Ở nơi chỉ còn bộ quần áo trên người chạy lũ

Tháng tận năm cùng, tôi lần nữa quay ra Phù Mỹ. Điểm đến là Xuyên Cỏ, An Xuyên 3, Mỹ Chánh, những cái tên ám ảnh không chỉ với người Bình Định cuối mùa mưa lũ vừa qua.

Đón Tết trong lều bạt

Trưa nắng, trong ngôi nhà đầu xóm Xuyên Cỏ lố nhố người đứng, người ngồi. Có ông bồng trẻ con, xớ rớ ầu ơ. Có bà mặt mày sùm sụp khẩu trang, đầu giữ nguyên chiếc nón cũ vàng, như vừa đâu đó tạt ngang. Ngoài sân, quanh chiếc bàn đá, cánh đàn ông đăm chiêu rít thuốc, uống trà. Vài thanh niên thản nhiên quần cộc, áo... da trụi lũi, trò chuyện râm ran. Trong đám đông lao xao, có cái tên tôi đang đi tìm: Bà Phạm Thị Dần, 1 trong 11 nạn nhân ở Xuyên Cỏ bị lũ đánh sập, cuốn trôi hoàn toàn cơ nghiệp. Nghe hỏi thăm, người đàn bà ngoài 60, gương mặt đen cháy, khắc khổ te tái chạy ra. Bà giải thích về sự hiện diện của mình: “Có tấm bạt hơn 10m2, ông con chiếm chỗ mất rồi. Mà cũng chẳng thể suốt ngày co ro trong đó. Buổi trưa tôi lê la hết nhà này đến nhà khác. Để tránh nóng, tránh bầu không khí ngột ngạt, tù túng, tránh cảnh tượng đổ nát tang thương suốt tháng qua lúc nào cũng như cố xỉa vô mắt”.

Ngôi nhà hơn 100m2, xây năm 1989 của bà Dần, sau trận đại hồng thủy ngày 17.12.2016, giờ là đống gạch vụn tơi bời, bề bộn. Góc sân cũ, tấm bạt dã chiến xanh màu cây lá được neo chằng tạm bợ, là chỗ chui ra chui vào gần nửa tháng qua cho hai thân phận lầm lũi, đơn côi. Người mẹ không chồng, anh con trai ngoài 40 mà chẳng thiết tha thành gia lập thất. Từ không gian sống hiện thời của họ nhìn ra, tôi miên man nghĩ tới hình ảnh của ngày tận thế, của cuộc chiến tranh đạn xới bom cày. Bà Dần kể, câu được, câu chăng: “2 giờ chiều, nước sông La Tinh bắt đầu tràn qua đường. Mẹ con tôi cùng gia đình Nguyễn Ngọc Quý, Hoàng Văn Nên, Phạm Thị Ba hô nhau xúc cát dồn bao, hộc tốc gia cố bờ kè. Sức người có hạn, loay hoay một lúc rồi đành thả tay bất lực. Đến cuối chiều, lũ lên ngang ngọn dừa góc vườn bà Phạm Thị Ba. Cả xóm hồn vía lên mây, mạnh ai nấy chạy. Quay đầu lại, hết thảy đều sửng sốt, kinh hoàng. Cả một đoạn dài hơn 20m trục đường chính bị lũ bóc đi tự lúc nào. Hàng chục ngôi nhà bị bẻ gãy, nát nhừ trong chốc lát. Nhà ông Hoàng Văn Nên không cánh mà bay. Nói dại, chỉ cần khoảnh khắc chậm chân, nay chắc yên ổn khói hương ở đâu đó rồi!”.

