“Ông già” báo mộ liệt sĩ

Đằng đẵng suốt 24 năm tìm kiếm, mong chờ tin tức phần mộ người con trai hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Vũ Duy Hoan (số nhà 10, ngõ 169 Lê Hồng Phong, phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định) thấm thía vô cùng nỗi đau khôn xiết của thân nhân liệt sĩ. Thế là, ông quyết định tình nguyện làm người báo mộ cho các gia đình liệt sĩ nhiều năm nay.

Bắt đầu từ một tấm lòng Năm 1996, khi niềm tin tưởng như sắp lụi tàn thì gia đình ông Vũ Duy Hoan bỗng nhận được lá thư của một người có tên là Lân ở Thành phố Hồ Chí Minh báo cho biết: Mộ con trai ông đang nằm ở nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Ái (Triệu Phong, Quảng Trị). Tìm được mộ con, vợ chồng ông thức sự xúc động trước nghĩa cử cao đẹp của một người không quen… Chính cách làm của một người không quen ấy đã gợi ý cho ông Hoan bắt đầu hành trình làm việc thiện. Trong những ngày có mặt ở nghĩa trang xã Triệu Ái làm thủ tục đưa hài cốt người con trai về quê hương, ông Hoan nhận thấy còn rất nhiều gia đình trên khắp mọi miền Tổ quốc vẫn mỏi mòn chờ tin con trong vô vọng. Ông tranh thủ ghi được hơn 200 địa chỉ, bao gồm tên, tuổi, quê quán của các liệt sĩ. Trở về Nam Định, ông viết thư báo tin cho thân nhân các liệt sĩ. Chưa đầy mười ngày sau, ông nhận được rất nhiều thư bày tỏ sự cảm ơn và hỏi thăm thêm về những thông tin mà ông cung cấp. Ông nhiệt tình giúp đỡ, chỉ bảo, hướng dẫn những gia đình có nguyện vọng đưa hài cốt liệt sĩ về quê sao cho thuận tiện, đỡ tốn kém. Nhiều gia đình ở các tỉnh lân cận còn tìm đến tận nhà ông cảm ơn, trân trọng mời ông tới dự lễ đón nhận hài cốt liệt sĩ trở về địa phương…Những cái bắt tay đầy cảm kích, những giọt nước mắt rưng rưng cảm động, những lời tôn vinh ông là “ân nhân”… đã thôi thúc chữ “Tâm”, chữ “Đức” vốn tiềm tàng trong ông bùng lên mạnh mẽ. Năm 2003, sau khi dành dụm được ít tiền, ông quyết định trở lại Quảng Trị một lần nữa để ghi thêm những địa chỉ trên các tấm bia mộ. Tình nguyện đi cùng ông có anh Nguyễn Văn Dũng - thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng ở Nam Định, người từng được ông báo mộ. Hơn một tuần miệt mài lăn lộn dưới cái nắng gay gắt, khắc nghiệt của miền Trung ở nghĩa trang các xã: Triệu Ái, Hải Thượng, Hải Phú, Hải Trường, ông Hoan đã ghi được địa chỉ của 1.863 liệt sĩ (anh Dũng cũng ghi được hơn 1.000 địa chỉ các liệt sĩ và cũng noi theo nghĩa cử của ông viết thư báo tin cho các gia đình liệt sĩ). Sau chuyến đi này, ông lại tiếp tục gửi thư cho người thân của các liệt sĩ. Những lá thư nhỏ bé chứa đựng bao ân tình của ông đã mang lại niềm hạnh phúc khôn xiết cho hàng nghìn gia đình tưởng như đã hoàn toàn vô vọng trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Gia đình anh Trần Quốc Việt ở Thanh Khê (Hà Tĩnh) đã không kìm nén được xúc động khi nhận thư ông Hoan thông báo mộ liệt sĩ Trần Văn Giai đang nằm ở nghĩa trang xã Hải Trường (Hải Lăng, Quảng Trị). Anh Việt cho hay, gia đình đã nhiều lần lặn lội đi tìm phần mộ liệt sĩ Giai ở không ít nghĩa trang , nhưng chưa có kết quả thì bỗng nhận được thư ông Hoan. Nghĩa cử của ông Hoan không chỉ góp phần làm vơi đi phần nào nỗi đau của các gia đình liệt sĩ, mà còn giúp họ được đánh giá, nhìn nhận đúng mực. Ví như trường hợp của liệt sĩ Hà Thanh Tịnh ở Đông Hải (Tiên Yên, Quảng Ninh), từ nhiều năm nay bị coi là mất tích, gia đình chẳng những không được hưởng chế độ chính sách nào mà còn chịu nhiều tai tiếng. Tờ giấy báo mộ của ông đã giúp gia đình bắt đầu hành trình minh oan cho người chiến sĩ dũng cảm đã hy sinh vì độc lập dân tộc… Trong hàng trăm lá thư nhận được mà ông nâng niu, cất giữ, lá thư nào cũng đầy ắp lòng biết ơn và sự cảm phục trước những việc ông đã, đang làm. Người em của