Ổn định lãi suất, mệnh lệnh hành chính hay tín hiệu thị trường?

Kết quả kinh tế quí 1-2017 cho thấy nhiều vấn đề yếu kém đã và đang đe dọa đến kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Trong đó, nổi lên hai vấn đề lớn, có tính chất bao trùm, đó là tăng trưởng GDP ở mức thấp khi chỉ đạt 5,1% (thấp hơn con số 6,12% của năm 2015 và 5,48% của năm 2016) và mặt bằng lãi suất đang có xu hướng tăng.

Mặt bằng lãi suất đang có xu hướng tăng. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn nhằm mục đích cải thiện thanh khoản, trong khi một số ngân hàng khác lại tăng lãi suất huy động các kỳ hạn dài nhằm bổ sung nguồn vốn tự có cấp 2. Khi lãi suất đầu vào tăng thì gần như lãi suất đầu ra sẽ được các ngân hàng điều chỉnh tăng lên mức tương ứng. Lãi suất tăng lên, đồng nghĩa với việc chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp tăng lên. Đây được xem là rào cản lớn kìm hãm việc mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trước diễn biến như vậy, trong cuộc họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ diễn ra ngày 3-4-2017, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ ổn định mặt bằng lãi suất (Nguồn: Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3). Ngay lập tức, ngày 4-4-2017, NHNN đã tổ chức một cuộc họp khẩn với 21 ngân hàng thương mại (NHTM), bao gồm nhóm các NHTM lớn (G14) và một số ngân hàng đã tăng lãi suất trong thời gian vừa qua.

Cuộc họp khẩn với những nội dung quen thuộc

Mặt bằng lãi suất trong thời gian tới chủ yếu sẽ theo chiều hướng ổn định hoặc thậm chí là giảm nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức thấp. Với kết quả này thì dù là mệnh lệnh hành chính của NHNN hay do thị trường điều tiết thì cộng đồng doanh nghiệp vẫn là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.

Theo thông cáo báo chí của NHNN, cuộc họp đã diễn ra với ba nội dung chính, bao gồm: Thứ nhất, từng ngân hàng báo cáo về tình hình thanh khoản trong thời gian vừa qua, đặc biệt là các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động. Thứ hai, NHNN yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng (TCTD) kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được giao từ đầu năm. Theo một số lãnh đạo ngân hàng cho biết thì hầu hết các ngân hàng tốp đầu chỉ được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng ở mức 16% cho cả năm 2017. Đây được xem là mức rất thấp so với kỳ vọng của toàn hệ thống trong cuộc trả lời điều tra về xu hướng kinh doanh của NHNN. Theo đó, các TCTD dự báo tín dụng của toàn hệ thống sẽ tăng trên 20% trong năm 2017. Thứ ba, NHNN yêu cầu các TCTD đồng thuận không tăng lãi suất huy động trong thời gian tới.

Nội dung thứ ba này NHNN đã nhiều lần yêu cầu thực hiện trong quá khứ. Tuy nhiên sẽ rất khó để duy trì sự ổn định đó trong một thời gian dài nếu không có những giải pháp mang tính thực chất hơn.

Mệnh lệnh hành chính hay tín hiệu thị trường?

Chỉ đạo trên của NHNN rõ ràng là mang tính chất hành chính. Các TCTD được yêu cầu không tăng lãi suất huy động, ngay cả khi lãi suất của hầu hết các ngân hàng hiện nay vẫn còn cách khá xa so với mức trần 5,5%/năm áp dụng với các khoản tiền gửi dưới sáu tháng theo quy định của NHNN.

Trên thực tế, vừa qua đã có hiện tượng khách hàng chuyển các khoản tiền gửi từ một số NHTM nhà nước sang nhóm các NHTM tư nhân. Do không được tăng lãi suất huy động trên thị trường 1, họ đã buộc phải đi vay trên thị trường liên ngân hàng. Theo đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng luôn dao động quanh mức 5%/năm, ngang bằng với mức lãi suất cho vay của NHNN trên thị trường mở (OMO). Diễn biến này là trái ngược hoàn toàn so với các năm gần đây khi thanh khoản trong quí 1 hàng năm luôn trong tình trạng dư thừa, lãi suất sẽ giảm xuống mức thấp.

Vậy mệnh lệnh hành chính của NHNN liệu có thắng được thị trường hay không? Trong quá khứ, đã từng có hiện tượng mặc dù các ngân hàng vẫn bắt tay đồng thuận nhưng lại tăng lãi suất huy động thông qua nhiều hình thức khác nhau. Mặc dù chưa thể có câu trả lời chính xác nhất nhưng bối cảnh thị trường vào thời điểm hiện tại đang ủng hộ cho “chỉ đạo” của NHNN.

Thu hút nguồn vốn theo hình thức góp vốn, mua cổ phần (FII) và đầu tư trực tiếp (FDI) đang cho thấy những tín hiệu rất tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng nguồn vốn FDI và FII trong ba tháng đầu năm 2017 đạt 7,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nguồn vốn FII đạt mức 853 triệu đô la Mỹ(1), bao gồm 3.700 tỉ đồng mua ròng trên thị trường cổ phiếu và khoảng 10.000 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán nợ, chủ yếu là trái phiếu chính phủ, còn lại là thông qua thình thức đầu tư, góp vốn riêng lẻ.

Diễn biến trên khiến cho tỷ giá đã liên tục giảm kể từ đầu tháng 4 đến nay. Để tránh làm giảm động lực xuất khẩu của các doanh nghiệp do tiền đồng của Việt Nam lên giá so với đô la Mỹ, ngày 11-4-2017, NHNN đã bất ngờ tăng giá mua vào đô la Mỹ của các NHTM từ mức 22.575 lên mức 22.675 đồng/đô la Mỹ. Theo thông tin từ các dealer của một số NHTM thì NHNN đã mua được khoảng 500 triệu đô la Mỹ trong hai ngày 12 và 13-4.

Kết quả này đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 11.000 tỉ đồng sẽ được bơm ra thị trường cho các ngân hàng. Ngay lập tức lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lợi suất của trái phiếu chính phủ đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi liên tục duy trì đà tăng từ giữa tháng 3-2017 đến giữa tháng 4-2017. Thanh khoản của toàn hệ thống dồi dào hơn khiến cho áp lực tăng lãi suất huy động trên thị trường 1 giảm xuống đáng kể. Ngoài ra, NHNN cũng hoàn toàn có thể hạ lãi suất trên OMO và tăng khối lượng chiết khấu trái phiếu Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) mà các ngân hàng đang sở hữu để chủ động bơm tiền đồng ra thị trường.

Như vậy, mặt bằng lãi suất trong thời gian tới chủ yếu sẽ theo chiều hướng ổn định hoặc thậm chí là giảm nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức thấp. Với kết quả này thì dù là mệnh lệnh hành chính của NHNN hay do thị trường điều tiết thì cộng đồng doanh nghiệp vẫn là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.

(1) http://gso.gov.vn/default.aspx?tabid=621&ItemID=18343

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/159177/on-dinh-lai-suat-menh-lenh-hanh-chinh-hay-tin-hieu-thi-truong.html/