Bà Dần đưa tay chỉ đống xác cây cổ thụ tùa lua rác rến, nằm vật vạ một cách chướng tai gai mắt kề “dòng suối” mới do trời đất tạo ra: “Cây tra lâu năm của tôi, trồng gần bờ sông hầu giữ đất, chắn sóng. Vạm vỡ cỡ đó mà bị lũ bứng gốc, quăng xa hàng trăm mét, tựa tụi con nít ném trái banh lông”. Câu chuyện tiếp tục được chắp nối: “Chạy ra đường cái quan thì gặp ông con. Trẻ già ôm nhau khóc ngất. Tôi trải qua hai ngày thức bờ ngủ bụi, sáng tối tha thẩn loanh quanh như kẻ mất hồn. Bà con tới bữa cho ăn, nhưng nuốt sao vô. Rồi cũng đến lúc tĩnh tâm, đối mặt với thực tế”. Mẹ con bà tá túc qua ngày nơi nhà đứa cháu ruột. Giáp Tết, người làm ăn xa lục tục quay về, chỗ ở tạm đã chật lại càng chật thêm. “Tôi xin xã tấm bạt, dựng căn lều quấy quá thế này. Là hàng Chính phủ cấp phát xuống dân vùng lũ”. Nhắc Chính phủ, bà Dần sực nhớ, khoe liền: “Hôm ông Thủ tướng về, (21.12 – PV), Thủ tướng tặng quà và cả tiền cho người dân như chúng tôi. Nhiều đoàn, hội khác cũng đến giúp tiền, giúp hiện vật. Gom góp cả gói được hơn 50 triệu. Tôi giữ nguyên xi, không chút sứt mẻ hư hao, chờ cấp đất dựng nhà, che mưa che nắng”. Bà Dần đã quay lại nghề cũ, gồng gánh mớ cá vằng, cá vụn trên vai, đều đặn ngày hai lượt 8km nối Mỹ Chánh - thị trấn Phù Mỹ cho cuộc mưu sinh. “4 giờ sáng thức dậy, rong ruổi đến cuối ngày. Thu nhập vô chừng lắm. Hôm 80.000 – 100.000 đồng. Hôm năm, ba chục. Có hôm đi sao về vậy, tay không”, bà nỉ non “tài chính công khai”.

“Đừng nhắc Tết chú ơi. Cơ nhỡ vầy, thà không Tết còn hơn”, ông Hoàng Văn Nên kêu to khi tôi ái ngại thăm dò. Ông Nên đặt chiếc ghế gỗ trước cửa lều bảo “ngồi cho thoáng” trong khi bà Tứ, vợ ông, chẳng cần ý tứ gì, thả phịch xuống nền đất, mắt lom lóm ngó ra. “Chú biết tôi sợ nhất điều gì không? – bà đưa câu hỏi khó – Là phải nhìn vào mắt mấy đứa con, phải ra đụng vào chạm chúng nó trong những ngày này. Tụi nó, anh làm công nhân ở Quy Nhơn, em năm 3 cao đẳng trong Sài Gòn, vừa chân ướt chân ráo quay về, có lẽ buồn chán nên hầu như chỉ ru rú trong lều. Tết, thiên hạ vui vầy ấm cúng còn mình lê la ăn đậu ở nhờ. Người lớn sao cũng được nhưng nghĩ tới con, ruột gan chỉ muốn đứt lìa”. Lều ông Nên được dựng bên hông nhà một người bà con. Đây là trường hợp mà chữ “trắng tay” đáng được hiểu ở lớp nghĩa trần trụi nhất. Họ còn đúng bộ quần áo trên người dọc đường chạy lũ trước khi ngôi nhà cùng toàn bộ vật dụng bên trong bị cuốn trôi biệt tích biệt tăm. “Bả nay đỡ, chứ mấy hôm sau lũ, cứ như bà điên, như kẻ mất hồn”, kiểu ăn nói thiệt tình từ ông chồng nghe có chút gì như dằn hắt. Ông Nên là nhân viên bảo vệ một trại tôm, gặp lũ thì về. Hai người già yếu, tật bệnh dựa dẫm, nương tựa vào nhau đi qua quãng đời hoạn nạn. Ông bày tỏ: “Trong mất cũng có được. Được là mình không bị bỏ rơi. Khốn khó nhưng lắm lúc ấm lòng. Từ bữa trôi nhà, nhiều người tìm tới sẻ chia. Có người biết mặt, quen tên nhưng cũng có người xa lắc xa lơ trăm, ngàn cây số”. Dĩ nhiên, mục tiêu trước mắt của ông, không gì cháy bỏng, gấp gáp hơn là một mái nhà, “to nhỏ không thành vấn đề. Quan trọng ở chỗ, nó là nhà của mình”. Ông nói mấy hôm rồi cứ thắc thỏm trông ngóng, ra vô chờ xã, thôn gọi lên giao đất: “Huyện quyết định cấp đất trên An Xuyên 1, nhưng tới tay mình thì chưa. Ngoài lô đất, mỗi trường hợp như chúng tôi còn được tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng. Nhận đất ngày nào, tôi tính coi ngày, dựng nhà ngày đấy”.

