"Ôm" dự án nhà đất giảm giá, có mạo hiểm?

(VTC News) - Việc nhiều nhà đầu tư bắt đầu gom mua các dự án bất động sản trong bối cảnh giá BĐS nhiều nơi đã "chạm đáy” có mạo hiểm?

(VTC News) - Việc nhiều nhà đầu tư bắt đầu gom mua các dự án bất động sản trong bối cảnh giá BĐS nhiều nơi đã "chạm đáy” có mạo hiểm?

Tin liên quan

Nhiều dự án “đắt” khách

Một trong những minh chứng rõ nhất về các nhà đầu tư địa ốc bắt đầu quan tâm đặc biệt đến thị trường là việc nhiều dự án chào bán công khai ở cả Hà Nội và TP.HCM đều có lượng khách hàng rất đông và các sản phẩm bán rất chạy.

Trong buổi công bố dự án Green River City ngày 12/11, do công ty Becamex IJC làm chủ đầu tư, từ 8h sáng, gần 200 khách hàng đến tham dự tìm hiểu cơ hội đầu tư. Theo thông tin từ đơn vị môi giới là công ty Tấc Đất Tấc Vàng, hơn một nữa trong số đó đã quyết định mua nền đất tại dự án này.

Hay mới đây, ngày 20/11 Công ty cổ phần cơ khí xây dựng Đại Mỗ vừa tung ra bán đợt 1 gồm 95 căn hộ thuộc dự án Dream Town (xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Điều đáng nói, ngay trong lúc thị trường trầm lắng và nhiều người mua nhà vẫn có tâm lý chờ giảm giá tiếp thì dự án này vẫn nhận được sự quan tâm lớn của nhiều khách hàng.

Nhiều nhà đầu tư bắt đầu ôm hàng bất động sản. Ảnh: N.Y

Cụ thể, ngay trong ngày chào bán (20/11) có tới 250 khách hàng tham gia và tính đến ngày chào bán đã có 75/95 căn hộ được bán.

Không chỉ các khách hàng có nhu cầu thực tìm mua các dự án giảm giá, gần đây, hồi đầu tháng 11, trên website của tập đoàn Hà Đô đã khiến nhiều người bất ngờ khi treo banner “Cần mua lại các dự án bất động sản”. Theo đó, Tập đoàn này thông báo nhận chuyển nhượng các dự án bất động sản, ngay lập tức, Tập đoàn Hà Đô đã nhận được lời chào bán lại dự án của nhiều chủ đầu tư trên cả nước. Hiện một số thương vụ đã hoàn tất và Hà Đô đang tiến hành thỏa thuận mua lại một số dự án khác.

Ở phân khúc đất nền, tuy không ồn ào như vụ giảm giá gây "sốc" tại TP. HCM của dự án Petro Vietnam Landmark, nhưng việc giảm giá đến 35% so với hồi đầu năm của dự án Bắc Quốc lộ 32 cũng là một tín hiệu thu hút được sự chú ý của giới kinh doanh địa ốc.

Anh Nam, một nhà đầu tư địa ốc ở Hà Nội nhận định, tuy trong ngày chào bán, có ít khách hàng đặt mua, nhưng thời gian tới, sau khi thăm dò thị trường, chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư chú ý đến dự án này.

“Ôm” dự án giảm giá, có mạo hiểm?

Một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến cho các dự án bất động sản thời gian vừa qua bán “chạy” mặc dù thị trường vẫn khá trầm lắng là do sau khi ngân hàng có chính sách áp trần lãi suất 14% thì một lượng tiền khá lớn đã rút ra khỏi hệ thống ngân hàng và chảy vào kênh đầu tư bất động sản.

Tuy nhiên, dòng tiền này chủ yếu là nguồn tiền tiết kiệm của người dân. Vì vậy, các sản phẩm ở phân khúc nhà ở trung bình và giá rẻ rất hút khách. Đây cũng là một trong những lý do, các dự án có mức giá trên dưới 20 triệu đồng/m2 khá đắt khách.

Bên cạnh đó, theo tính toán của những người trong nghề, mức giá 20 triệu đồng/m2 tại phân khúc này là có thể chấp nhận được và khó có thể giảm hơn nữa.

Cụ thể, nếu tính chi phí để hoàn thiện mỗi m2 nhà chung cư ở Hà Nội cũng phải mất ít nhất 14 triệu đồng. Tính thêm tiền lãi vay với mức lãi suất cao như hiện nay thì mỗi m2 mất thêm khoảng 3 – 4 triệu đồng. Như vậy, chưa tính đến các chi phí như quảng cáo, tiếp thị,…thì mỗi m2 đã là 17,5 – 18 triệu đồng.

Về xu hướng “gom” hàng của một số Tập đoàn BĐS, GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng, đây là cuộc thanh lọc cho thị trường, nhằm loại bỏ những doanh nghiệp tham gia cuộc chơi bất động sản theo kiểu ăn xổi, đầu tư lướt sóng và giữ lại những nhà đầu tư giàu thực lực.

Việc nhiều chủ đầu tư phải giảm giá để bán tháo là có thật, trước đây, một số công ty không có kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh BĐS, nhưng khi thị trường có sóng vẫn quyết định đầu tư. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, thị trường đang rất khó khăn, họ buộc phải bán lĩnh vực “trái tay” này đi để có tiền đầu tư vào lĩnh vực chính của mình cũng như cơ cấu lại sản xuất.

Theo các chuyên gia bất động sản, hoạt động thu gom các dự án BĐS sẽ tăng cao vào cuối năm 2011 và trong năm 2012, do các doanh nghiệp chưa giải quyết được bài toán thiếu vốn và các ngân hàng vẫn hạn chế cho vay.

Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước chính thức công bố nới lỏng tín dụng đối với 4 nhóm đối tượng bất động sản, cùng với tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi chất vấn ngày hôm qua về các giải pháo ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó nhấn mạnh: “Chính phủ sẽ có biện pháp phục hồi chứng khoán, bất động sản và không để chênh lệch giá vàng trong, ngoài nước lớn”. Đây được xem là các tín hiệu rất tích cực với thị trường bất động sản và nhiều nhà đầu tư sẽ có hy vọng hơn trong việc “ôm” các dự án BĐS giảm giá.

Châu Anh

Nguồn VTC: http://vtc.vn/1-311390/kinh-te/om-du-an-nha-dat-giam-gia-co-mao-hiem.htm