Ông đồ và thú xin chữ

Những năm gần đây, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, nhiều gia đình đã có thói quen tìm chọn mua những câu đối đỏ, những bức thư pháp treo trong nhà để cầu an, cầu lộc. Đấy là tín hiệu đáng mừng để tìm về một giá trị văn hóa truyền thống của thế hệ người Việt đương thời.

Người Việt từ xưa đã có truyền thống thờ chữ, rước chữ, chơi chữ và xin chữ. Những tấm hoành phi, câu đối trong đình chùa, miếu mạo hay trong mỗi gia đình được đặt ở những nơi trang trọng và linh thiêng nhất. Và việc xin chữ ngày Tết, không phải là đơn giản như chúng ta thường nghĩ mà đó là điều thiêng liêng, một việc quan trọng của gia đình. Chữ xin cũng tùy theo nguyện vọng của từng người, trong năm mới người ta cầu mong điều gì nhất thì người ta xin, người cầu tài lộc thì xin chữ tài chữ lộc, người cầu con cái xin chữ phúc, người cầu sức khỏe sống lâu xin chữ thọ…

Người xin chữ cũng có dăm bảy loại. Người biết thì đến xin chữ của một bậc trí giả túc nho nào đó, và những bậc trí giả này, không bao giờ làm cái chuyện “bày mực tàu giấy đỏ bên phố đông người qua”, vì họ cho rằng như vậy là thấp kém và coi thường chữ thánh hiền. Đối với những người này, không phải ai đến thỉnh chữ mà họ cũng cho và mỗi khi cho chữ thường họ phải suy nghĩ về nội dung một cách kỹ lưỡng.

Còn một số người thì Tết đến thường tìm những ông đồ hay ngồi ở đường, trước cổng đình chùa để mua chữ. Ai cũng muốn mua cho mình vài chữ để làm cho ngày tết thêm màu sắc và hương vị.

Ngày nay, cuộc sống kinh tế xã hội không ngừng phát triển nên muốn tìm lại nguyên hình những ông đồ xưa chỉ còn là trong hoài niệm. Tuy nhiên, giữa cuộc sống xô bồ, nhộn nhịp, nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc vẫn còn tiềm ẩn và luôn được nâng niu, giữ gìn. Những năm gần đây, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, nhiều gia đình đã chú ý chọn mua những câu đối đỏ, những bức thư pháp treo trong nhà để cầu an, cầu lộc. Thỉnh thoảng, bên hè phố chúng ta vẫn gặp những thanh niên trong trang phục áo the, khăn đóng hay những ông đồ nho thảo những nét bút “Phượng múa rồng bay” trên giấy điều đỏ thắm.

Những ông đồ ngày nay cũng không được như trước đây, tuy nhiên văn hóa Ông Đồ cho chữ ngày Tết vẫn chưa bao giờ cũ. Khu phố Ông Đồ cũng có sự thay đổi, bên cạnh những bậc “cao niên” thì cũng đã xuất hiện rất nhiều “ông đồ” với tuổi đời còn rất trẻ, thậm chí có ông đồ chỉ ở độ tuổi đôi mươi. Bên cạnh viết chữ Hán, chữ Nôm thì các ông đồ ngày nay còn viết cả chữ quốc ngữ.

Tấp nập mua chữ ở phố ông đồ Văn Miếu - Hà Nội ngày xuân.

Đối tượng đến với phố ông đồ ngày Tết cũng phong phú và đa dạng hơn, tuy nhiên những tinh hoa xưa về cơ bản vẫn được lưu truyền. Ngày nay, mỗi lần đến với phố ông đồ, du khách sẽ nhìn thấy sự rực rỡ các màu sắc, đủ các kích cỡ của thư pháp, dọc tuyến phố có rất đông du khách trong và ngoài nước ngắm nhìn, chụp ảnh về không gian của phố chợ ông đồ, xem các ông đồ thể hiện tài năng. Các ông đồ có nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng chỗ các ông đồ già mặc áo the, đầu đội khăn xếp, viết chữ nghĩa vuông vắn, mực thước thường có đông du khách ngồi xem cách thể hiện, du khách vừa xem vừa nghe các cụ giảng giải về nội dung các chữ, cách viết, cách mài mực, viết làm sao cho chữ đẹp không bị nhòe, không bị chảy mực, giới thiệu về lịch sử của chữ nho, cũng như dấu ấn của một thời thi cử có mang theo lều chõng của các sĩ tử trong lịch sử. Khác với những ông đồ già, có một số ông đồ trẻ đầu cũng đội khăn, mặc áo nhiễu sặc sỡ in chữ thọ để tạo thêm dáng vẻ của một nhà nho.

Một điều khác biệt nữa so với ngày xưa đó là, theo truyền thống của người xưa, chữ Thánh hiền với các bậc Nho gia chỉ để cho hoặc tặng chứ không để bán, tuy nhiên, với sự ảnh hưởng của trào lưu hội nhập thì hầu hết các tác phẩm thư pháp đều được bán. Thông thường, thư pháp tiếng Việt thường không đắt hàng bằng thư pháp chữ Nho, đặc biệt là những bức thư pháp chữ Nho do những nhà thư pháp nổi tiếng viết nên.

Dù phát triển như vậy, song không phải ông đồ nào cũng am hiểu về thư pháp. Việc một số ông đồ chưa thực sự có đủ trình độ về học thuật cũng như sự thiếu am tường về văn hóa, thiếu hụt về sự am hiểu tinh hoa của nghệ thuật đã khiến trước mỗi dịp Tết đến, các ông đồ phải thi sát hạch để kiểm tra trình độ, và chỉ những ông đồ đạt tiêu chuẩn mới được tham dự ngày hội thư pháp đầu xuân. Và trên thực tế ở cuộc thi này đã có một số ông đồ bị loại vì chưa đủ trình độ và sự am tường về nghệ thuật thư pháp.

Mặc dù vậy, nhìn chung, phố chợ ông đồ ở ven tường Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày Tết vẫn là một nét đẹp của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. Đây vẫn thực sự là điểm hẹn cho các nhà nho cũng như những người yêu mến nghệ thuật thư pháp có thể hội tụ để giao lưu, học hỏi, nâng cao những giá trị thẩm mỹ. Thư pháp ngày Xuân làm thêm vui cảnh quan phố phường, bên cạnh đó, phố chợ Ông Đồ cũng là điểm nhấn của du lịch Thủ đô đối với du khách gần xa trong những dịp xuân về.

Song Tâm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ong-do-va-thu-xin-chu-47859.html