Ông "Hân rồ" 20 năm xây "nghĩa trang sinh thái" cho đồng đội

Những ai từng có dịp đặt chân đến Nghĩa trang liệt sỹ xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh (Hà Nội) chắc hẳn đều bị ấn tượng bởi một khu nghĩa trang mát mẻ với hàng trăm cây xanh vươn tán cùng muôn hoa khoe sắc vàng, đỏ… như công viên. Và có lẽ, sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa khi biết được rằng, người vun đắp nên "nghĩa trang sinh thái" này là một người đàn ông mất 77% sức khỏe và từng bị… thần kinh.

Nghĩa trang xã Bắc Hồng như một khuôn viên với hàng trăm loại cây cảnh, hoa lá xanh tươi.

Trọn một lời thề…

Tôi gặp người cựu binh già Nguyễn Văn Hân (68 tuổi) vào một ngày mưa gió của "tháng cô hồn" - một người đàn ông gầy gò, nhỏ thó, với gương mặt khắc khổ và mái tóc hoa râm. Người ta gọi ông là ông "Hân rồ" vì trước đây, ông hay đi lang thang, thơ thẩn, lải nhải gọi tên những người bạn đã khuất, hy sinh trong trận chiến đấu giành độc lập cho dân tộc.

Vừa dẫn tôi đi thắp nén nhang đến từng mộ phần liệt sỹ và các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, ông Hân vừa từ tốn kể câu chuyện cuộc đời và công việc trông coi nghĩa trang 20 năm của mình. Ông dừng lại lâu nhất ở ngôi mộ của ba liệt sĩ tên Giới, Nhỡ và Hạnh. Trong giây phút linh thiêng ấy, bất chợt thấy đôi mắt nhăn nheo của ông ngân ngấn lệ, dường như ký ức đang ùa về…

"Tháng 7/1967, tôi cùng 12 thanh niên cùng trang lứa trong xã tình nguyện lên đường nhập ngũ, vào chiến trường miền Nam chống Mỹ cứu nước. Bốn chàng trai cùng quê là tôi và Nguyễn Biên Giới (sinh năm 1950), Nguyễn Đức Nhỡ (sinh năm 1948), Phan Văn Hạnh (sinh năm 1949) được biên chế vào cùng đơn vị trinh sát tại chiến trường Quảng Trị. Vào một đêm đầy mưa bom bão đạn tháng 4-1968, bốn anh em đã ôm chặt lấy nhau, thề nguyền: "Bốn anh em mình cùng quê, cùng nhập ngũ một ngày, lại chưa thằng nào có vợ. Khi nào kết thúc chiến tranh, về quê, nhớ suốt đời phải luôn bên nhau, sống tốt với nhau như anh em ruột nhé". Thế rồi chúng tôi lao vào trận chiến khốc liệt…", câu chuyện đến đây bị khựng lại bởi giọng ông Hân như nghẹn đi vì xúc động.

Ông Nguyễn Văn Hân không bao giờ quên thắp hương cho các đồng đội.

Ba người đồng đội cùng quê đã nằm lại nơi chiến trường khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, chỉ còn lại ông bị thương nặng nhưng may mắn sống sót trở về, mang theo những mảnh đạn còn găm trong đầu và trên thân thể. Giữ trọn lời thề thiêng liêng với đồng đội, năm 1994, ông đề nghị địa phương cho trông coi nghĩa trang xã để chăm lo hương hồn các liệt sỹ, để mãi trọn một lời thề sắt son "suốt đời luôn bên nhau", "tốt với nhau" dù sống dù chết.

Cũng bởi thế, suốt 20 năm nay, với sự giúp sức từ người vợ chịu thương chịu khó, ông Hân luôn dốc lòng chăm sóc nơi ở của các đồng đội vô cùng tinh tươm, sạch sẽ. Ông luôn mong muốn sẽ xây dựng nghĩa trang thành một "khu sinh thái" với cây xanh tươi mát để đồng đội được an nghỉ yên tĩnh, mát mẻ nên thường sưu tầm, xin và mua nhiều cây cảnh về trồng.

Hơn 150 mộ phần đều được sắp xếp thành hàng thẳng tắp, quét vôi, xây tam cấp gọn gàng. Cạnh các ngôi mộ đều có một bồn hoa mà bên trong trồng những cây bông đỏ, dạ hương, hồng, ngâu, thạch anh hay vàng anh lá mít...

