Ô nhiễm không khí gây hiểm họa gì?

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm không khí đang trở nên đáng lo ngại hơn bất cứ thời điểm nào, đặc biệt là khi Hà Nội của chúng ta đã nằm trong top những thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới.

Tổn thương môi trường tự nhiên

Nhìn chung những nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm không khí một phần là do các tác nhân tự nhiên như cháy rừng, núi lửa, bão bụi, quá trình phân hủy của động thực vật,…, một phần là do tác nhân từ con người như hoạt động công nghiệp thải ra rất nhiều khí độc, phát triển giao thông, vận tải, sinh hoạt của con người,… Tất cả những nguyên nhân đó đã gây nên rất nhiều hậu quả xấu đến môi trường tự nhiên.

Ozon là lớp lá chắn bảo vệ chúng ta khỏi tia cực tím chiếu xuống từ Mặt Trời. Và khi lớp lá chắn ấy bị xuyên phá bởi những tác động xấu từ khí thải gây ô nhiễm không khí, thì chúng ta sẽ bị tấn công trực tiếp bởi những tia cực tím. Hậu quả của nó không chỉ ảnh hưởng tới da và mắt của con người, mà cả mùa màng được gieo trồng trên Trái đất nữa.

Ô nhiễm không khí chính là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường và nó đã làm cho môi trường sống của con người ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Vấn đề này tuy đã được các nhà chức trách ra tay vào cuộc nhưng vẫn không cải thiện được bao nhiêu thậm chí không khí vẫn ngày càng ô nhiễm hơn và nó vẫn còn là một vấn đề cấp thiết cần được giải quyết.

Tác động đến sức khỏe con người

Ô nhiễm không khí là khi khí độc, khói và bụi lan tỏa với cường độ lớn trong bầu khí quyển, khiến cho con người gặp khó khăn trong việc hô hấp.

Những ảnh hưởng đáng báo động tới tim và phổi gây ra bởi ô nhiễm không khí đã được nhiều nghiên cứu chứng minh tính chính xác, ngoài ra nó còn là nguyên nhân gây ung thư và nhiều ảnh hưởng khác tới cơ thể người.

Hàng triệu người đã chết do những nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp gây ra bởi ô nhiễm không khí. Trẻ em trong những khu vực ô nhiễm như vậy thường xuyên gặp các bệnh đường hô hấp như viêm phổi hay hen suyễn.

Biểu hiện ảnh hưởng tới sức khỏe thường thấy do ô nhiễm không khí là: dị ứng, đau mắt, ho, khó thở... phụ thuộc vào mật độ ô nhiễm và thời tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí mà gây triệu chứng khác nhau.

Trẻ nhỏ do sức đề kháng yếu và đang trong giai đoạn phát triển vì vậy là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong thời gian gần đây tỷ lệ trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp tăng cao nhất là các bệnh viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm phổi, nhiễm khuẩn hô hấp….

Các cơ quan nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra rằng 1 chất thì không thể gây ung thư nhưng nếu nhiều chất ô nhiễm không khí xâm nhập vào cơ thể một thời gian dài sẽ là tác nhân gây các bệnh ung thư cho con người, ung thư phổi là căn bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất do ô nhiễm không khí gây ra.

Giải pháp nào giảm thiểu ô nhiễm không khí?

Sử dụng phương tiện di chuyển công cộng là một trong những biện pháp hữu ích. Tiết kiệm được năng lượng và tiền bạc, kèm theo đó là giảm thiểu lượng khói bụi thải ra từ phương tiện di chuyển (ô tô, xe máy) của mỗi cá nhân.

Việc tiết kiệm điện, như tắt thiết bị điện khi ra khỏi nhà, cũng sẽ khiến mức độ ô nhiễm giảm đi. Những nhà máy nhiệt điện đốt nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện tiêu dùng, và không tốn điện đồng nghĩa với không phải đốt nhiều nhiên liệu, hiển nhiên là khói bụi sẽ được giảm ít nhiều.

Tái chế, tái sử dụng cũng là một cách giữ gìn môi trường hiệu quả. Và bên cạnh đó, một nguồn năng lượng sạch như năng lượng Mặt Trời hay năng lượng từ sức gió cũng sẽ là một giải pháp thay thế hữu hiệu cho các phương pháp tạo ra năng lượng truyền thống.

Rất nhiều cố gắng giảm thiểu ô nhiễm môi trường đang được tiến hành trên toàn cầu, từ quy mô cá nhân mỗi người cho tới việc Chính phủ các nước bắt tay vào thực hiện triệt để. Ô nhiễm không khí đặt ra những mối nguy hại ngay trước mắt chúng ta, buộc ta phải hành động để ngăn chặn nó.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/o-nhiem-khong-khi-gay-hiem-hoa-gi-3801508-c.html