'Ông lớn' Facebook có đang vi phạm pháp luật Việt Nam?

Trong trường hợp các doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội như Facebook không thực hiện việc đặt 01 hệ thống máy chủ tại Việt Nam theo quy định thì đồng nghĩa vi phạm pháp luật.

Mạng xã hội ngày nay trở thàng công cụ marketing online và SEO không thể thiếu cho bất cứ doanh nghiệp tổ chức online nào. Mạng xã hội ở Việt Nam đã phát triển một bước dài kể từ khi Internet “du nhập” vào đất nước từ năm 1997. Cho tới năm 2015, mạng xã hội đã thu hút một lượng rất lớn người sử dụng: 53% người dân Việt Nam dùng mạng xã hội, trong đó chủ yếu là Facebook, Twitter, YouTube…

Chỉ tính riêng năm 2015, tỷ lệ người dùng internet ở Việt Nam tăng từ 48% lên 53%. Trong khi Campuchia chỉ có 19%, Myanmar chỉ có 22%, ngay cả nước được cho là hơn hẳn Việt Nam về kinh tế như Thái Lan cũng mới được 39%, hay 22% ở Indonesia.

Tuy nhiên, tính hai mặt lại ngày càng phổ biến trên mạng xã hội. Điều không phủ nhận, tác động của mạng xã hội ngày càng lớn đối với môi trường kinh tế, xã hội và cả chính trị. Cùng với xu thế của thế giới, mạng xã hội ở Việt Nam cũng đang có khuynh hướng trở thành “quyền lực thứ 5”, cạnh tranh quyết liệt đối với báo in.

Bên cạnh ưu điểm, mạng xã hội cũng phát sinh nhiều “hệ lụy” tiêu cực, tác động xấu đến người tiêu dùng Việt Nam như tình trạng xuất hiện các nội dung thông tin xấu, độc hại, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và các quy định của pháp luật Việt Nam.

Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Thông tư 38/2013/TT-BTTT quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới nhằm quản lí các hoạt động cung cấp thông tin công cộng qua biên giới trong môi trường Internet được dư luận đồng tình ủng hộ.

Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng Văn phòng Luật sư Interla, đoàn Luật sư TP.Hà Nội

Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành thì “ông lớn” Facebook có vi phạm pháp luật Việt Nam? Để trả lời câu hỏi này, luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng Luật sư Interla, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội như Facebook phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Trong trường hợp các doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội như Facebook không thực hiện việc đặt 01 hệ thống máy chủ tại Việt Nam theo quy định tại Điều 25 Nghị định 72/2013/NĐ-CP thì đồng nghĩa vi phạm pháp luật và bị xử lý theo quy định của chính quyền sở tại.

Và quy định về việc quản lý và xử lý đối với trường hợp các thông tin bị cấm được đăng tải trên các mạng xã hội như Facebook được Luật sư Trương Quốc Hòe viện dẫn. Trong trường hợp Facebook xuất hiện các thông tin vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP thì bộ Thông tin và Truyền thông có quyền đề nghị doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội như Facebook phối hợp xử lý các thông tin vi phạm bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử.

Sau khi nhận được đề nghị phối hợp từ bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian 24 giờ, các doanh nghiệp trên phải có trách nhiệm xác định thông tin vi phạm và tiến hành ngay việc xử lý thông tin.

Ngoài ra, trong trường hợp phát hiện các thông tin vi phạm khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP đe dọa đến lợi ích quốc gia thì cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ thực thi ngay lập tức các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn thông tin vi phạm không được cung cấp tới người sử dụng tại Việt Nam đồng thời gửi yêu cầu xử lý thông tin vi phạm tới các doanh nghiệp cung cấp trang mạng xã hội Facebook.

Nguyễn Huệ - Công Luân

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/facebook-co-dang-vi-pham-phap-luat-viet-nam-a326787.html