Hai lần thoát chết và bất ngờ thoát… "rồ"

Mặc dù là thương binh 2/4 với thương tật 77%, không thể làm việc nặng nhưng ông Hân vẫn luôn thấy mình may mắn vì từng 2 lần "tưởng chết" mà lại thoát, hàng chục năm "rồ dở" mà lại tỉnh.

Ông Hân kể, sau trận nã bom cướp đi sinh mạng ba người đồng đội của ông đêm năm ấy, ông bị thương rất nặng và được một đơn vị bạn hành quân qua thấy còn sống nên đưa về tuyến sau điều trị. Đơn vị của ông khi đó ai nấy đều buồn bã tiếc thương vì cứ nghĩ ông đã hy sinh, mất xác nơi chiến trận. Ông Hân bị hôn mê bất tỉnh nhiều ngày vì chấn thương sọ não nghiêm trọng với một mảnh kim loại găm trong đầu và viên bom bi găm ở sườn trái. Nhưng với sự tận tình cứu chữa và quyết không "bó tay" của các bác sỹ quân y, gần một năm sau, ông Hân đã hoàn toàn tỉnh táo trở lại và khai báo về đơn vị.

Được phong tặng danh hiệu "Dũng sỹ diệt Mỹ cấp ưu tú" nên đến năm 1972, ông được cử về xã Nam Hồng, Đông Anh (cạnh xã Bắc Hồng) để nói chuyện với một đơn vị tân binh của Quân khu Thủ đô. Khi kết thúc nhiệm vụ, ông xin phép thủ trưởng cho phép về thăm gia đình, cách đó chỉ một cánh đồng. Lúc ông Hân bất ngờ về "chào bu", mẹ ông còn cứ ngỡ linh hồn con hiện về. Đến khi tĩnh tâm, biết con trai mình còn sống thật, người mẹ già chỉ biết ôm chặt con khóc rưng rức.

Trong dịp đó, ông Hân được mai mối và xây dựng gia đình với bà Trương Thị Chất (sinh năm 1952) - người vợ của ông bây giờ. Tuy nhiên, hạnh phúc chẳng tày gang khi năm 1980, con gái đầu lòng của ông bà không may bị chết đuối, ông Hân thì "phát rồ" do mảnh đạn trong đầu hoành hành khiến gia cảnh khốn khó lại thêm khốn cùng. Ngày ngày, ông lang thang, thơ thẩn, lải nhải một mình khắp xóm làng, có lúc không biết từ đâu chạy ào ra đường hô lớn "Anh em ơi, xung phong", "Tiến lên", "Nấp vào", có lúc lại mếu máo, nước mắt lưng tròng gào thét "Giới ơi… Hạnh ơi… Nhỡ ơi"… Cái tên "Hân rồ" bắt nguồn từ đó.

Để chữa bệnh thần kinh cho ông Hân, bà Chất đã phải tất tả ngược xuôi đạp xe đưa chồng đi hết Bệnh viện Tâm thần Trâu Quỳ lại đến thầy lang các tỉnh, Đông - Tây y đều có cả mà vẫn không khỏi. Năm 1994, bệnh tình có thuyên giảm nên ông được bệnh viện cho về nhà sinh hoạt cùng gia đình. Chính vào năm này, ông Hân được lãnh đạo xã đồng ý cho quản lý nghĩa trang.

Ban đầu, họ cũng lo lắng nhưng khi thấy vợ chồng ông Hân là người chăm chỉ, lại tận lực, tận tâm với nghĩa trang nên đã an tâm hơn phần nào. Từ khi bà Chất nghỉ hưu công việc ở nông trường, hầu như ngày nào người dân nơi đây cũng thấy hai vợ chồng ông bà cặm cụi ra nghĩa trang nhổ cỏ, nhặt lá, có những hôm đến tối sẩm mới về. Hôm nào mưa thì bà lại ở nhà lo vun vén cây cối, dọn dẹp ở nhà, còn một mình ông vẫn đều đặn đạp chiếc xe đạp cà tàng ra thăm nom nghĩa trang.

Bà Trương Thị Chất - vợ ông Hân bùi ngùi nhớ về những ngày tháng gian khổ chữa bệnh cho chồng.

