Ô đầu phụ tử trừ hàn chỉ thống

Ô đầu phụ tử còn có tên khác là xuyên ô, thảo ô, củ ấu tàu... Theo cố GS.TS. Đỗ Tất Lợi, ô đầu và phụ tử đang dùng trong đông y thuộc loài Aconitum sinensis Paxt.

Ô đầu phụ tử còn có tên khác là xuyên ô, thảo ô, củ ấu tàu... Theo cố GS.TS. Đỗ Tất Lợi, ô đầu và phụ tử đang dùng trong đông y thuộc loài Aconitum sinensis Paxt., nhập từ Trung Quốc; còn ô đầu phụ tử của Việt Nam là loài Aconitum fortunei Hemsl., họ Mao lương (Ranunculaceae). Vùng Tứ Xuyên Trung Quốc là nơi trồng và chế biến ô đầu, được gọi là xuyên ô đầu hoặc xuyên ô, còn ở các nơi khác gọi là thảo ô đầu hoặc thảo ô.

Ô đầu (Radix Aconiti) là rễ củ mẹ, phụ tử là rễ củ con; được xếp loại thuốc độc bảng A. Ô đầu đã chế biến (ô đầu chế) và sinh phụ tử chỉ (củ con) chỉ được dùng xoa đắp ngoài ở dạng cồn, rượu xoa bóp giảm đau... Người ta chỉ dùng phụ tử chế biến (diêm phụ tử, hắc phụ tử, hắc phụ phiến, bạch phụ phiến, đạm phụ phiến, bào phụ phiến) trong các đơn và thực đơn chữa bệnh.

Ô đầu phụ tử chứa alkaloids: aconitin, mesaconnitin, hypaconitin... Trong đó, aconitin độc nhất, chiếm tỷ lệ cao nhất. Liều gây chết là 0,2 - 0,5mg/1kg cơ thể. Quá trình chế biến là thủy phân các alcaloid độc thành các chất giảm độc và có tác dụng chữa bệnh: làm tăng huyết áp, trợ tim, chống viêm, tăng cường khả năng miễn dịch, giảm đau, hạ đường huyết và chống lạnh.

Theo Đông y, phụ tử vị cay ngọt, tính nhiệt, có độc mạnh; vào tâm, tỳ, thận. Có công năng hồi dương cứu nghịch, ôn bổ thận tỳ, trừ hàn chỉ thống. Trị âm thịnh cách dương, vong dương quyết lãnh, tâm phúc lãnh thống, hư hàn tiết tả, phong hàn thấp tý. Liều dùng: 3 - 10g bằng cách nấu, sắc, hầm (nấu, sắc kỹ trong 1 - 2 giờ).

Ấm thận hồi dương. Trị các chứng hư thoát, dương hư ở tâm thận, hoặc ra mồ hôi quá nhiều, nôn quá nhiều, đi ngoài quá nhiều mà chân tay lạnh ngắt, mạch nhỏ muốn tắt, mồ hôi lạnh thấm ra không dứt, thổ tả không cầm.

Bài 1: thang Tứ nghịch: phụ tử chế 16g, can khương 12g, chích thảo 6g. Sắc kỹ lấy nước uống. Trị mồ hôi ra quá nhiều, nôn quá nhiều, đi ngoài quá nhiều nên hư thoát, mạch nhỏ, chân tay lạnh.

Bài 2: thang Hồi dương cấp cứu: phụ tử chế 12g, nhục quế 4g, can khương 6g, đảng sâm 12g, bạch truật 12g, phục linh 12g, trần bì 12g, cam thảo 4g, ngũ vị tử 6g, bán hạ 12g, gừng sống 12g. Sắc uống. Thêm xạ hương 0,12g (3 ly), hòa chung mà uống. Trị hàn uất nhập lý, chân tay lạnh ngắt, đau bụng rùng mình, thổ tả mà không khát, thân nhiệt và huyết áp đều xuống thấp, mạch nhỏ muốn tắt.

Ấm thận hành thủy. Trị viêm thận mạn tính, khí dương không đủ, lưng mỏi chân lạnh, tay chân phù thũng. Dùng bài Hoàn bát vị: phụ tử chế 12g, nhục quế 4g, thục địa 16g, sơn dược 16g, sơn thù du 12g, bạch linh 12g, đơn bì 12g, trạch tả 12g. Nghiền mịn, lấy mật làm hoàn. Mỗi lần dùng 12g, ngày 2 lần.

Trừ hàn dịu đau:

Bài 1: Thang quế chi phụ tử: quế chi 12g, phụ tử chế 12g, cam thảo 8g, sinh khương 12g, đại táo 3 quả. Sắc uống. Trị phong thấp, đau nhức khớp mà không thấy biểu hiện nhiệt.

Bài 2: Thang phụ tử: phụ tử chế 12g, phục linh 12g, đảng sâm 12g, bạch truật 12g, thược dược 12g. Sắc uống. Trị các chứng hàn thấp xâm nhập vào cơ thể nên xương khớp mình đau nhức, lưng rất lạnh, chân tay không ấm, miệng không thấy khát.

Kiêng kỵ: Người âm hư dương thịnh, chân nhiệt giả hàn, phụ nữ có thai, phụ nữ giai đoạn rối loạn mãn kinh có triệu chứng âm hư nội nhiệt không dùng. Ô đầu phản bán hạ, qua lâu, bối mẫu, bạch cập, bạch liễm; sợ tê giác.

BS. Tiểu Lan

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/o-dau-phu-tu-tru-han-chi-thong-n132233.html