Omertà: Quy tắc im lặng khét tiếng của giới mafia - Kỳ cuối

Trong suốt lịch sử của quy tắc im lặng Omertà ở cả Italy và Mỹ, có những người đã phá vỡ quy tắc này.

Kỳ cuối: Những người phá vỡ Omertà

Dưới thời Vương quốc Italy thống nhất, các tỉnh phía Nam vẫn còn nghèo đói và nhiều người đã di cư để tìm kiếm cuộc sống mới. Nhưng cùng với nhiều người dân ôn hòa, tuân thủ luật pháp ra nước ngoài, còn có cả những người liên quan mafia.

Ở nhiều thành phố Bắc Mỹ, người dân chỉ miễn cưỡng chấp nhận những người nhập cư Italy. Do đó, người nhập cư Italy cảm thấy họ không thể trông cậy vào cảnh sát hoặc chính quyền địa phương để đại diện hoặc bảo vệ mình.

Những khu dân cư nghèo nơi họ sinh sống là mảnh đất màu mỡ cho các gia tộc mafia mới phát triển. Các cộng đồng nơi các gia tộc này nổi lên và kiếm sống ở đó đã tuân thủ quy tắc Omertà một cách tự nguyện.

Trong gần 100 năm, mafia Mỹ là một cuốn sách đóng kín đối với cảnh sát. Cảnh sát không bao giờ có thể ép buộc hoặc thuyết phục những tên tội phạm nói về các gia đình bí mật. Nhưng tất cả đã thay đổi vào năm 1963.

Joseph Valachi là mafia người Mỹ đầu tiên phá vỡ Omertà. Ảnh: Getty Images

Joseph Valachi là mafia người Mỹ đầu tiên phá vỡ Omertà. Ảnh: Getty Images

Gần như là một mafia từ khi còn nhỏ, Joseph Valachi cuối cùng đã trở thành người bảo vệ đáng tin cậy của trùm băng đảng Vito Genovese. Nhưng vào năm 1959, Valachi và Genovese bị kết tội buôn bán ma túy – một nghề hái ra tiền ngày càng phổ biến vào thời điểm đó.

Khi bị giam vào năm 1962, Valachi đã giết một người đàn ông mà anh ta tin là sát thủ do Genovese cử đến. Để thoát khỏi án tử hình, anh ta đã làm điều mà cho đến lúc đó không tên mafia nào có thể tưởng tượng được: anh ta đồng ý làm chứng trước Thượng viện Mỹ.

Trong một loạt lần xuất hiện trên truyền hình, Valachi đã cho công chúng Mỹ biết những điều mà từ lâu chỉ có mafia và cộng đồng người Mỹ gốc Italy mới biết. Valachi tiết lộ rằng tổ chức mà anh ta làm việc tự gọi mình là Cosa Nostra, có nghĩa là “việc của chúng tôi”.

Valachi nói với một ủy ban Thượng viện Mỹ rằng các gia đình có cấu trúc bán quân sự, có ảnh hưởng ở mọi cấp độ trong xã hội và có một lời thề im lặng bằng máu ràng buộc mỗi thành viên. Valachi nói rằng quy tắc đó là Omertà và thừa nhận mình đã vi phạm.

Lời khai của Joseph Valachi báo hiệu giai đoạn khởi đầu một kỷ nguyên mới trong nỗ lực chống mafia của Mỹ. Khi Omertà bị phá vỡ lần đầu tiên, ngày càng nhiều thành viên mafia ra khai báo thông tin trong những năm tới khi các quan chức thực thi pháp luật liên bang Mỹ dần dần động vào quyền lực của các gia đình tội phạm.

Tuy nhiên, bên kia Đại Tây Dương, các gia đình tội phạm người Italy vẫn im lặng. Các tổ chức mafia như 'Ndrangheta ở Calabria và Camorra ở Campania đều nắm giữ nhiều quyền lực hơn so với người Mỹ. Chúng dường như có thể giết người, tống tiền một cách bừa bãi và không bị trừng phạt dù các chính trị gia và cảnh sát Italy ở ngay cạnh.

Tuy nhiên, không phải tất cả các quan chức nhà nước đều đồng lõa và không phải tất cả các thành viên băng đảng xã hội đen ở Italy đều cam kết thực hiện Omertà.