"Chẳng rõ thuốc Đông, thuốc Tây ngấm vào hay thế nào mà từ khi nhận chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ, ông Hân nhà tôi cứ khỏe dần. Khoảng chục năm trở lại đây là ông ấy khỏi hẳn bệnh, hoàn toàn như người bình thường", trong căn nhà vắng người, bà Chất vẫn còn bất ngờ khi kể về việc "thoát… rồ" của chồng mình. Bà thầm nghĩ "Chắc các ông ấy (đồng đội của ông Hân - PV) yên nghỉ vui vẻ nên phù hộ cho ông cũng nên".

Bà cũng không bao giờ quên quãng thời gian khó nhọc những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước khi ông Hân bị vỡ tĩnh mạch cổ. Bà phải bán hết gia sản, bán cả đất để có tiền chữa trị cho chồng. Rồi thì khi không còn tiền mua máu, ông lại sống nhờ máu của người thân hiến cho. Đã có lúc, gia đình còn mua cả quan tài, chuẩn bị hậu sự cho ông rồi nhưng số trời, đến cuối năm 1997, ông Hân bình phục sức khỏe và từ năm 1998 lại có thể tiếp tục trông coi nghĩa trang.

Đến nay, ba người con của ông bà đã trưởng thành và thành đạt, các cháu nội, ngoại cũng ngoan ngoãn, chịu khó học hành nên cuộc sống tuổi già phần nào được thảnh thơi, an nhàn. Nhắc đến công lao của vợ mình, ông Hân nói chậm rãi với đầy sự trân trọng rằng: "Thực sự, tôi sống được là… nhờ vợ. Không có bà ấy, tôi đã chết ngỏm từ lâu rồi. Từ khi lấy bà ấy, tôi chẳng làm ăn được gì vì mất sức lao động, hết ở nhà vợ nuôi, lại dở rồ dở dại rồi suốt ngày sống chung với thuốc. Chữa bệnh bao phen, một mình bà ấy chạy vạy khắp nơi và nuôi dạy con cái. Nếu như người khác, chắc người ta bỏ tôi đi từ lâu rồi".

Nhờ có được một người vợ rắn giỏi, thủy chung như bà Chất mà ông Hân đã khỏe mạnh, tỉnh táo đến ngày hôm nay để thực hiện trọn vẹn lời thề thiêng liêng với đồng đội đã ngã xuống của mình. Rời nhà ông bà, rời nghĩa trang liệt sỹ xã Bắc Hồng, lòng tôi chợt thấy nhẹ bẫng khi nhớ đến hai hàng tùng cứng cáp và thẳng vút dẫn lối từ cổng vào khu tượng đài ở khuôn viên nghĩa trang. Lớn lên từ tấm lòng vun xới tận tụy, hàng tùng xanh hiên ngang như hai hàng tiêu binh đứng thẳng mình để canh giấc ngủ an lành cho các liệt sỹ, yên bình nơi đất mẹ. Có lẽ, với bất kỳ ai đặt chân đến đây cũng sẽ đều có cảm giác như tôi lúc này - một cảm giác thật yên lòng, an tâm và biết ơn.

Ông Nguyễn Ngọc Khương, nguyên Chủ tịch xã Bắc Hồng (vừa về hưu tháng 6/2013) cũng là một người lính trở về từ bom đạn, từng đứng ra ủng hộ giao công việc quản lý nghĩa trang liệt sỹ cho ông Nguyễn Văn Hân khi nhiều người còn e ngại về vấn đề thần kinh của ông Hân.

Ông Khương cho biết: "Ông Hân là một tấm gương sáng về thương binh tàn nhưng không phế, được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, hạng Hai; Bằng Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú, Bằng Dũng cảm trong chiến đấu và nhiều bằng khen, giấy khen. Trong chiến tranh đã dũng cảm chiến đấu, không hề lùi bước trước quân thù, đến khi hòa bình, trở về quê hương với cơ thể đầy thương tật nhưng cũng quyết chiến thắng bệnh tật để làm người công dân có ích trong xã hội. Ông là người cần cù, chịu khó, lại rất có tâm và thủy chung son sắt với đồng đội. Đặc biệt, bà Chất vợ ông chính là điển hình về những người phụ nữ Việt Nam lam lũ, chịu đựng, vì chồng, thương con. Một người phụ nữ cưu mang và khiến chồng mình phải biết ơn cả cuộc đời".

Nguồn CAND: http://cstc.cand.com.vn/vi-vn/phongsu-ghichep/phongsu/2013/9/185841.cand