Ô nhiễm không khí và nguồn nước có dấu hiệu gia tăng

Chiều 29-9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015. Báo cáo dài 244 trang đã phác họa bức tranh toàn cảnh môi trường nước ta dù đã được cải thiện song vẫn còn ô nhiễm ở nhiều nơi, đặc biệt là xu hướng gia tăng ô nhiễm của môi trường nước và không khí.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Võ Tuấn Nhân thừa nhận, công tác bảo vệ môi trường ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập. Tại nhiều địa phương, do thiếu sự quản lí chặt chẽ nên đang làm gia tăng các điểm nóng về môi trường. Môi trường nông thôn bị ô nhiễm do rác thải không được thu gom, xử lý đúng quy cách và việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan.

Ảnh mang tính chất minh họa.

Nhiều làng nghề, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng đang gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, nhiều nơi, chất lượng môi trường đang bị suy thoái. Ô nhiễm không khí đang có dấu hiệu gia tăng, nhất là tại các điểm nút giao thông, các công trình xây dựng. Ô nhiễm và suy thoái chất lượng nước không chỉ xảy ra ở vùng trung lưu và hạ lưu mà còn mở rộng ra vùng thượng lưu.

Hiện tượng xâm nhập mặn ở vùng hạ lưu, cửa sông cũng diễn ra phổ biến trong những năm gần đây tại vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và duyên hải miền Trung. Chất lượng nước biển ven bờ bị ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực do ảnh hưởng của các hoạt động phát triển kinh tế ven biển.

Các sự cố môi trường vẫn xảy ra gây hậu quả nặng nề. Đặc biệt, sự cố ô nhiễm môi trưởng biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh khiến cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng.

Ngoài ra, còn một số vụ việc khác như sự cố tràn dầu do chìm tàu Trường Hải Star tháng 4-2012; sự cố bục lò đốt chất thải của Công ty cổ phần Phốt pho vàng Lào Cai tháng 2-2012; vụ cháy lò than tại Công ty than Đồng Vông thuộc Công ty Than Uông Bí (Quảng Ninh) tháng 1-2014; sự cố vỡ bể chứa bùn thải chì thuộc Nhà máy Chế biến chì kẽm của Công ty TNHH CKC tại Lạng Cá, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng; vụ xả thải của Nhà máy Mía đường Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) gây ô nhiễm sông Bưởi tháng 3-2016...

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định, việc công bố báo cáo môi trường quốc gia có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng kinh tế xanh và bền vững.

Trên cơ sở các phân tích hiện trạng, báo cáo đã đưa ra những kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ và Bộ, ngành, địa phương trong việc sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nhằm phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm; từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống.

Khánh Vy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/o-nhiem-khong-khi-va-nguon-nuoc-co-dau-hieu-gia-tang-410437/