Ông Nguyễn Đức Kiên lên tiếng sau phát biểu 'BOT không ảnh hưởng đến người nghèo!'

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UBKTQH) – ông Nguyễn Đức Kiên đã chính thức lên tiếng sau phát biểu 'BOT không ảnh hưởng đến người nghèo' được ông nói tại một buổi tọa đàm mới đây.

Phát biểu trên được ông Nguyễn Đức Kiên nói tại buổi tọa đàm trực tuyến "Phòng ngừa tham nhũng trong các dự án BOT giao thông" diễn ra sáng 7/9. Ngay lập tức phát ngôn trên đã gây nhiều luồng ý kiến trái chiều, đặc biệt trong bối cảnh những dự án BOT đang gây không ít bức xúc cho người dân. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Kiên và nghe ông chia sẻ quan điểm thẳng thắn về vấn đề này.

Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Thưa ông, thẳng thắn mà nói, nhận định “BOT không ảnh hưởng đến người nghèo” mà ông vừa phát biểu đã gây không ít phản ứng. Ông nhìn nhận thế nào về điều này?

Tôi cho rằng phản ứng của một bộ phận người dân (ở đây như báo chí nêu là doanh nghiệp vận tải ô tô và một số lái xe) đối với các trạm thu phí dự án giao thông theo hình thức BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao) là hết sức bình thường khi lợi ích của họ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tôi đề nghị báo chí nên phản ánh đúng và chúng ta hiểu cho đúng khi nói cụm từ “người dân phản đối BOT”. Thực tế không phải tất cả người dân phản đối mà chủ yếu là doanh nghiệp vận tải, tài xế vận tải.

Nếu nhận định một cách tương đối: Người nghèo là những người không có xe ô tô thì tôi khẳng định việc thu phí BOT không ảnh hưởng đến người nghèo. Bởi vì hiện nay xe máy của ta có gần 65 triệu xe thì ta đã miễn phí BOT cho những phương tiện này, do đó thu phí BOT hay không không ảnh hưởng gì đến những người đó.

Nhưng thưa ông, có ý kiến cho rằng người nghèo tuy không có ô tô để nộp phí giao thông BOT, nhưng họ vẫn phải sử dụng xe khách, hoặc sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ do đó vẫn chịu ảnh hưởng?

Nếu chúng ta suy luận như thế thì mới chỉ nhìn thấy tính chất một chiều của câu chuyện. Đúng là xe khách, xe vận chuyển hàng hóa phải chịu phí giao thông BOT. Nhưng tại sao chúng ta không tính đến yếu tố là có đường BOT thì thời gian di chuyển của các phương tiện này được rút ngắn hơn, thời gian khấu hao phương tiện rút ngắn đi, họ có thể tăng chuyến để tăng doanh thu... và như vậy họ phải giảm giá vé, giá vận chuyển cho người dân chứ? Sao chúng ta chưa nghe cả hai phía DN và cơ quan quản lý Nhà nước để có đánh giá khách quan sự việc?

Tôi cho rằng vấn đề thu phí BOT là vấn đề liên quan đến Nhà nước, nhà đầu tư BOT và doanh nghiệp vận tải. Việc chúng ta cần làm bây giờ là phải quản lý giá để người dân nghèo không bị ảnh hưởng bởi những chính sách này.

Nhưng chúng ta có nhất thiết phải cải tạo, nâng cấp giao thông theo hình thức BOT không? Có lựa chọn nào khác hay không, thưa ông?

Trước hết phải khẳng định: Chủ trương BOT là đúng đắn và mang lại lợi ích rất lớn cho giao thông nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung. Trong bối cảnh đất nước đang thiếu hụt ngân sách như hiện nay thì việc xã hội hóa nguồn vốn để phục vụ giao thông là một biện pháp tối ưu.

Ở một số địa phương, việc xây dựng tuyến đường hay cầu mới theo hình thức BOT nếu so với dùng BOT để nâng cấp, cải tạo tuyến cũ là không hiệu quả bằng. Vấn đề là kiểm soát chặt chẽ việc thu phí để tránh hiện tượng gian lận như ở tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ.

Chúng ta đừng nghĩ ODA (viện trợ phát triển chính thức) ưu việt hơn, bởi vì ODA vẫn là đi vay nước ngoài, sau này phải lấy ngân sách để trả nợ. Mà ngân sách lấy từ đâu ra nếu không phải từ nguồn thuế của dân? Nếu làm đường bằng vốn ODA thì toàn bộ người dân phải trả phí, dù có đi đường mới xây đó hay không.

Thưa ông, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng nhiều tuyến đường BOT gần như cưỡng chế người dân đi qua trong khi họ chỉ có nhu cầu đi đường cũ và một số tỉnh, thành cũng phản ánh rằng họ chỉ xin Trung ương được làm đường, còn làm bằng hình thức nào cũng được, không nhất thiết là BOT?

Cho đến nay chúng ta đã thực hiện tất cả 88 dự án giao thông BOT, trong đó 51 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, còn 27 dự án là chưa xong. Theo thống kê thì trong 51 dự án đã vận hành, chỉ có 8 dự án vấp phải phản ứng của dư luận, còn lại các dự án khác được chấp nhận bình thường.

Nếu nói tất cả người dân đều muốn đi đường cũ là chưa phản ánh được thực tế hiện nay. Đợt vừa rồi tôi đi công tác cùng một đoàn các nhà báo về miền Tây, tôi đã hỏi một số người dân ở đó xem họ muốn đi đường cũ hay đường BOT mới. Thì họ trả lời tôi là “Trời ơi hỏi gì kỳ vậy, đường mới đi sướng thí mồ sao không đi?”.

Còn nếu nói địa phương nào phản đối BOT thì tôi cũng khẳng định luôn là tất cả các dự án giao thông BOT đều có sự tham gia bàn bạc của bộ Giao thông Vận tải, bộ Tài chính, chủ đầu tư và địa phương đó. Làm đường xong thì phần lợi nhuận thu được từ bán quyền sử dụng đất hay thuế của DN vận tải ô tô, địa phương thu, địa phương được sử dụng 100% chứ trung ương có thu cái đó đâu?

Trong 64 tỉnh thành hiện nay thì chỉ có 13 tỉnh thành có kết dư nộp ngân sách, không xã hội hóa nguồn vốn thì lấy đâu ra vốn để nâng cấp nhanh cơ sở hạ tầng? Địa phương nào cũng đề xuất làm đường, nhưng khi người dân phản ứng thì lại bảo tôi không đề xuất BOT, tôi thật không hiểu đạo đức công chức của các vị đó là như thế nào!

Thế còn vấn đề một số dự án BOT để xảy ra sai phạm thì xử lý như thế nào, thưa ông?

Chúng ta cũng mới đưa vào áp dụng hình thức BOT, trong giai đoạn đầu triển khai sẽ không tránh khỏi sai sót do hành lang pháp lý của chúng ta còn nhiều hạn chế, bất cập. Những sai sót ấy đã và sẽ được Chính phủ từng bước sửa sai, khắc phục, trên tinh thần ủng hộ BOT nhưng phải quản lý chặt chẽ.

Xin cảm ơn ông!

Minh Minh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/bot-khong-anh-huong-den-nguoi-ngheo--a338549.html