Ông Đoàn Kim Phách: “Khuyến khích các đội tự thỏa thuận với nhau”

Ngày 15/9 tới đây, bản quy chế chuyển nhượng (QCCN) VĐV, HLV xe đạp sẽ được ban hành nhằm giải quyết những rắc rối liên quan đến tranh chấp giữa các đơn vị trong suốt một thời gian dài vừa qua. Xung quanh bản QCCN sắp được ban hành, TT&VH có cuộc trao đổi với TTK LĐ Xe đạp – Môtô thể thao VN Đoàn Kim Phách.

* Lẽ ra, Quy chế này đã được ban hành từ cuối năm 2007, nhưng suốt từ đó đến nay LĐ vẫn chưa thể hoàn tất, gây ra rất nhiều vụ tranh cãi không đáng có. Ông lý giải sao về điều này? - Thực ra không phải từ năm 2007 mà từ trước đó rất lâu, chúng tôi đã nghĩ tới việc phải ban hành bản quy chế mới. Chúng tôi cũng hiểu rằng nếu cứ áp theo quy chế cũ về quản lý và sử dụng VĐV do Tổng cục TDTT ban hành từ năm 1994 thì các đơn vị và các VĐV gặp rất nhiều thiệt thòi. Tuy nhiên, để ban hành một bản quy chế hoàn chỉnh không phải chuyện đơn giản, dù chúng tôi cũng đã cố gắng suốt thời gian dài vừa qua. * Xin ông nói cụ thể hơn? - Hiện nay mới chỉ có bóng đá là chính thức có bản QCCN. Ngay cả bóng chuyền phát triển chỉ sau bóng đá, nhưng cũng chưa chính thức ban hành QCCN. Chúng tôi cũng học hỏi rất nhiều từ bóng đá và bóng chuyền, nhưng áp vào trường hợp của xe đạp có rất nhiều thứ không phù hợp, đặc biệt là việc khâu quyết định mức giá sàn chuyển nhượng và đền bù hợp đồng. TTK LĐ Xe đạp – Môtô thể thao VN Đoàn Kim Phách tin rằng Quy chế chuyển nhượng sẽ giúp việc luân chuyển nhân sự giữa các đội sẽ bớt xảy ra rắc rối hơn. Hơn nữa, việc xây dựng bản quy chế rồi xin ý kiến từ các cấp cũng rất mất thời gian. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải thừa nhận là trình độ của những nhà quản lý xe đạp VN còn nhiều hạn chế, không nắm sâu về thể thao chuyên nghiệp. Bởi vậy, nhìn cảnh các đội đua tranh giành, tranh cãi nhau suốt thời gian qua mà vai trò của LĐ không thể hiện được nhiều cũng là một điều rất đau xót. * Ông có đánh giá đây là một bản QCCN hoàn chỉnh? - Bản QCCN lần này mới chỉ là tạm thời thôi, nhưng nó có giá trị trong sân chơi nội bộ của VN và các đội nhất thiết phải tuân thủ các điều luật ban hành. * Điểm nhấn lớn nhất của bản QCCN lần này là gì, thưa ông? - Đấy là vấn đề bồi hoàn chi phí đào tạo VĐV. Theo đó, trong trường hợp 1 đơn vị muốn ký hợp đồng ràng buộc với 1 VĐV đang trong giai đoạn đào tạo hoặc giai đoạn cống hiến cho đơn vị quản lý khác, bên nhận chuyển nhượng phải trả phí chuyển nhượng cho đơn vị đào tạo VĐV theo giai đoạn đào tạo và cống hiến. Cụ thể, chi phí đào tạo được tính bằng tổng tiền lương và tiền thưởng mà VĐV nhận được từ đơn vị quản lý cũ nhân với hệ số đào tạo bằng số năm đào tạo cộng với một (1) là chi phí dành cho việc tuyển chọn và dụng cụ tập luyện. Ví dụ 1 VĐV được đào tạo trong 31 tháng (tương đương với hệ số 2,58) với tổng tiền lương thưởng là 100 triệu đồng thì số tiền chuyển nhượng theo quy định sẽ là 100.000.000đ x (2,58 +1)=358.000.000đ. Tương tự, giai đoạn cống hiến được tính bằng tổng tiền lương và thưởng nhân với hiệu của hệ số đào tạo trừ đi hệ số cống hiến. Nói chung, sự thay đổi lớn nhất của bản quy chế lần này chính là ưu tiên cho đơn vị đào tạo. * QCCN là vậy nhưng sẽ khó áp dụng nếu như hợp đồng giữa các đơn vị và VĐV vẫn trong tình trạng hỗn loạn như thời gian qua? - Tôi nghĩ VĐV bây giờ cũng ý thức được quyền lợi của mình rồi nên chuyện này không quá lo lắng. * Còn các trường hợp VĐV dù vẫn đang còn hợp đồng với đơn vị cũ nhưng lại “đi đêm” với đơn vị khác. Ông đánh giá sao về vấn đề này? - Chính các VĐV đó không hiểu gì về luật và họ sẽ phải chịu án kỷ luật nội bộ. * Thực tế cho thấy LĐ vẫn luôn khuyến khích các đội tự thỏa thuận với nhau? - Đúng vậy. Sự thỏa thuận có thể sẽ giúp làng xe đạp VN tránh khỏi những vụ tranh chấp hay lôi kéo VĐV giỏi từ địa phương này về địa phương khác từng xảy ra trước đây. Để cho hai bên tự thỏa thuận, cũng có nghĩa, quy chế này sẽ mở ra cơ hội cho các CLB và bản thân VĐV chủ động hơn trong các cuộc chuyển nhượng. Tùy thuộc vào thời gian đào tạo và sự cống hiến của một VĐV tài năng, CLB chủ quản có thể đưa ra mức giá phù hợp, tất nhiên sẽ không vượt quá xa khuôn khổ quy chế. * Xin cảm ơn ông! Gia Minh (thực hiện)

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/158n20100903092710569t0/ongdoan-kim-phach-khuyen-khich-cac-doi-tu-thoa-thuan-voi-nhau.htm