Ô sin sinh viên (kỳ 3): Sặc cười với thói quen 'quái gở' của chủ nhà

Không ít chủ nhà kiêng không cho ô sin uống thuốc, không ăn đồ ăn có ý nghĩa đen đủi trong những ngày đầu tháng.

Đó là câu chuyện dở khóc dở cười của Hải Linh khi đến giúp việc cho nhà chị Hoa. Vì chăm con theo khoa học, muốn con phát triển toàn diện về mọi mặt nên chị Hoa có phần khắt khe khi có người tiếp xúc với 2 bảo bối nhà mình.

Nhưng có quý thì Linh mới hỏi, có được nhờ thì Linh mới bế bé. Vậy mà khi nhìn thấy cô giúp việc bế con chị lại hét toáng lên vì sợ Linh làm rơi con mình và yêu cầu Linh tránh xa 2 bé một chút vì sợ chân tay lóng ngóng sẽ làm 'bảo bối' đau.

Do đó, khi ông bà, bố của bé bảo Linh trông cháu là Linh lại viện cớ đang bận việc này, việc kia, kẻo để mẹ bé nhìn thấy lại có cớ la lối giúp việc chân tay vụng về.

Ảnh minh họa

Không đến gần bé nhưng vì quý trẻ nhỏ nên Hải Linh vẫn gọi bé, hỏi chuyện bé từ khoảng cách xa.

Ấy vậy chủ nhà vẫn xét nét đủ điều chỉ vì Linh nói ngọng 'l' với 'n' và phát âm có đậm chất địa phương.

- Cháu tên là Đô và La sao cô cứ gọi cháu là Na vậy.

- Nói năng nhẹ nhàng thôi không nói to các cháu giật mình và học theo cô.

- 2 cháu đang tập nói nên cô Linh đừng nói chuyện với cháu kẻo cháu lại ngọng và nói giọng địa phương giống cô.

Biết những điều chủ nhà nói là đúng nhưng chị Hoa có cần phải thẳng, thô và thật với Linh vậy không?

Còn với cậu bé 9 tuổi con chị gái chủ nhà, nhiều lúc Hải Linh cũng muốn giúp đỡ cậu làm bài tập vì cậu ngọt giọng nhờ Linh dạy học.

Nhưng sau vài lần giúp cậu nhóc học bài Linh vô tình nghe được mẹ cậu bé nói mát 'ăn không nên đọi nói không nên lời mà còn đòi dạy dỗ ai'.

Sững sờ, bàng hoàng và thấy lòng tốt của mình bị khinh rẻ nên Hải Linh quyết định thu lại lòng tốt đã trao đi vô nghĩa.

Và vài ngày sau đó, Linh được cậu bé cho biết, 'mẹ em đã tìm cô giáo dạy kèm cho em rồi, cô giáo dạy dễ hiểu, giọng nói hay lắm chị ạ'.

Lời nói vô tình của trẻ nhỏ nhưng lại giáng một đòn nặng nề vào tâm lý của Linh. Vậy nên sau sự việc đó Hải Linh trở nên lầm lũi khi đến làm việc, chủ nhà có hỏi thì trả lời và tuyệt không tự ý mở lời vì sợ nhiễm tật xấu cho cậu chủ nhỏ, sợ mọi người chê bôi khuyết điểm của mình.

Với chủ nhà Cúc thì khác, dù mẹ chồng nàng dâu có không thuận mắt nhau nhưng họ đều có chung suy nghĩ những gì được cho là không tốt, không may mắn thì nên tránh trong những ngày đầu tháng. Và việc kiêng khem của họ cũng có phần thái quá với đồ ăn, thức uống.

- Họ kiêng thịt chó, thịt vịt, trứng vịt đầu tháng còn dễ hiểu, đằng này họ kiêng cả rau bí, quả bí. Lý do chủ nhà đưa ra là 'bí bách, làm việc gì đều không thuận'.

Khi thấy chủ nhà nói vậy Cúc ngỏ ý sẽ cất rau, quả để bữa sau thì chủ nhà lại bảo, không ăn nhưng vẫn ở trong nhà họ, vẫn ảnh hưởng. Vậy nên vứt càng nhanh, càng xa, càng tốt.

Ảnh minh họa

Hay như việc Cúc bị đau dạ dày phải uống thuốc theo giờ bác sĩ chỉ dẫn nên đành mang thuốc đi uống lúc làm việc.

Vậy mà chẳng may để chủ nhà nhìn thấy và nhiếc móc rằng, 'đầu tháng đã thuốc với men, định rủa nhà người ta cả tháng ốm đau hay gì không biết'.

Tức giận và ức chế nhưng Cúc cũng chỉ biết nín nhịn cho qua vì mình là người đi làm nên phải tuân theo những nguyên tắc, tập tục có phần 'chéo ngoe' của chủ.

'Cũng may là mình chỉ làm một ngày 4 giờ, nấu 1 bữa cơm. Nếu ngày nấu 3 bữa, ăn ở với chủ không biết mình sẽ phải xoay xở ra sao với tư tưởng mê tín một cách quái gở của chủ nhà', Cúc lắc đầu ngán ngẩm.

Và để chủ nhà vui lòng Cúc học cách ghi nhớ những gì họ không thích, những gì họ kiêng kỵ để né tránh, cho công việc được xuôi chèo mát mái.

Theo Lý Lĩnh/ Baodatviet.vn

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/song/o-sin-sinh-vien-ky-3-sac-cuoi-voi-thoi-quen-quai-go-cua-chu-nha.html