“Ở vậy” có nhẹ thân?

Trong cuộc sống có hàng trăm lý do khiến nhiều phụ nữ gặp rắc rối, trục trặc về tình duyên. Không ít người tặc lưỡi, “Thôi thì ở vậy cho yên, cho nhẹ cái thân”. Nhưng sự thực thì họ có “nhẹ” hay không?

Thanh Hà 29 tuổi, yêu Hùng 35 tuổi, họ làm việc ở hai cơ quan khác nhau. Hùng không che giấu quá khứ là anh đã có vợ và con gái 7 tuổi. Hiện nay vợ anh đã bế con về nhà mẹ đẻ, hai người không còn đi lại với nhau, chỉ đôi khi anh sang đón con về chơi vài ngày. Hà xác định đã chấp nhận yêu Hùng thì cũng sẽ chấp nhận cả đứa con của anh nên khuyên anh xin phép nhà ngoại đón con về nuôi.

Thêm một trở ngại nữa xuất hiện. Đó là bố mẹ Hà bây giờ kiên quyết không đồng ý cho cô yêu và lấy Hùng. Họ viện cớ, tại sao quen Hà mấy năm mà Hùng không sang xin phép? Bố mẹ Hà còn nói là “xấu hổ với họ hàng, xóm giềng” khi con gái mình “theo” một thằng chẳng ra gì!... Thực tế hai người yêu nhau đã 3 năm, hoàn cảnh của Hùng bố mẹ Hà cũng biết, anh vẫn thường xuyên đến nhà chơi, nhưng hồi đầu ông bà không có ý kiến gì mà đến giờ mới nói, khiến chuyện của cô đâm ra lỡ dở.

Hà tâm sự: “Giá anh ấy chủ động chia tay thì mình cũng đành chấp nhận chứ phải tự nói ra thì mình không làm được. Nhưng sự thực thì mình không muốn bỏ anh ấy. Ở độ tuổi của mình bây giờ đi tìm một tình yêu khác đâu có dễ, còn cố tình lấy nhau trong hoàn cảnh này thì chắc gì đã hạnh phúc”. Mấy năm liền sự việc cứ bùng nhùng bế tắc như vậy khiến Hà chán nản, buông xuôi. Cô nghĩ có khi tại cái số mình, trời bắt phải long đong, lận đận đường tình. Thôi thì cứ ở vậy, chẳng lấy ai cho nhẹ cái thân. Thời nay thiếu gì phụ nữ không lấy chồng mà vẫn sống tốt đấy thôi. Cùng lắm thì “xin” một đứa con, cũng chỉ như phụ nữ ly hôn và nuôi con một mình. Có gì đáng sợ đâu!

Ở thời đại này suy nghĩ của Hà cũng không phải là vô lý hay không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, không thể nói những phụ nữ rơi vào hoàn cảnh “ở vậy” đều cảm thấy “nhẹ thân”. Vì nếu quả thật họ thấy “yên” thấy “nhẹ” rồi thì làm gì có chuyện họ cứ phải day dứt, chán nản hoài vì quyết định đó?

Tóm lại, họ đang “nặng đầu” vì muốn có một gia đình, giờ muốn “nhẹ” thì phải diệt cái mong muốn đó đi, nhưng không dễ, chỉ có một thiểu số cực kỳ nhỏ nhoi trên thế gian làm được điều đó mà thôi. Lý do đơn giản vì “trai khôn dựng vợ gái ngoan gả chồng” là đạo lý ngàn đời nay của hầu hết các dân tộc trên thế giới. Nó còn là lẽ tự nhiên của con người, không cần lý giải hay phân tích gì nữa.

Cố tình không lập gia đình không giúp con người sống tốt, ngược lại nó đưa người ta vào một nỗi khổ còn thâm sâu hơn, vì không thể chia sẻ được với người khác. Để có tình yêu bạn cần sự hy sinh, để tiến đến hôn nhân bạn phải nỗ lực, và để có một gia đình hạnh phúc thì ai cũng rõ là phải đấu tranh mạnh mẽ, ấy là còn chưa nói tới yếu tố may mắn nữa.

Có lẽ nhiều người quá thụ động và thiếu kiên nhẫn, làm thử một lần không được là thôi, không tiếp tục nghĩ cách khác. Một cách tự nhiên, nếu chỉ ngồi than thân trách phận thì những suy nghĩ tiêu cực sẽ đến, họ sẽ muốn trốn chạy khỏi nếp sống đời thường để càng ít phải đấu tranh càng tốt.

Karl Marx từng khuyên con gái “Hạnh phúc là đấu tranh”, xem ra đây cũng là lời khuyên chí lý cho cả loài người. Trước hết bạn cần đấu tranh với chính mình, hãy dám chấp nhận sự thực rằng nếu chỉ ngồi chờ thì hạnh phúc - với tư cách là kết quả của đấu tranh - sẽ không bao giờ đến, nếu không hành động thì sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra và cuộc đời (cùng tuổi trẻ) cứ trôi đi vô tình, lạnh lùng không chờ ai cả.

Có thể nhiều người tin rằng “thời nay chẳng thiếu gì phụ nữ không lấy chồng mà vẫn sống tốt”. Tôi xin phép không bình luận về những phụ nữ đang sống độc thân, vì mỗi người trong số họ đều có những lý do, hoàn cảnh riêng, không thể gom hết vào mà nhận xét chung chung được. Nhưng nếu ai đó thấy thế là “tốt” thì liệu chúng ta có tin là họ nói thật lòng không, hay sẽ bảo người đó là “AQ”?

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/ban-doc/o-vay-co-nhe-than-197843.bld