Ông lão Bắc Ninh nuôi "đứa con thất lạc" của nhã nhạc cung đình Huế?

Những người ở làng Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) nhiều đời nay vẫn thường tự hào cho rằng địa phương mình hiện đang gìn giữ một môn nghệ thuật thuộc nhã nhạc cung đình Huế - chơi dàn trống cổ bộ, loại hình nghệ thuật mà ở Huế hiện nay cũng không còn tồn tại. Lão nghệ nhân Nguyễn Văn Cầu, 76 tuổi, ngụ tại làng Thị Cầu là một trong những người có công lớn trong việc lưu giữ, phát triển môn nghệ thuật này.

Thực hư truyền thuyết trống cổ bộ Những người già ở làng Thị Cầu nhiều đời nay vẫn còn truyền lại cho con cháu sự tích về nguồn gốc của môn trống Cổ bộ như sau: loại hình nghệ thuật này có nguồn gốc từ cung đình Huế. Tương truyền, cách đây khoảng gần 2 thế kỷ, làng Thị Cầu có người con họ Hoàng đi lính cận vệ tại cung đình Huế, do có năng khiếu âm nhạc nên người lính được chọn vào đội nhạc cung đình. Gắn bó cả đời với trống Cổ bộ, lúc già về quê hương, ông đã truyền lại cho dân làng. Ở Huế, trống Cổ bộ được sử dụng trong nhiều dịp như đón vua ngự giá, đón hoàng hậu, đón sứ thần, Tế Nam Giao và có khi dùng để báo hiệu chuẩn bị vào buổi lễ chầu, có bài dùng để đưa nhịp chân các quan khi kết thúc buổi chầu. Về Thị Cầu, trống cổ bộ được dùng trong các dịp quan trọng của làng như hội, giỗ tổ, đám hiếu, thượng thọ. Dân Thị Cầu tin rằng có điều gì đó thật đặc biệt khiến trống Cổ bộ chỉ có thể được bảo tồn và lưu giữ ở trong làng, những địa phương khác muốn học cũng khó tiếp thu. Khi mới về Thị Cầu trống có tất cả 13 bài, dần dà các cụ loại bớt những bài không phù hợp với làng. Hiện giờ chỉ còn 6 bài. Ở Thị Cầu hiện nay, trống Cổ bộ được dùng trong các dịp lễ hội đình, đền, chùa vào tháng Giêng, Tư và tháng Tám âm lịch. Trống được dùng trong tế lễ, rước và trong các ngày giỗ tổ, đám hiếu của các cụ thượng thọ. Khi các ông đám đã đông đủ và sẵn sàng, trống Cổ bộ bắt đầu đánh bài Rung một. Bài Rung hai vang lên để ông đám chỉnh sửa phục trang đứng vào vị trí. Khi bái lạy ba lạy thì đánh bài Hoa rơi, sau đó chuyển sang Bổ ba đưa nhịp bước các ông đám về phía ban thờ. Khi dâng rượu, dâng hương thì chuyển sang bài Đánh lăn. Xong 3 lần dâng hương rót rượu, ông trưởng đám đọc văn tế, sau đó thực hiện nghi lễ hóa vàng, hóa sớ. Lúc này dàn trống lại đánh bài Hoa rơi, khi sớ bắt đầu cháy chuyển sang đánh bài Bổ chín cho đến khi hóa xong. Trống có mặt ở Thị Cầu khoảng 150 năm, tức là vào thời kỳ Tự Đức (1847 - 1883), trong khi chế độ phong kiến nhà Nguyễn sụp đổ cách nay chưa đến một thế kỷ. Lẽ tự nhiên, sau đó nhạc cung đình mới được truyền bá ra ngoài dân gian. Như vậy so với một số loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian khác ở Huế, có khả năng trống Cổ bộ Thị Cầu có tuổi đời cao hơn. Cậu thợ may mê trống lạ Ông Cầu cho biết, ông là một trong những ít người tại làng đã có thâm niên chơi trống Cổ bộ lâu đời nhất: từ năm 1950, khi ông mới là một thiếu niên 16 tuổi. Theo ông, phố Thị Cầu khi đó là trung tâm buôn bán sầm uất của vùng Bắc Ninh, nổi tiếng nhất là các tiệm may âu phục và cậu thiếu niên khi đó là thợ học việc trong một nhà may. Là người dân ở "cái nôi quan họ" nên như nhiều thanh niên cùng trang lứa khác, cậu cũng đi học hát. Ngày hội năm ấy, cậu bé hết sức ngạc nhiên khi thấy ngoài các tiết mục quan họ truyền thống, hội làng Thị Cầu còn có sự trình diễn của đội trống Cổ bộ với âm