Ông Phí Thái Bình bị đề nghị khởi tố: 'Vỡ ống nước' và nghi ngờ của nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Ông Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng – một trong những người trực tiếp tham gia trình dự án ống nước sông Đà lên Chính phủ, cho rằng, việc xử lý phải hết sức thận trọng, đúng người, đúng tội, nếu không, sẽ không có doanh nghiệp nào dám mạnh dạn ứng dụng công nghệ để tránh "tai bay vạ gió".

Ông Nguyễn Tấn Vạn cho rằng, cần xử lý đúng người, đúng tội, đúng mức độ, nếu không sẽ thui chột ý tưởng sáng tạo của cán bộ và DN. Ảnh: Kh.V

Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 26.5, ông Nguyễn Tấn Vạn thẳng thắn: Trên thế giới, sự cố về ống nước vẫn xảy ra, nhưng với tần suất dày đặc hàng chục lần trong một quãng thời gian ngắn và trên một diện tích hẹp là hết sức bất bình thường, cần phải khoanh vùng kiểm tra và xử lý ngay.

Nhận định về nguyên nhân vỡ ống nước, ông Nguyễn Tấn Vạn cho biết: “Tôi nghi ngờ nguyên liệu sản xuất ống không tốt. Tức là khi nhập khẩu sợi thủy tinh về để sản xuất ống nước, có một lô hàng không đảm bảo chất lượng. Vì sợi thủy tinh có nhiều loại, chất lượng và giá thành khác nhau. Cần phải lục lại nhật ký, hồ sơ, xem thời kỳ đó ai cho phép nhập lô hàng đó?

Nghi ngờ thứ hai là sản phẩm ống cốt sợi thủy tinh khi sản xuất ra đã không được thử áp lực tại nhà máy theo quy trình: Cứ 500m lại phải thử áp lực; cũng có thể, quá trình thi công nền móng đường ống có vấn đề. Vì cá nhân tôi nhận thấy, 47km chiều dài từ Sông Đà về Hà Nội phải đi qua nhiều địa hình, địa chất khác nhau, vừa đất đồi, vừa đất đồng bằng. Đặc biệt, địa hình tại khu vực Láng - Hòa Lạc rất yếu.

Theo quy định, khi lắp đặt tại hiện trường thì cứ sau 500m phải thử áp lực khí nén, nếu chất lượng ống kém sẽ vỡ ngay; sau khi hoàn thành tiếp tục phải thử áp lực toàn tuyến. Tôi nghe nói cơ quan điều tra kết luận rằng nhiều đoạn đường ống không thử áp lực và rất tiếc toàn bộ các vụ vỡ ống nước đều tập trung tại các tuyến ống chưa được thử áp lực này”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Vạn cho rằng, cần phải xem xét lại từng giai đoạn và xử lý đúng người, đúng tội. Bởi, hồi đó, cơ chế của chúng ta là giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đồng tình chủ trương của Vinaconex đầu tư dự án nước sạch. Hơn nữa, dự án ống sợi thủy tinh là có hiệu quả và được ứng dụng tại nhiều nước, kể cả ở Châu Âu. Loại ống này sẽ ứng dụng rất nhiều nơi chứ không phải chỉ vận chuyển nước sông Đà.

Trong số 47km đường ống từ Hòa Bình về Hà Nội, các vụ vỡ thường xảy ra trong 5km đoạn qua huyện Thạch Thất, là những ống được sản xuất và lắp đặt năm 2007, thời kỳ cuối trước khi đưa vào sử dụng năm 2008. Vì vậy, cần phải kiểm tra lại xem giai đoạn đó ai phụ trách sản xuất, lắp đặt các tuyến ống này.

Hơn nữa, trong quá trình thực hiện dự án, có một thời kỳ Vinaconex thay đổi rất nhiều lãnh đạo. “Tôi cho rằng, việc bàn giao dự án từ lãnh đạo trước sau lãnh đạo sau đã không thấy được tầm quan trọng và phức tạp của dự án. Từ giai đoạn năm 2007, chất lượng đường ống kém, lắp đặt ẩu” – ông Nguyễn Tấn Vạn nhận xét.

Trả lời câu hỏi của PV, "tại sao ống nước vỡ tới 20 lần, nhưng Vinaconex không kiểm tra, xử lý toàn tuyến ống, mà lại thực hiện theo kiểu thủng đâu vá đấy”, ông Nguyễn Tấn Vạn cho rằng, nếu xử lý toàn tuyến, sẽ phải cắt nước hàng tháng trời, trong khi không có bể để cấp nước dự phòng cho cư dân Thủ đô. Điều đó sẽ gây xáo trộn rất lớn đến cuộc sống người dân.

Kh.V

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/ong-phi-thai-binh-bi-de-nghi-khoi-to-vo-ong-nuoc-va-nghi-ngo-cua-nguyen-thu-truong-bo-xay-dung-668431.bld