Ông Lưu Bình Nhưỡng: Nếu cần thì phải kiện cán bộ không trả nhà công vụ

“Nếu những người này không tự giác bàn giao thì phải xử lý theo điều lệ Đảng, thậm chí có thể khởi kiện và cưỡng chế đối với những trường hợp đó. Nếu làm một vài trường hợp thì những trường hợp còn lại phải rút ra bài học thôi”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng phải thu lại nhà công vụ sử dụng sai mục đích, đối tượng và hết thời hạn sử dụng - Ảnh: Nhaquanly

Theo thông tin trên tờ Tuổi trẻ TP.HCMtrong Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của thành phố Hà Nội năm 2017 vừa được Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Đức Chung ký ban hành có nội dung yêu cầu thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, đối tượng hết thời gian sử dụng nhà công vụ theo quy định.

Các cơ quan, đơn vị khi đầu tư xây dựng và chuyển ra trụ sở mới phải bàn giao toàn bộ trụ sở cũ, không được giữ lại sử dụng, cho thuê, cho mượn hoặc bố trí cho đơn vị khác. Thu hồi diện tích nhà đất cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về việc thu hồi nhà công vụ bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ sự ủng hộ quan điểm của Chủ tịch TP.Hà Nội và cho rằng đây là cách làm rất đúng với quan điểm chung từ trước đến nay là nhà công vụ là để phục vụ công vụ.

Tuy nhiên, trong thực tế có có nhiều trường hợp định chiếm nhà công vụ làm của riêng hoặc lợi dụng chính sách để chuyển hóa nhà công vụ thành tư gia. Vì vậy đại biểu này cho rằng phải có thái độ kiên quyết, rõ ràng vì đây là tài sản nhà nước. Tài sản này phải được sử dụng vào mục đích công. Điều này cũng được được đề cập khi bàn đến Luật Quản lý tài sản công.

Trong thực tế, không phải lúc nào việc thu hồi nhà công vụ cũng đơn giản, không phải cán bộ nào cũng tự giác bàn giao sau khi hết nhiệm vụ. Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, vướng mắc lớn nhất là nể nang, bởi vì những người đó đều là cán bộ, lãnh đạo mà họ lại không tự giác bàn giao. Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, nếu những người này không tự giác bàn giao thì phải xử lý theo điều lệ Đảng.

“Thậm chí, có thể giao cho một bộ phận nào đó như Sở TN-MT đứng ra khởi kiện trước tòa án và cưỡng chế đối với những trường hợp đó. Nếu chúng ta làm một vài trường hợp thì những trường hợp còn lại phải rút ra bài học thôi”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Tuy nhiên, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, khi thu lại nhà công vụ cần nghiên cứu rõ chính sách đối với người được ở đó để hài hòa quyền lợi. “Người ta nếu không được ở đó thì đi đâu? Mình hỗ trợ bao nhiêu? Những điều đó cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng và thỏa đáng. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh là phải thu hồi”.

“Cái được lớn nhất là đảm bảo kỷ cương. Chúng ta thu hồi cũng có thể sửa chữa, nâng cấp để biến tài sản công đó thành tài sản hữu dụng để phục vụ những việc công, phục vụ những cán bộ khác. Nếu ai được phân nhà mà cũng giữ lại thì cán bộ sau lấy gì mà dùng?”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Bên cạnh đó, vị này cũng nhắn nhủ rằng: “Nếu là tôi, tôi sẽ không bao giờ giữ cái nhà đó. Chúng ta nên tự giác chấp hành bởi vì đều là những người có chức có quyền và có công lao, có cống hiến với nhân dân, đừng lấy cái đó mà đánh đổi. Điều đó chỉ làm mất đi những giá trị cống hiến trước đây mà thôi”.

Hoài Phong

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/chinh-tri-c-93/ong-luu-binh-nhuong-neu-can-thi-phai-kien-can-bo-khong-tra-nha-cong-vu-65048.html