liệt sĩ Lưu Thống Nhất ở xã Yên Ninh (Yên Định, Thanh Hóa) viết thư kể với ông rằng: “Mẹ cháu 86 tuổi, đang lúc hấp hối tưởng như không thể qua khỏi thì gia đình nhận được thư của bác. Sau khi nghe mọi người đọc thư, mẹ cháu bỗng tỉnh táo trở lại và dần hồi phục. Bác là vị cứu tinh của gia đình cháu”… Thư của ông Phạm Xuân Hòe (Ngân hàng Công thương tỉnh Thái Bình) là thân nhân của hai liệt sĩ Phạm Xuân Hiền và Phạm Xuân Mơ được ông Hoan báo tin đã bày tỏ: “Việc làm nhân đạo của bác thực sự là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ chúng cháu học tập”. Góp phần không nhỏ vào những nghĩa cử cao đẹp của ông Hoan là sự đồng tình ủng hộ của gia đình, sự hậu thuẫn đắc lực của những người bạn tri kỉ như: ông Hải, ông Xuyến, ông Hà, ông Nghiêm… Họ đã giúp ông Hoan ghi chép cẩn thận, rõ ràng danh sách các liệt sĩ của mỗi tỉnh theo những cuốn sổ riêng để tiện theo dõi, trả lời. Trong quá trình làm việc thiện, ông Hoan tiêu tốn không ít tiền bạc của gia đình, song bà Hoan chưa một lần kêu ca, phàn nàn. Không những thế, mỗi lần có thân nhân của các liệt sĩ ở tỉnh xa tìm đến nhờ ông chỉ dẫn việc tìm mộ, bà đều vui vẻ tiếp đón rồi giữ họ ở lại ăn cơm. Bà kiên quyết từ chối phong bì khi người ta mang đến “cảm ơn” dù đời sống vật chất của ông bà chỉ ở mức trung bình. Trên tờ giấy báo mộ của các gia đình ông Hoan ghi rõ: “Việc làm này là việc làm nhân đạo xuất phát từ chữ tâm, xin nhớ miễn chi phí và quà bánh cho người báo tin”. Tiếp xúc với hàng xóm và bạn bè của ông Hoan, tôi được biết ngoài việc báo mộ liệt sĩ, ông Hoan còn thường xuyên làm từ thiện và tham gia các hoạt động nhân đạo. Gặp những người ăn xin, trẻ em lang thang, người có hoàn cảnh thương tâm… ông sẵn lòng san sẻ một phần tiền mình đang có. Năm 2002, khi tiễn người cháu ra sân bay Nội Bài, nhìn thấy một chị phụ nữ xa lạ đang đứng khóc, ông tiến lại hỏi thăm thì được biết đó là chị Nguyễn Thị Bích Hà quê ở xã Xuân Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) đang làm thủ tục xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Song do thiếu tiền lệ phí sân bay, nên nguy cơ bỏ lỡ cơ hội tìm được việc làm đang hiện hữu. Chị bộc bạch với ông Hoan rằng người thân của chị đã về quê, chỉ còn 15 phút nữa là máy bay cất cánh mà chị chẳng quen biết ai ở Hà Nội để nhờ cậy. Nếu không đi được thì chị không chỉ bỏ lỡ cơ hội việc làm mà số tiền đầu tư trước đó cũng bị mất luôn. Thấy vậy, ông Hoan liền ủng hộ và đứng ra vận động người dân xung quanh, bạn bè đi cùng quyên góp để chị Hà có đủ số tiền làm thủ tục... Nhận tiền từ tay ông Hoan, chị Hà nghẹn ngào cảm ơn. Sang tới Đài Loan, chị gọi điện về cho ông bộc bạch rằng: “Chủ nhà của cháu khi nghe kể lại cứ xuýt xoa, khen ngợi người Việt Nam có cách ứng xử nhân hậu đến vậy”. Năm nay, dù đã bước sang tuổi 80, song hằng ngày ông vẫn cùng những người bạn trong Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Nam Định rong ruổi trên chiếc xe máy để xin tiền tài trợ hoặc vận động các cơ quan, đoàn thể, cá nhân cưu mang, ủng hộ các cháu khuyết tật. Dù làm việc không lương song ông tỏ ra rất hãnh diện, tự hào về những đóng góp của mình. Ông bảo rằng: Chính những việc làm nhân đạo, phúc đức đã giúp ông có sức khỏe dồi dào, các con thành đạt, hiếu thảo, gia đình đầm ấm, hạnh phúc… Vì thế, ông sẽ còn tiếp tục làm việc thiện. “Việc nghĩa ở trên đời bất luận thời nào vẫn trường tồn như cây tùng, cây bách. Chữ tâm ghi trong dạ vật đổi sao dời tựa vàng mười khắc cốt xương” - Đó là những lời được khắc trang trọng trên bức tranh của gia đình liệt sĩ Lê Quang Thành ở Yên Định, Thanh Hóa dành tặng cho ông Hoan - một tấm lòng nhân nghĩa… Bài và ảnh: Tuấn Nguyên

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/56/57/57/113382/Default.aspx