Các thẩm phán Italy là Giovanni Falcone và Paolo Borsellino không đặt mục tiêu triệt phá hoàn toàn tội phạm có tổ chức, nhưng trong quá trình làm việc, họ nhận thức được sức mạnh, sự giàu có thực sự cũng như bạo lực và sự tàn ác tột độ của mafia ở Sicilia. Trong chiến dịch kéo dài nhiều năm sau đó, hai thẩm phán này đã đưa hàng trăm tên mafia vào tù.

Nhưng bước đột phá lớn nhất diễn ra khi một thành viên băng đảng cấp cao tên là Tommaso Buscetta đồng ý làm chứng sau khi một gia tộc mafia đặc biệt tàn ác bắt đầu tấn công gia đình người này, xóa sổ họ một cách có hệ thống. Năm 1982, những sát thủ mafia đã sát hại hai người con trai, anh trai, một người anh rể, một người con rể, bốn cháu trai, cùng nhiều bạn bè và đồng minh của Buscetta. Buscetta đã phá vỡ Omertà vào năm sau.

Tommaso Buscetta bị cảnh sát áp giải. Ảnh: Allthatsinteresting

Tommaso Buscetta bị cảnh sát áp giải. Ảnh: Allthatsinteresting

Trong một lời khai chưa từng có, Buscetta đã tiết lộ vô số bí mật băng đảng cho thẩm phán Falcone, Borsellino và các công tố viên. Các thẩm phán biết những rủi ro và bản thân Buscetta cũng đã cảnh báo: “Đầu tiên, chúng sẽ cố giết tôi, sau đó sẽ đến lượt các ông. Chúng sẽ tiếp tục cố gắng cho đến khi thành công”.

Đúng như lời cảnh báo, cả hai thẩm phán đều thiệt mạng trong các vụ đánh bom vào năm 1992.

Nhưng ở cả hai bờ Đại Tây Dương, thiệt hại với giới mafia đã xảy ra. Lời khai của Buscetta đã giáng một đòn nặng nề vào các gia đình mafia ở Sicilia. Tại Mỹ, lời khai của Henry Hill - cộng sự của gia đình Lucchese đã dẫn đến hàng chục bản án.

Vụ việc cuối cùng kết liễu quy tắc im lặng Omertà, ít nhất là theo quan điểm của chính quyền và công chúng Mỹ, xảy ra vào năm 1991. Vào tháng 11 năm đó, tay sai của gia tộc mafia Gambino là Salvatore “Sammy the Bull” Gravano đã đồng ý giao nộp bằng chứng.

Thông tin mà anh ta cung cấp cho các nhà điều tra liên bang đã đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên nổi tiếng cuối cùng của mafia.

Còn tại châu Âu, Omertà cũng liên tục bị phá vỡ sau đó. Năm 2014, một loạt vụ bắt giữ diễn ra trên khắp châu lực này dựa trên thông tin do một góa phụ mafia cung cấp.

Các đặc vụ đã bắt giữ 16 người bị tình nghi là thành viên nhóm mafia ở Hà Lan, Italy và Đức với cáo buộc buôn lậu cocain khắp châu Âu. Các nghi phạm thuộc một gia tộc tại Rosarno, phía Nam Italy, nơi có tổ chức tội phạm khét tiếng 'Ndrangheta.

Theo đài BBC, người phụ nữ cung cấp thông tin cho chính quyền từng kết hôn với một thành viên của gia đình mafia Cacciola, nhưng vào năm 2005, chồng người phụ nữ này đã tự sát. Sau đó, cô bị buộc phải sống với các thành viên nhà chồng và gần như bị quản thúc tại gia. Người phụ nữ sống không khác gì nô lệ sau khi bị gia tộc nhà chồng bắt phải chịu trách nhiệm về việc chồng mình tự sát.

Người phụ nữ cuối cùng đã gửi được tin nhắn kêu gọi giúp đỡ và được giải cứu trong một cuộc đột kích của cảnh sát. Sau đó, cô bắt đầu hợp tác với chính quyền để bắt giữ 16 thành viên bị nghi ngờ thuộc 'Ndrangheta. Nhóm này đã bị buộc tội buôn bán cocaine, bắt cóc và cưỡng bức làm nô lệ.

Các vụ phá vỡ quy tắc im lặng cho thấy Omertà không phải là bộ luật bất khả xâm phạm và có những người chấp nhận trả giá bằng máu của chính mình.

Thùy Dương/Báo Tin tức (Allthatsinteresting)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/omerta-quy-tac-im-lang-khet-tieng-cua-gioi-mafia-ky-cuoi-20240515091645109.htm