giảm lượng khách, nếu hình thức này không được hạn chế, kiểm soát tốt thì các doanh nghiệp tuyến cố định phải dừng nốt, ảnh hưởng tới quản lý Nhà nước với loại hình hoạt động này”.

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 242 về việc tiếp tục chấn chỉnh tình trạng “xe dù, bến cóc” trong vận tải hành khách bằng xe ô-tô. Theo đó, Bộ Công an tiếp tục triển khai các lực lượng để duy trì thực hiện có hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm, nhất là hiện tượng thao túng, bảo kê hoạt động vận tải hành khách bằng xe ôtô. Thanh tra giao thông phối hợp các lực lượng khác tăng cường thanh tra các doanh nghiệp vi phạm, sử dụng dữ liệu trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình để làm cơ sở xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

Trong khi chờ các cơ quan chức năng đưa ra các giải pháp hữu hiệu ngăn chặn những bến cóc xe dù đang hoạt động thì những biến tướng của loại hình xe hợp đồng lại tạo thêm nhiều bến cóc mới với những hình thức lách luật tinh vi. Hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định đang “náo loạn” bởi các xe hợp đồng nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu? Dư luận và các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định đang đặt câu hỏi về minh bạch trong xử lý sai phạm núp bóng xe hợp đồng, bến cóc xe dù đổi trắng thay đen khó gì?./.

Hoài Lam/VOV-Trung tâm tin

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/nup-bong-phap-luat-xe-hop-dong-chay-tuyen-co-dinh-553198.vov