Ở Pa-lem-bang, nhớ rau xanh, nước mắm và… bia hơi

QĐND - Pa-lem-bang là một trong hai địa điểm tổ chức SEA Games 26 nhưng có cảm giác khung cảnh nơi đây vẫn toát lên vẻ dân dã, thôn quê. Vào quán cơm, vẫn có thịt rán, cá rán, trứng luộc, đỗ luộc… nhưng sao lại thấy nhớ rau muống, cà pháo, nước mắm chanh ớt và bia hơi đến thế.

Vào quán cơm bình dân ở Pa-lem-bang, mới thấy vấn đề vệ sinh ở các quán cơm bụi nơi quê nhà ăn đứt bên này. Cơm bình dân Pa-lem-bang, chủ quán một tay bốc cơm cho khách, tay kia đuổi ruồi, đập nhặng và sau đó lại có thể bốc cơm…

Cơm trong nhà hàng ở Pa-lem-bang trông khá bắt mắt nhưng ăn thì "nhạt miệng".

Vì là nước Hồi giáo nên các món ăn ở xứ vạn đảo sử dụng khá nhiều dầu mỡ và cà ri. Ai dễ thích nghi thì cũng chỉ có thể ăn cà ri một, hai ngày, sang đến ngày thứ ba thì rất ngán. Cũng là cá rán, thịt gà rán, đỗ luộc nhưng khi bày ra, anh em phóng viên Việt Nam ăn rất uể oải, dù ai cũng đói bụng. Nguyên nhân là nước chấm của bạn không hợp khẩu vị. Thứ nước chấm là ma-gi được sốt cà chua, chan với cơm ăn còn nhạt, huống chi là chấm rau, thịt. Ngay cả mấy nhà hàng ăn sang trọng ở Pa-lem-bang, tuy bày biện đồ ăn bắt mắt nhưng nước chấm thì cũng không khác quán cơm bụi ngoài đường. Tôm nướng “cắm đầu” rất sành điệu vào quả dứa nhưng nước chấm thì chẳng rõ loại gì. Cũng là gà nướng vàng ruộm nhưng lại chấm với xì dầu nhàn nhạt, không có nước mắm lẫn lá chanh… Xem ra ẩm thực của người Việt đúng là đẳng cấp thượng thừa. Đồ ăn từ "trên không, dưới cạn” đều có thứ nước chấm mang hương vị riêng, không lẫn vào đâu được. Trong thực đơn của người In-đô-nê-xi-a, có một món tương đối dễ dùng là canh Soto, với các nguyên liệu đặc trưng như dầu bắp, thịt gà hoặc thịt bò. Khi nấu, tất cả nguyên liệu đều được nghiền nát. Những bé gái lớn trong gia đình In-đô-nê-xi-a thường được mẹ, bà truyền lại những phương pháp nấu canh Soto sao cho ngon miệng nhất. Đặc biệt, món canh Soto còn có thêm hương vị của xì dầu, loại nước tương làm từ đậu nành. Món canh Soto có thể ăn không hoặc chan với bún tươi khi còn nóng.

Bên bạn có cái hay là từ nhà hàng đến quán cơm bụi, thực khách nói năng rất nhỏ nhẹ. Chúng tôi cứ đoán già đoán non, hay là tại bên này dân đạo Hồi chỉ dùng bia chay không độ nên anh nào anh đấy uống bia đều không xi-nhê gì. Còn ngay bên cạnh là mâm của phóng viên Việt Nam thì huyên náo cả một góc quán, dù không rượu, không bia. Thế mới biết, dân mình có tài “nổ” ghê thật. Phóng viên nào cũng tranh nhau kể chuyện hay, chuyện lạ ở Pa-lem-bang, Gia-các-ta. Nói mãi cũng khô môi, khát nước, mọi người bàn nhau làm mấy lon bia chay. Có người gạt đi, bảo: Bia uống mà không lâng lâng, không thăng hoa thì uống làm gì. Nghe cũng có lý, bia chay không độ, tuy cũng sủi bọt, ánh màu vàng và hơi có mùi thoang thoảng của bia, nhưng uống hoài chỉ no bụng mà không phê phê tí chút thì kể cũng phí thật. Mà bia chay không rẻ đâu nhé, từ 30.000 đến 70.000 đồng/một lon. Đồ chay kiểu gì mà đắt thế! Một phóng viên bảo: Bia chay ở Việt Nam cũng không hề rẻ. Quán cơm chay bình dân ở phố Quán Thánh, bia chay đã có giá từ 25.000 đến 40.000 đồng/lon rồi, đắt hơn cả Heniken bán trong nhà hàng buffet.

Ở In-đô-nê-xi-a, muốn uống bia “xịn” và thịt heo xào tái lăn phi hành mỡ thơm lừng thì phải tìm tới những “phố Tàu”. Có điều bia ở đây hơi đắt. Chai Heniken loại lớn (750ml) có giá 80.000 đồng. Ngồi uống bia xịn, một lát thấy lâng lâng, ngẫm ra đạo Hồi cấm rượu chè kể cũng có cái hay. Về nhà mà phải "phục vụ” vài ba bà vợ (đạo Hồi cho phép đàn ông đa thê, tối đa 4 vợ) thì lấy đâu ra sức.

Mấy tay phóng viên Việt Nam ăn cơm bụi ở Pa-lem-bang, đang mặc sức chém gió, chợt ai đó bảo: Giờ mà có bia hơi Hà Nội thì tuyệt. Em tuy uống kém cũng phải làm ba vại. Có đĩa rau muống, bát nước mắm chanh tỏi ớt cộng đĩa lạc rang với cốc bia hơi Hà Nội nữa thì khỏi phải nói.

Nhắc đến “ẩm thực” quê nhà, anh em ai cũng nhớ.

Bài và ảnh: Phan Lê

(từ Pa-lem-bang)

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/91/68/74/74/74/167048/Default.aspx