'Ông cố vấn' hai lần được gặp Bác Hồ

Đối với Đại tá Bùi Anh Xuân, 79 tuổi, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai, kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời kỳ còn công tác là hai lần được gặp Bác Hồ.

Đại tá Bùi Anh Xuân, người vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ.

Ông xúc động cho biết: "Hình ảnh vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam như tiếp thêm sức mạnh và động lực, giúp tôi và đồng đội vượt qua mọi gian nan thử thách, nguyện làm theo 6 điều dạy của Người dành cho lực lượng Công an nhân dân".

Với tâm niệm đó, dù tuổi đã cao nhưng Đại tá Bùi Anh Xuân vẫn tích cực tham gia công tác tại địa phương để tiếp tục cống hiến và truyền nhiệt huyết cách mạng cho thế hệ trẻ vùng biên cương Tây Bắc của Tổ quốc.

Kỷ niệm hai lần được gặp Bác Hồ

Sinh ra và lớn lên trên vùng quê Kiến An (nay là thành phố Hải Phòng), năm 17 tuổi, chàng thanh niên Bùi Anh Xuân trở thành cảnh sát vũ trang của lực lượng Công an tỉnh Kiến An.

Ngày 18/1/1960, giữa không khí vui mừng vì sản xuất thắng lợi, đón Tết nguyên đán cổ truyền và quyết tâm làm vụ Đông Xuân 1959-1960 thắng lợi, góp phần chi viện miền Nam, Kiến An được đón Bác Hồ về thăm.

Ngày đó, hàng vạn đại biểu và các tầng lớp nhân dân tỉnh Kiến An tập trung trong khuôn viên trụ sở Tỉnh ủy với không khí trang nghiêm, trật tự. Hàng vạn trái tim cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Kiến An xúc động, bồi hồi trong niềm vinh dự được đón Bác về thăm. Ông Bùi Anh Xuân khi đó vinh dự được đứng ở cánh gà bảo vệ Bác Hồ nói chuyện.

Tôi đứng cách Bác khoảng 15m. Bác ăn vận vô cùng giản dị: mặc quần áo gụ, đi dép cao su. Đứng trên bục, Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái chúc nǎm mới đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh nhà.

Cuộc nói chuyện chỉ kéo dài khoảng 15 phút nhưng đã in sâu trong tâm khảm người chiến sỹ trẻ. 15 phút ngắn ngủi những đã trở thành "những giây phút xúc động và hạnh phúc nhất cuộc đời tôi", ông Xuân nhớ lại.

Lần thứ hai được gặp Bác là khi ông học tại Thủ đô Hà Nội, không phải là do nhiệm vụ mà ông Xuân gọi là "một dịp may mắn tình cờ".

Sau ngày thành phố được giải phóng (10/10/1954), Hà Nội bắt tay vào khôi phục và phát triển kinh tế. Tối thứ bảy tuần nào, trên các đường phố người dân cũng tấp nập ra quét dọn vỉa hè, cống rãnh, làm tổng vệ sinh.

Ông Xuân nhớ rõ: "Đó là vào năm 1959, khi những chàng trai cô gái Hà Nội phấn khởi gánh, xúc, đẩy xe chở đất… trên đường Cổ Ngư, vì công trường ở ngay gần Phủ Chủ tịch nên hai lần Bác Hồ đi công tác về qua đã dừng xe xuống thăm.

Các cháu thanh niên, học sinh đang giờ lao động, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, chợt ngẩng đầu thấy Bác Hồ đứng trước mặt thì ngạc nhiên đến sửng sốt. Họ reo to: "Bác Hồ! Bác Hồ!". Thế là tất cả mọi người vứt bỏ quang gánh, chân đầy bùn đất ùa tới vây quanh Bác".

Bác hiền từ hỏi thăm các cháu làm có mệt không, dặn dò phải giữ an toàn lao động. Rồi Bác lên xe, vẫy chào các cháu thanh niên. Đường Cổ Ngư xưa mang tên Thanh niên do Bác Hồ đặt từ đấy.

Ông Xuân kể lại: Hôm ấy Bác ăn mặc vẫn giản dị như lần đầu tôi được gặp Bác. Bác dặn dò học sinh các trường thi đua nhau cùng làm tốt, phát huy sáng kiến tăng năng suất lao động.

Bác nói: "Hôm nay Bác đến thăm các cháu tham gia lao động xây dựng Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bác rất vui mừng thấy ở đây các cháu có nam, nữ, các cháu miền Bắc, miền Nam đều khỏe mạnh, hăng hái lao động, như thế là tốt !...".

Trong ký ức của Đại tá Bùi Anh Xuân, cùng với kỷ niệm về Bác thì " Cổ Ngư - Thanh niên là một trong những con đường đẹp nhất của Thủ đô Hà Nội. Cái tên đường Thanh niên tuyệt đẹp đã khắc sâu vào ký ức của bao lớp người, cần được gìn giữ cho mai sau".

