Ở nước ngoài có hội phụ huynh không?

Câu chuyện bỏ hay không ban đại diện cha mẹ học sinh trong các trường học ở Việt Nam đang rất nóng. Vấn đề này có xảy ra ở các nước không?

Ảnh minh họa

Ở nước nào thì không rõ, nhưng ở những nơi mà chúng tôi đã đi qua, con tôi đã đi học (Áo, UK, Singapore), thì không thấy có ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS). Nhà trường liên lạc với cha mẹ HS bằng thư, email hoặc điện thoại nếu cần gấp.

Vậy phụ huynh xuất hiện trong nhà trường như thế nào? Đầu tiên là trong tiết mục tìm hiểu trường và đi xin học. Được bộ phận hành chính tiếp đón tử tế đàng hoàng. Nếu cần thì có thể gặp thẳng hiệu trưởng. Trong 4 lần xin học cho con, thì có hai lần tôi gặp trực tiếp hiệu trưởng, còn hai lần khác thì không, chỉ qua bộ phận giáo vụ.

Sau đó, khi con đã đi học, thì mỗi học kỳ sẽ có gặp mặt 1-1 giữa phụ huynh với giáo viên chủ nhiệm. Mỗi phụ huynh sẽ có 15 phút để giáo viên cập nhật tình hình học tập của con, khen ngợi vài câu, nêu rõ điểm mạnh điểm yếu, rồi cảm ơn nhau và tạm biệt. Đây là với con tôi. Còn với phụ huynh khác thì chịu. Gặp riêng như vậy để đảm bảo tiếng riêng tư. Tuyệt đối không có họp chung cả lớp, bàn cãi căng thẳng như ở nhà mình.

Ngoài ra, thỉnh thoảng trường có tổ chức lễ hội hoặc sự kiện gì đó, thì bố mẹ có thể tham gia cùng các con. Thường là để quan sát hoạt động của các con và cảm nhận, hoặc tranh thủ mua cái gì để gây quỹ cho các con làm thiện. Ở Việt Nam cũng có tiết mục này, nhất là ở các trường tư.

Như vậy là ở những nơi đó không có BĐDCMHS của lớp, lại càng không có BĐDCMHS của trường, trừ một nhóm nhỏ các phụ huynh quen nhau vì các con là bạn thân của nhau, nói chung các phụ huynh không biết mặt nhau.

Tuy nhiên, ở UK, phụ huynh có thể ứng cử vào Hội đồng trường để tham gia hoạch định và giám sát hoạt động của nhà trường. Trong Hội đồng trường có đại diện đủ cả, từ phía quản lý giáo dục, nhà trường, quan chức địa phương, phụ huynh, HS, một số nghệ sĩ hoặc nhân vật có tiếng… Tôi cũng được giáo viên chủ nhiệm đề nghị tham gia ứng cử vào Hội đồng trường một lần khi ở UK nên biết có tiết mục này.

Một vấn đề khác tế nhị không kém là nước ngoài có phụ thu đầu năm không? Ở châu Âu thì HS được miễn học phí nên tất nhiên là không có phải đóng tiền học. Nếu có phải đóng góp gì thì đó là chi phí đi dã ngoại cho con. Trước khi chuyến dã ngoại diễn ra khoảng 2 tuần, phụ huynh sẽ nhận được thông tin về sự kiện, lịch trình, và đề nghị ký xác nhận đồng ý cho con tham gia, đồng ý cho trường chụp hình hoặc quay video tư liệu, kèm theo chi phí phải đóng. Bố mẹ bỏ số tiền đó vào phong bì, dán lại và đưa cho con cầm đến trường là xong. Đây là những thông báo của bộ phận hành chính. Thầy cô dạy chính tuyệt đối không bao giờ nói đến chuyện tiền, hay thu phí với phụ huynh.

Riêng ở Singapore thì HS phải đóng học phí. Mức phí đó là theo quy định của Bộ giáo dục. Nhà trường gửi thông báo, phụ huynh chuyển khoản hoặc thanh toán tự động. Chưa bao giờ thấy phát sinh các phụ phí đầu năm như ở một số trường nước mình như báo chí đã nêu.

Phụ thu đầu năm có lẽ là kết quả của chính sách “xã hội hóa” giáo dục, một "đặc sản" của nước mình. Mà cái gì đã là "đặc sản" thì các bạn biết rồi, chỉ mình mới có. Chứ nếu người khác cũng có thì còn gì là "đặc sản" nữa.

Vẫn biết là bản thân các trường cũng chẳng muốn làm việc này. Chẳng qua cũng vì "cái nước mình nó thế" nên mới phải làm thế. Phải làm thế cho nên mới thế. Chứ thực ra cũng chẳng ai muốn thế. Thế nên mọi chuyện mới thế. Khổ thế đấy...

Trường quốc tế có ban đại diện cha mẹ học sinh hay không?

Ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Úc (SIC) cho biết hệ thống trường của Úc không có tổ chức nào trong nhà trường tương tự như Ban đại diện cha mẹ học sinh của Việt Nam. Mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh đi vào hướng cá thể. Các thông báo, chủ trương của trường được gửi đến phụ huynh theo đường thư điện tử. Bên cạnh đó các trường đều có chế độ tiếp xúc phụ huynh theo hình thức cá nhân phù hợp với mục tiêu phát triển giáo dục theo hướng cá thể. Phụ huynh có thể đến trường gặp trực tiếp hiệu trưởng, giáo viên theo lịch hẹn trước.

Trên các diễn đàn trao đổi về sự cần thiết của ban ĐDCMHS, phụ huynh Vũ Hồng Thắng cho biết, ở Áo thì nhà trẻ không có ban phụ huynh còn từ lớp 1 trở lên thì có do phụ huynh bỏ phiếu bầu lẫn nhau sau đó bầu ban phụ huynh của trường. Cha mẹ cũng có đóng góp nhưng để cho các hoạt động tự nguyện của cả lớp (sau khi đã lấy ý kiến của các phụ huynh). Cuối năm mua quà tặng thầy cô cũng được bàn bạc công khai và thống nhất từ trước. Cuối năm làm quyết toán gửi từng phụ huynh và hầu như đều còn thừa (chia đều trả lại mọi người). Nói chung đóng góp không đáng bao nhiêu nhưng kế hoạch sử dụng đều rõ ràng và ai cũng có thể tự nhẩm tính được. Những hoạt động phải đóng tiền của trường (tham quan, làm dự án…) đều được nhà trường thông báo từ rất sớm và với tinh thần tất cả học sinh đều được tham gia. Và những gia đình kinh tế khó khăn đều được xét miễn giảm đóng góp (mức độ miễn giảm tùy theo thu nhập).

Còn đối với hệ thống mẫu giáo công lập ở Nhật Bản, phụ huynh Vân Nguyễn thông tin cũng có Ban phụ huynh nhưng chỉ với mục đích chăm lo chung cho đời sống tinh thần của các con và hỗ trợ nhà trường trong các hoạt động ngoại khóa và các ngày lễ lớn (kê bàn ghế, quản lý các con...) hay tổ chức sinh nhật chung cho các bé. Phí thu cực kỳ ít, chỉ vài trăm yên/tháng, tuyệt đối không có phụ phí gì nữa hết.

Bích Thanh (tổng hợp)

Tiến sĩ Giáp Văn Dương

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/o-nuoc-ngoai-co-hoi-phu-huynh-khong-877995.html