thanh, kiểu dáng cũng như cách đánh rất độc đáo. Ngạc nhiên hơn khi người cầm trịch đội trống lại chính là thầy dạy hát quan họ. Thế là cậu bé Cầu xin với thầy được học trống Cổ bộ từ đấy. Những tháng đầu tiên theo học trống, thầy không cho thực tập trên trống thật mà bắt ngồi ôm cái... giỏ ủ bình trà gõ tưởng tượng hàng tháng trời. Ông Cầu nói: "Ngày trước thấy thích là xin học chứ đâu biết để các cụ dạy trống phải có những tiêu chuẩn rất khắt khe do làng đặt ra từ cả thế kỷ trước. Khi ấy gia đình nào có người được chọn thì nở mày nở mặt với cả làng. Vì muốn học trống phải ngoan ngoãn, lễ phép, kính trên trọng dưới và nhất định không được kiêu căng. Nhưng quan trọng nhất phải có năng khiếu, biết thẩm âm để khi đánh tiếng trống có hồn. Một dàn trống Cổ bộ có 5 người gồm 4 trống và một nạo bạt. Người cầm nạo bạt là nhạc trưởng, chủ động từ chuẩn bị đến chuyển bài và kết thúc. Vì thế người này phải rất thạo trống, các cụ chọn từ người đánh trống giỏi nhất để dạy". Số phận môn nghệ thuật độc đáo Trống Cổ bộ cũng từng có quãng thời gian vài chục năm sống lay lắt ở làng Thị Cầu. Ông Cầu cũng đã từng có đến 12 năm công tác xa nhà, xa đội trống, và "những âm thanh của bộ trống lại ngân vang trong lòng mỗi khi thấy hội hè" như lời ông nói. Phải đến đầu những năm 1990, khi đời sống kinh tế người dân đã khấm khá, các lễ hội truyền thống được khôi phục lại, môn nghệ thuật này mới có điều kiện sống lại và phát triển. Ông Cầu cũng là một trong những người già ở Thị Cầu dạy cho các con cháu nghệ thuật chơi trống cổ bộ. Hiện nay, làng Thị Cầu đã có 4 thế hệ biết chơi trống là lớp cao tuổi, trung niên, thanh niên và các cháu nhỏ. Bên cạnh đó, các dòng họ lớn trong làng như Chu, Nguyễn Hữu, Nguyễn Văn... cũng tổ chức cho con cháu học trống để đánh trong lễ giỗ tổ. UBND phường Thị Cầu cũng đã thành lập hẳn một CLB trống Cổ bộ, tạo sân chơi bổ ích các thành viên thuộc nhiều lứa tuổi tham gia. "Kể ra có lẽ phải tới hơn trăm người biết chơi trống", cụ Cầu nhẩm tính. Thực ra, theo lời ông Cầu, hơn 10 năm trước, một cơ quan chức năng ở Huế đã mời cả đội trống vào "nhận mặt". Nghệ nhân Nguyễn Cầu nhớ lại: "Lúc đó ông giám đốc bảo tàng là đơn vị đứng ra mời đội trống vào chơi sau khi xem chúng tôi biểu diễn đã rất xúc động, cảm ơn Thị Cầu có công nuôi dưỡng trống Cổ bộ. Ông ấy cũng thừa nhận đã từng nghe nói tới chuyện trống Cổ bộ là từ nhã nhạc cung đình Huế mà ra, nhưng hiện ở nơi nó sinh ra thì trống Cổ bộ đã thất truyền". Cũng từ năm 2006, Trường văn hóa nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh đã sưu tầm, nghiên cứu, dàn dựng khôi phục loại hình nghệ thuật độc đáo là diễn xướng Trống Cổ bộ này. Duy Cảnh Một đội trống Cổ bộ có 5 người, 4 người cầm trống và một cầm chũm chọe (não bạt). Người cầm chũm chọe là chỉ huy, mở đầu, chuyển bài hay kết thúc đều do người này chủ động báo hiệu. Bốn cái trống có kích thước bằng nhau- to gần bằng trống chiến, khi đánh cùng chung một nhịp điệu đều răm rắp. Trong 6 bài thì Hoa rơi và Đánh lăn có động tác múa dùi, tạo âm thanh từ việc chạm hai dùi với nhau bằng các động tác tay rất đẹp mắt. Nếu tách ra khỏi phần lễ và đánh liền 6 bài- sẽ trở thành một bài trống lớn với đầy đủ phần mở đầu (Rung một, Rung hai), phát triển (Hoa rơi, Đánh lăn) và kết thúc.

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com.vn/story.aspx?id=5757&lang=vn&zone=5&zoneparent=0