"Ốc đảo" giữa phố

(CAO) Mấy năm trở lại đây, cùng với quá trình thi công các công trình trọng điểm như Bệnh viện Ung Bướu (P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu), trục đường Tây Bắc (từ Ngã ba Huế chạy lên khu công nghiệp Hòa Khánh) đã kéo theo tình trạng ngập úng dài ngày vào mùa mưa, bùn, rác thải chất chồng vào mùa khô gây khó khăn cho đời sống của khoảng 40 hộ dân thuộc tổ 14, P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu.

Con đường dẫn vào khu dân cư tổ 14 bị ngập nước

Năm 2009, Bệnh viện Ung Bướu khởi công xây dựng. Không lâu sau, Dự án Trục đường Tây Bắc cũng khởi động. Vốn là vùng thấp trũng, sau khi các dự án triển khai, đường vào tổ 14 bị đất đá đổ lấp hết lối thoát nước dẫn đến tình trạng ngập úng triền miên. Vào mùa mưa, để tiếp cận khoảng 40 hộ dân thuộc khu vực này ai cũng phải lội nước. Nước ngập cả mét, tràn vào nhà dân và hằn sâu lên tường thành vết. Đến khi nước rút, bùn, rác thải lai láng “ăn vạ” giữa nhà. Người dân sống ở khu vực này hết than trời, kêu đất rồi lại phải quay ra tìm cách “sống chung với ngập úng”. Ông Phạm Thống, Phó chủ tịch UBND P. Hòa Minh, cho biết, tổ dân phố 14, 15, 16 “dính” 2 dự án trọng điểm của thành phố là Bệnh viện Ung Bướu và Khu tái định cư (TĐC) Tây Bắc 7 thuộc Trục 1 đường Tây Bắc. Vùng này là khu vực thấp trũng nên mỗi khi có mưa lớn là bị ngập. Phường đã huy động nhiều lực lượng đến giúp dân dọn dẹp, đào múc khơi thông cống rãnh. Tuy nhiên, do công trình các dự án cao hơn nền nhà dân đến 2,5m, cống thoát nước từ tổ 14 trên đường Phùng Hưng cũng cao hơn nền nhà dân. Vì thế, nếu có đào bới cống rãnh thì cũng không thể tiêu nước triệt để được.

Căn nhà bà Thanh Tâm (một hộ dân trong tổ 14) những ngày này không có lối vào. Nước ngập tứ bề. Nền nhà ngập ngụa nước; đồ dùng, quần áo giăng mắc khắp nơi. Trước khi tất tả lội ngược lên xóm trên để đón đứa con nhỏ, bà Tâm cho biết: “Nhiều năm trước, chúng tôi có nghe thông báo di dời, giải tỏa khu vực này để tiến hành các công trình trọng điểm. Đến nay, bệnh viện Ung Bước sắp đi vào hoạt động mà chúng tôi vẫn còn nguyên vị dù đã sống ở đây hơn 10 năm rồi”. Ông Võ Chạy, người cùng tổ nói thêm: “Nước ngập lâu ngày thành sình, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Tội nghiệp mấy đứa nhỏ, sống trong điều kiện ô nhiễm nên sinh bệnh ghẻ lở cả người. Bao năm qua, 6 thành viên trong gia đình tôi quây quần giữa cái “ốc đảo” này. Gian dưới thì ngập phân nửa, còn một phòng khách cao hơn và cái gác xép thì chia đều cho cả nhà ăn, ngủ, sinh hoạt. Mỗi ngày, chúng tôi phải làm 3 chuyến gánh nước từ xóm trên về để nấu ăn, còn tắm, giặt thì hứng nước mưa và dùng nước giếng ô nhiễm”.

Giếng nước nhà dân bị bủa vây bởi những dòng nước đục đen bên ngoài

Vì sao dự án Bệnh viện Ung Bướu đã sắp hoàn thành, dự án Trục đường Tây Bắc cũng đã triển khai, nhưng người dân thuộc khu vực di dời thì vẫn còn “dậm chân tại chỗ”, để rồi phải sống chung với ngập úng, ô nhiễm triền miên? Được biết, theo các cuộc tiếp dân để họp di dời giải tỏa ở tổ 14 của UBND phường, đợt 1 chỉ mới có 11 hộ (đã áp giá), nhưng vài người từ chối ký biên bản bởi không thống nhất việc đền bù, di dời. Còn lại, những hộ chưa áp giá thì phải… chờ! Sau khi người dân có ý kiến phản ánh, lãnh đạo Q. Liên Chiểu và P. Hòa Minh đã mời 13 hộ ngập nặng nhất trong số 40 hộ lên UBND quận để gặp mặt, nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và tìm hướng giải quyết. Lãnh đạo quận đưa ra phương án mượn nhà chung cư gần UBND quận để di dời các hộ lên đó. Nhưng người dân muốn được thành phố hỗ trợ kinh phí để tự thuê nhà. UBND phường Hòa Minh đã yêu cầu lập danh sách các hộ muốn thuê nhà để trình đề xuất lên UBND thành phố cho người dân ứng trước tiền đền bù giải tỏa giúp họ có tiền thuê nhà sinh sống. UBND quận cũng sẽ đề xuất lên UBND thành phố kiểm định nhanh, sớm di dời người dân đến nơi ở mới.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=681&id=431921&mod=detnews&p=