Xuyên Cỏ ngày giáp Tết. Ảnh X.N

Xuyên Cỏ ngày giáp Tết. Ảnh X.N

Xuyên Cỏ ngày giáp Tết. Ảnh X.N

Gian lều bạt, nơi gia đình ông Hoàng Văn Nên đón Tết. Ảnh X.N

Lều bà Phạm Thị Dần. Ảnh X.N

Buổi trưa ở Xuyên Cỏ. Ảnh X.N

Buổi trưa ở Xuyên Cỏ. Ảnh X.N

Tập kết tre hàn khẩu con đường bị lũ cắt đứt. Ảnh X.N

Tập kết tre hàn khẩu con đường bị lũ cắt đứt. Ảnh X.N

Mong sớm phục hồi sinh kế

Chút quen biết từ chuyến đi trước giúp tôi né được phần nào cơn quạu quọ của trưởng thôn An Xuyên 3 Lê Minh Sơn. Anh chàng “vác tù và hàng tổng” rõ ràng đang cố kìm chế tâm trạng bực bõ sau buổi chỉ lối đưa đường cho một đoàn từ thiện. “Họ trong nam ra, đi 5 người, tới thị trấn Phù Mỹ thì yêu cầu đưa đón. Đành cậy chùa Phước Mỹ; may, các thầy bên đó mở lòng. Tới nơi còn mệt nữa. Sơn cho biết, từ 20.12.2016, trung bình mỗi ngày An Xuyên 3 đón một đoàn từ thiện.

Đúng thôn trưởng Sơn – cũng là nạn nhân lụt lội với 3 vuông tôm biến thành bình địa – đang tối tăm mặt mũi thật. Dẫn dắt các nhóm hằng sản hằng tâm chỉ là phần việc phát sinh. Sơn còn tất bật với bảng biểu thống kê giá trị thiệt hại nghề nuôi trồng thủy sản, với công cuộc phục hồi sinh kế cho 170 hộ dân: “Cây lúa thì yên tâm. Chính phủ cấp tiền, tỉnh mua giống cho nông dân. Riêng cá, tôm chưa biết tính sao. Tôi đang cộng dồn số liệu tổn thất. An Xuyên 3 có 100 ha ao hồ thì quá nửa mất sạch. Thiệt hại kinh tế 2 tỉ đồng”. Lê Minh Sơn đi cùng tôi một đoạn, tiện đường ghé đốc thúc công trình hàn khẩu các đoạn tuyến giao thông. Mưa lũ đã xé lẻ An Xuyên 3 thành 9 mảnh nhỏ. Hiện con số trên thu hẹp còn 7. Tại Xuyên Cỏ, nỗ lực “hàn gắn vết thương” đang hối hả diễn ra. Hàng ngàn cây tre đã tập kết về đây. Xã hỗ trợ kinh phí (40.000 đồng/ cây), xóm, thôn góp sức góp công. Có nghĩa, bến đò dã chiến áp sát gian lều phong phanh của mẹ con bà Dần sắp sửa kết thúc “sứ mệnh lịch sử”. “Bến đò” do ông Phạm Đăng, cùng xóm, thiết lập, di chuyển bằng dây thừng, phục vụ nhu cầu qua lại của người dân với giá 2.000 đồng/ lượt.

Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh Hồ Xuân Hoàng cung cấp một bức tranh rộng lớn hơn: “Tổng thiệt hại sau lũ gần 22 tỉ đồng. Việc khắc phục hậu quả được tiến hành ráo riết. 40 tấn gạo của Chính phủ đảm bảo duy trì “đỏ lửa” cho tất cả hộ dân bị thiệt hại trước, trong và sau Tết; gần 500 quân nhân, chiến sĩ công an, thanh niên xung kích ròng rã “chiến đấu” với nạn sa bồi thủy phá. Không trường hợp nào phải màn trời chiếu đất. Tuy nhiêu, còn nhiều việc lớn, ngoài tầm tay xã, thậm chí là cả huyện”.

Ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở NNPTNT Bình Định thì hứa sẽ phối hợp chính quyền các địa phương sớm hoàn tất công đoạn thống kê, đánh giá thiệt hại mảng nuôi trồng thủy sản để có cơ sở trình tỉnh hỗ trợ theo Quyết định số 11/2013/QĐ-UBND ngày 3.6.2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Xuân Nhàn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/o-noi-chi-con-bo-quan-ao-tren-nguoi-chay-lu-633548.bld