Ông Lê Xuân Hòe - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Caosu Việt Nam: Tính toán cẩn trọng khi trồng lại cao su

Thiệt hại hàng chục ngàn hécta caosu tại các tỉnh miền Trung do cơn bão số 10 gây ra, đã đặt ra vấn đề việc trồng caosu ở đây có phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở khu vực này? Và việc tái canh cây caosu sẽ được làm thế nào để hạn chế được tối đa thiệt hại. Để làm rõ vấn đề, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Xuân Hòe - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Caosu Việt Nam (VRG).

Việc tái canh caosu phải tính toán thận trọng để tránh thiệt hại. Ảnh: NAM DƯƠNG

Xin ông có thể cho biết thiệt hại đối với VRG do cơn bão số 10 gây ra?

- Cơn bão số 10 đã gây thiệt hại khoảng 1.400ha caosu tại một số nông trường của Cty TNHH MTV Caosu Hà Tĩnh (750ha) và Cty TNHH MTV Caosu Quảng Trị (650ha) thuộc VRG. So với diện tích vườn cây hiện có, tỉ lệ thiệt hại khoảng 11,5% ở Hà Tĩnh (750/ 6.500ha) và 14,4% ở Quảng Trị (650/ 4.500ha). Phần lớn vườn cây thiệt hại đang trong thời kỳ khai thác, trong đó có 130 ha mới trồng được 7 năm, bắt đầu vào giai đoạn khai thác; một số vườn cây đã khai thác 29 năm, chuẩn bị vào giai đoạn thanh lý. Ngoài ra, có một phần diện tích cây kiến thiết bị nghiêng, có thể khắc phục được. Hầu hết các vườn cây này đều được trồng cách xa biển từ 10 - 40km, cá biệt một số vườn cây chỉ cách biển vài kilômét và đã khai thác rất nhiều năm, chuẩn bị thanh lý. Ước tính thiệt hại sơ bộ khoảng 200 tỉ đồng.

Trước thiệt hại rất lớn của VRG và hàng ngàn hộ dân trồng caosu tiểu điền do bão số 10 gây ra, nhiều người đặt vấn đề, phải chăng việc trồng cây caosu ở các tỉnh duyên hải miền Trung là không phù hợp?

- Tôi cho rằng việc trồng caosu ở các tỉnh duyên hải miền Trung không phải là sai lầm. Bởi lẽ, đến nay vẫn không có một loại cây nào có thể thay thế cây caosu do hiệu quả kinh tế của nó. Ngoài ra, việc trồng caosu ở đây là còn góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Nếu chỉ cần giá cao su ở một số nơi khó khăn như Tây Bắc, miền Trung bán ra hòa vốn thì cái lợi lớn nhất là tiền lương của hàng chục ngàn CNLĐ ở đây cũng đã góp phần hạn chế nghèo khó. Trước đây, người Pháp cũng đã trồng caosu tại một số tỉnh miền Trung như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị từ năm 1958. Sau này, chúng ta phát triển mở rộng trồng cây caosu ra. Việc phát triển cây caosu ra khu vực phi truyền thống không chỉ Việt Nam làm mà nhiều nước khác cũng đã làm.

Theo nhiều người dân địa phương ở tỉnh Quảng Trị, cơn bão số 10 vừa qua là cơn bão mạnh nhất trong vòng 28 năm qua. Do sức gió quá mạnh, cả cột điện, cột anten còn gãy đổ, thì chẳng có cây cối nào chịu được. Mặt khác, do sự phát triển cây caosu thời gian qua có nơi còn trồng theo phong trào, nên trồng giống cây chưa được phù hợp, hoặc trồng quá gần biển, dẫn đến thiệt hại lớn khi có bão.

Vậy theo ông có nên tiếp tục tái canh và trồng caosu ở khu vực miền Trung dù có khá nhiều rủi ro?

