Óc Eo - Ba Thê hướng đến Di sản văn hóa thế giới: Giá trị nổi bật toàn cầu

Từ những biểu hiện vật chất còn lại của Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê đã minh chứng sự tồn tại của một nền văn hóa gắn liền với Vương quốc Phù Nam - một quốc gia giàu có và hùng mạnh ở Đông Nam Á từ đầu Công nguyên cho đến Thế kỷ VII. Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là điểm trung chuyển giao thương chủ yếu giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương qua eo biển Kra ở miền Nam Thái Lan lúc bấy giờ. Tài sản này chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học tiêu biểu cho một trong các nền văn minh cổ đã biến mất.

Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê đã minh chứng sự tồn tại của một nền văn hóa gắn liền với Vương quốc Phù Nam

Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê đã minh chứng sự tồn tại của một nền văn hóa gắn liền với Vương quốc Phù Nam

Căn cứ vào các tiêu chí về giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới đối với Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê; các tiêu chí được đề cử, gồm: Tiêu chí (ii) - thể hiện sự giao thoa quan trọng của các giá trị nhân văn, qua một thời kỳ hay bên trong một khu vực văn hóa của thế giới, về những phát triển trong kiến trúc, hoặc công nghệ, nghệ thuật xây dựng đền tháp, quy hoạch thành phố hay thiết kế cảnh quan.

Vào những thế kỷ đầu sau Công nguyên, lần đầu tiên trong lịch sử, một hệ thống kinh tế thế giới được thiết lập thông qua một số tuyến đường thương mại Châu Á nối liền Trung Quốc, Đông Nam Á qua Ấn Độ, Vịnh Ba Tư, Địa Trung Hải… Trong hệ thống đó, đô thị Óc Eo - Ba Thê nổi lên như một khu vực có trình độ sản xuất và thương mại phát triển nhất Đông Nam Á, nối liền giao thương giữa phương Đông và phương Tây.

Tiếp đến là tiêu chí (iii) - chứa đựng một minh chứng duy nhất hoặc ít nhất cũng hết sức khác biệt về một truyền thống văn hóa hay một nền văn minh hiện vẫn đang tồn tại hoặc đã diệt vong. Các nghiên cứu cho thấy, những di tích, di vật ở Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê chứa đựng những giá trị độc đáo của một nền văn minh bản địa kết hợp với văn minh Ấn Độ cổ đại tạo nên văn hóa Óc Eo là nền tảng, đồng thời là sự phát triển sớm nhất, tiêu biểu nhất của Vương quốc Phù Nam mà nay không còn tồn tại.

Tiêu chí (v): Sống ở vùng đồng bằng thấp trũng, tiếp xúc gần với biển, ngập lụt theo mùa, xâm nhập mặn… nhưng cộng đồng cư dân cổ Óc Eo đã biết thích nghi với môi trường, vận dụng sáng tạo các quy luật tự nhiên để tồn tại. Họ đã biết đào nhiều kênh mương lớn khai thông ra biển cả, kết nối liên vùng để canh tác nông nghiệp, khai thác thủy, hải sản, phát triển thủ công nghiệp và giao lưu kinh tế, văn hóa, đưa vùng đất đầm lầy ven biển trở thành đô thị và khu cư trú sầm uất và nổi tiếng trong nhiều thế kỷ sau Công nguyên.

Với sự cố gắng của địa phương và sự hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương, đến nay, An Giang đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ giai đoạn 1 (trong quy trình 2 giai đoạn của UNESCO).

Theo đó, Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế (ICOMOS) đã cử các chuyên gia đến Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, để thực hiện quy trình tập trung theo quy định của UNESCO. Ngày 17/11/2023, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và UBND tỉnh An Giang phối hợp đồng chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa Châu Á”. Đây là Hội thảo khoa học quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam về văn hóa Óc Eo.

SONG MINH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/oc-eo-ba-the-huong-den-di-san-van-hoa-the-gioi-gia-tri-noi-bat-toan-cau-a396013.html