Suốt đời học tập và làm theo tấm gương của Bác

Người đại tá công an năm xưa giờ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, tóc đã bạc, da có nhiều vết nhăn theo thời gian nhưng, tại căn nhà nhỏ của gia đình ở khu dân cư số 10 phường Bình Minh thành phố Lào Cai vẫn gìn giữ và trân trọng những kỷ vật rất đỗi thiêng liêng.

Đó là những tấm ảnh và rất nhiều huân, huy chương ghi dấu một thời tuổi trẻ học tập, chinh chiến, lập nhiều chiến công cho quê hương đất nước. Với ông, kỷ niệm được gặp Bác Hồ sâu sắc, tự hào hơn bất cứ những gì đã trải qua. Đó cũng là động lực để năm 1961, khi ấy ông đang ở độ tuổi đôi mươi tràn trề nhiệt huyết cùng 600 thanh niên xung phong lên tỉnh miền núi Lào Cai xây dựng kinh tế mới.

Năm 1962, ông công tác trong lực lượng Công an tỉnh Lào Cai. "Năm 1969, lúc nghe tin Bác mất, tất cả các anh em chiến sỹ chúng tôi, từ khối óc đến trái tim đều đau xót, mọi người đều khóc, lúc ấy không khí thật nặng nề. Chứng kiến nhiều sự hi sinh mất mát to lớn, nhưng quả thực không nỗi đau nào bằng lúc anh em chúng tôi nghe tin Bác mất” - ông xúc động kể.

Biến đau thương thành hành động, năm 1972 ông Xuân xung phong đi chiến trường B ở Thừa Thiên Huế. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, năm 1978, ông trở lại tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai và Yên Bái).

Khi cuộc chiến tranh biên giới nổ ra vào ngày 17/2/1979, ông trực tiếp chỉ huy lực lượng Công an Lào Cai tham gia chiến đấu, lập nhiều chiến công, giải cứu đội dân quân tự vệ, lãnh đạo Thị ủy Lào Cai và Ban Chỉ huy thị xã Cam Đường thoát khỏi tay địch trong gang tấc.

Đơn vị của ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công Hạng ba, cá nhân Đại tá Bùi Anh Xuân được nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng bằng khen.

Năm 1981, sau khi trở về từ Học viện Cảnh sát Liên Xô, Đại tá Bùi Anh Xuân phụ trách Công an thị xã Lào Cai và trở thành Phó Giám đốc Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Năm 1991, khi tỉnh Lào Cai tái lập, ông giữ chức Phó Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai. Năm năm sau, Đại tá Bùi Anh Xuân nghỉ hưu và được Đảng bộ, chính quyền, người dân Khu dân cư số 10, phường Bình Minh, thành phố Lào Cai thân thương gọi là "ông cố vấn".

Là đảng viên 50 năm tuổi Đảng, ông Xuân có nhiều kinh nghiệm trong công tác, do đó công tác lãnh chỉ đạo của Chi ủy Chi bộ khu dân cư luôn được ông quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến quý báu.

Ông đã cố vấn cho Chi bộ xây dựng Nghị quyết chỉ đạo xây dựng mô hình giáp ranh tự quản về an ninh trật tự giữa tổ bảo vệ dân phố khu dân cư với lực lượng bảo vệ các thôn, tổ của các xã, phường giáp ranh.

Đồng thời, phối hợp nắm bắt tình hình, tăng cường công tác tuần tra, quản lý địa bàn; vận động nhân dân tích cực phòng chống các tệ nạn xã hội qua phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự trong khu dân cư được đảm bảo, bà con phấn khởi và yên tâm hơn.

"Không chỉ đóng góp về kinh nghiệm, mọi hoạt động tại khu dân cư vào dịp lễ, Tết, tổ chức các hoạt động hè cho các cháu thiếu nhi cho đến Hội người cao tuổi phường, xây dựng Tiểu công viên Bình Minh..., ông luôn là có mặt như một người ông, người cha, người đồng chí thân tình, người công dân đầy trách nhiệm, luôn gương mẫu đóng góp và ủng hộ thêm kinh phí để động viên, chia sẻ với tập thể, với mọi người xung quanh", ông Nguyễn Văn Bảy, Bí thư Đảng ủy phường Bình Minh, thành phố Lào Cai chia sẻ.

“Hình ảnh giản dị, sự ân cần của Bác luôn theo suốt cả cuộc đời tôi. Tôi tự hào trong những tháng năm công tác cũng như bây giờ đã về hưu, tôi luôn sống liêm khiết, không tham nhũng, không làm gì có hại cho Đảng, cho dân.

Những điều Bác dạy tôi luôn ghi nhớ và răn dạy con cháu noi theo tấm gương của Người mà học tập, lao động”, Đại tá Bùi Anh Xuân tâm sự.

Bài và ảnh: Hương Thu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/guong-tot-viec-tot/ky-niem-ngay-sinh-nhat-bac-195-ong-co-van-hai-lan-duoc-gap-bac-ho-20170509145011547.htm