Ô tô bị từ chối đăng kiểm: Giải pháp nào để hài hòa các bên?

Hàng loạt chủ xe bất ngờ khi bị từ chối đăng kiểm do chưa nộp phạt vi phạm giao thông và chưa làm thủ tục sang tên, chuyển chủ phương tiện.

Bất ngờ phải nộp phạt

Mới đây, tại các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn Hà Nội, nhiều xe ô tô đã bị từ chối đăng kiểm. Anh Trần Ngọc Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội, chủ xe ô tô biển số 29F, 45… cho biết, anh đưa xe đi đăng kiểm và bất ngờ khi được Trung tâm đăng kiểm thông báo không được đăng kiểm dù giấy tờ đầy đủ. Sau khi trao đổi kỹ, anh được biết lý do là xe của anh nằm trong danh sách dừng tiếp nhận kiểm định mà Cục Đăng kiểm Việt Nam thông báo trong toàn hệ thống đơn vị đăng kiểm.

Bất ngờ hơn là trường hợp của anh Văn Tú, Đống Đa, Hà Nội bị ghi hình “nguội” vi phạm và chỉ khi đưa xe đi đăng kiểm mới biết không được tiếp nhận đăng kiểm xe do chưa chấp hành nộp phạt. “Tôi mới mua lại chiếc xe ô tô này nhưng chưa đi sang tên đăng ký nên chắc thông báo vi phạm, quyết định xử phạt “nguội” của cảnh sát giao thông Hà Nội gửi đến chủ cũ. Tôi đành đi nộp phạt rồi đưa xe đi kiểm định lại”, anh Tú nói.

Nhiều chủ xe bất ngờ khi bị từ chối đăng kiểm. Ảnh: Q.T

Còn anh Lê Bảo, Lò Đúc, Hà Nội lại cho rằng, việc phạt qua đăng kiểm này rất bất cập khi mà cảnh sát giao thông không thể phạt được người trực tiếp gây ra lỗi lại quay ra phạt chủ xe. Vì có thể trong nhiều trường hợp, xe được cho thuê, mượn thì việc “đè” chủ xe ra phạt thật vô lý. “Sao lại đè chủ xe ra phạt khi họ cho thuê, mượn xe mà lại không phạt trực tiếp người sử dụng xe gây ra lỗi?, anh Bảo đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam cho hay, theo quy trình khi xe vi phạm nếu chủ xe không nộp phạt ngay thì cơ quan công an sẽ thông báo đến Cục Đăng kiểm. Sau đó, Cục Đăng kiểm sẽ đăng tải thông, thông báo cho các trung tâm đăng kiểm. Khi chủ xe đến làm kiểm định, trung tâm sẽ yêu cầu chủ xe đi nộp phạt cho vi phạm hành chính trước đó, rồi mới kiểm định xe, cấp chứng nhận tham gia giao thông. Điều này được quy định rõ tại Thông tư 70 của Bộ Giao thông Vận Tải.

Theo đại diện Cục Đăng kiểm, việc dừng tiếp nhận kiểm định các phương tiện không chỉ giúp cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả xử lý tài xế vi phạm mà còn giúp phát hiện ra một số lái xe, phương tiện gây tai nạn. Ví dụ, có trường hợp xe gây tai nạn rồi bỏ trốn, sau đó xe được bán cho nhiều chủ. Chiếc xe được đưa lên mạng cảnh báo và 3 năm sau khi xe đi đăng kiểm, cơ quan công an đã truy tìm được người gây tai nạn để xử lý.

Giải pháp nào?

Năm 2016 cơ quan đăng kiểm đã cảnh báo 2.800 ô tô vi phạm giao thông nhưng chưa nộp phạt hành chính. Đầu năm 2017 đến nay có thêm 1.200 xe ôtô trong diện cảnh báo. Các xe này đã bị xử phạt vi phạm hành chính song chủ xe chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. Theo đại diện một Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới các chủ xe đều bất ngờ vì vi phạm giao thông bị camera ghi hình lại và bị áp dụng phạt “nguội”. Nhiều xe đã thay đổi chủ sở hữu song không làm thủ tục sang tên nên chủ sau không nhận được phiếu phạt. Ngoài ra, không ít trường hợp cố tình “trốn” phạt sau khi vi phạm. Các chủ xe vi phạm giao thông khi được thông báo dừng tiếp nhận đăng kiểm đều phải đi nộp phạt sau đó mới quay trở lại để được kiểm định xe.

Theo đại diện Cục Đăng kiểm, việc dừng tiếp nhận kiểm định các phương tiện không chỉ giúp cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả xử lý tài xế vi phạm mà còn giúp phát hiện ra một số lái xe, phương tiện gây tai nạn.

Việc từ chối đăng kiểm khi chưa nộp phạt được dư luận đồng tình. Nhiều người khi được hỏi đều cho rằng việc này sẽ quản lý được lượng xe tăng giảm hàng năm, nhất là xe hết niên hạn sử dụng, khi bán cho người khác. Đồng thời sẽ tăng thu ngân sách, xóa bỏ nạn ăn cắp xe.

Anh Minh Hoàng, quận Từ Liêm, Hà Nội cho biết, anh rất đồng tình và ủng hộ chủ trương đúng đắn này. “Theo tôi, phải có quy định rõ ràng, nếu vi phạm trong vòng 10 ngày nhận được thông báo thì phải nộp phạt. Nếu quá 10 ngày thì sẽ tăng mức phạt lên gấp 2-3 lần thì sẽ giảm được tình trạng trốn nộp phạt như hiện nay. Cần phải áp dụng quyết liệt như trên để các chủ phương tiện giao thông tuân thủ pháp luật để cho giao thông của chúng ta không còn lộn xộn nữa” - anh Hoàng nói.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn, làm sao biết mình bị phạt nguội để đi nộp phạt trước khi đăng kiểm, chứ đến nơi đăng kiểm rồi mới thông báo cho chủ xe thì bất hợp lý và mất thời gian. Anh Trọng An, Thanh Trì, Hà Nội, cho biết, nên tăng cường biện pháp phạt nguội ô tô, xe máy qua camera để người dân nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông và giảm tai nạn. Tuy nhiên cần có chỗ để người dân có thể tra cứu xe chưa nộp phạt. “Làm sao để mọi người có thể tra cứu việc phạt thông qua biển số xe để khi đăng kiểm đỡ mất thời gian đi lại. Hoặc có thể cho phép nộp phạt ngay tại trung tâm đăng kiểm” - anh An đề nghị./.

Ánh Phương/Báo VOV

Nguồn VOV: http://vov.vn/oto-xe-may/oto/o-to-bi-tu-choi-dang-kiem-giai-phap-nao-de-hai-hoa-cac-ben-611144.vov