- Theo quy hoạch của Chính phủ về việc trồng cây caosu đến năm 2015, tổng diện tích trồng caosu của VRG phải đạt 500.000ha, trong đó ở trong nước là 300.000 - 350.000ha; ở nước ngoài (chủ yếu là Campuchia và Lào) từ 150.000 - 200.000ha. Diện tích trồng caosu ở miền Trung hiện đã trồng được 30.000/50.000ha so với quy hoạch. Như vậy, từ nay đến năm 2015, VRG phải tiếp tục trồng, phát triển khoảng 20.000ha caosu ở khu vực miền Trung nữa. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung phát triển các vườn cây caosu dịch sang khu vực phía tây, giáp với vùng núi, bảo đảm các vườn cây phải cách xa biển tối thiểu 50km, đồng thời cũng tiếp cận với khu vực vùng sâu, vùng xa, góp phần thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Thực ra, vài năm gần đây VRG đã thực hiện việc này, cho nên các vườn cây bị thiệt hại nặng nhất vừa qua là các vườn nằm gần biển đã trồng trước đây nhiều năm.

Mặt khác, nếu cho rằng lo ngại tác động của bão mà không dám trồng cao su ở khu vực miền Trung thì e rằng cũng chưa được chính xác lắm. Bởi lẽ, với cây cao su thì phải tính lâu dài theo chu kỳ chứ không tính theo năm. Còn bão gió, tất nhiên sẽ có ảnh hưởng đến cây cối. Ngay tại Đồng Nai, dù cách xa biển, nhưng có năm, do ảnh hưởng của bão cũng bị thiệt hại khoảng 600ha cao su. Điều cần làm là phải chọn giống và các khâu kỹ thuật khác để có thể chống được bão lớn.

Theo ông được biết, quan điểm của các địa phương nơi bị ảnh hưởng do bão vừa qua trong việc trồng lại cây caosu như thế nào?

- Qua làm việc với lãnh đạo một số tỉnh bị thiệt hại do bão số 10, các đồng chí lãnh đạo địa phương đều khẳng định sẽ tiếp tục tái canh caosu. Bởi lẽ, đến nay không có một cây nào đem lại hiệu quả kinh tế cao như cao su. Chẳng hạn, việc trồng cây keo lai, nếu 1 ha trồng 7 năm cho tổng thu nhập 40 triệu đồng. Trừ chi phí, chỉ còn lại 5 triệu đồng/hécta cho 7 năm chăm sóc. Còn chăn nuôi thì cũng không có hiệu quả cao. Không chỉ lãnh đạo, mà ngay cả người dân địa phương cũng khẳng định sẽ trồng lại caosu, chỉ vì hiệu quả kinh tế của nó chưa có cây nào thay thế được.

Với vai trò “bà đỡ” về chuyên môn, VRG sẽ có giải pháp gì hỗ trợ cho người dân ở các địa phương miền Trung trong việc tiếp tục tái canh và trồng mới cây cao su?

- Từ nhiều năm qua, VRG đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền về kỹ thuật trồng, giống cây. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận sự tuyên truyền này mới chỉ dừng lại ở cấp tỉnh. Một số nơi có nhu cầu rộng hơn thì chúng tôi mới phối hợp với hệ thống khuyến nông tuyên truyền. Tuy nhiên, trước tình hình biến đổi khí hậu, ngày càng có nhiều bão lớn, VRG khuyến cáo người dân nên chọn các giống cây có khả năng chịu gió tốt hơn (như Ric 121 và một số giống khác); kiên quyết không trồng vườn cây caosu ở những nơi cách biển chưa đầy 50km, nên có vành đai cây chắn gió cho cây caosu, tăng mật độ vườn cây và hạ thấp độ cao tàng cây để hạn chế tác động của gió bão. VRG sớm hoàn chỉnh mô hình trồng tái canh ở khu vực miền Trung tốt nhất, qua đó, hy vọng người dân trồng caosu tiểu điền có thể áp dụng theo, tránh thiệt hại lớn khi có bão, gió.

- Xin cám ơn ông.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-doanh/ong-le-xuan-hoe-pho-tong-giam-doc-tap-doan-caosu-viet-nam-tinh-toan-can-trong-khi-trong-lai-cao-su/144677.bld