Ông Pieter Pennings: 'Thị trường TMĐT Việt Nam cạnh tranh & phân mảnh'

Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam hiện đang ở giai đoạn sơ khai và phân mảnh. Tuy nhiên, lĩnh vực này đang được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong vòng 5 năm tới nhờ sự phát triển của tầng lớp trung lưu, cùng năng lực chi tiêu, mức độ sử dụng Internet, Smartphone ngày càng tăng.

Ông Pieter Pennings

Ông Pieter Pennings

Hiện nay, các doanh nghiệp đi đầu trong ngành TMĐT như Lazada, Tiki, Zalora, C-Discount, Sendo... được đánh giá là đang trong giai đoạn xây dựng, định hình chiến lược để vừa có thể thu lợi nhuận, giữ vững thị phần đồng thời đảm bảo sự phát triển lâu dài.

Triển khai mô hình bán lẻ đa kênh (OMNI-CHANNEL)

Theo khảo sát của Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin Việt Nam (VECITA), trong năm 2015 giá trị trung bình của giỏ hàng TMĐT của người tiêu dùng Việt Nam trị giá 150 USD so với mức 30 USD vào năm 2012 và được dự đoán sẽ đạt mức 600 USD vào năm 2020.

Hướng đến năm 2020, số lượng người mua hàng trực tuyến ước tính sẽ đạt 38,5 triệu người, tương đương 65% số lượng người dùng Internet, nâng doanh thu TMĐT B2C và C2C lên 23,1 triệu USD, gấp 7 lần so với năm 2015.

Ông Pieter Pennings (Quản lý cấp cao, CEL Consulting) chia sẻ: “Thị trường TMĐT Việt Nam cạnh tranh quyết liệt trên từng phân khúc và cũng rất phân mảnh với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, cá nhân tham gia kinh doanh trực tuyến.

Theo ước tính của VECITA, trong năm 2014 - năm doanh nghiệp TMĐT lớn nhất chỉ chiếm 50% tổng doanh thu của ngành. Cuộc chiến về giá cả và giao nhận hàng hóa TMĐT rất khốc liệt với 85 - 95% giao dịch TMĐT được thanh toán theo hình thức trả tiền mặt khi nhận hàng.

Điều này đã nâng cao rủi ro đối với các doanh nghiệp TMĐT thiếu năng lực quản lý hoặc không có những đối tác giao nhận có năng lực và kinh nghiệm về logistics TMĐT. Chính đặc điểm kinh doanh TMĐT ở Việt Nam với tỷ lệ trả tiền mặt cao như vậy cũng phần nào làm nản lòng không ít doanh nghiệp nước ngoài trong việc đầu tư kinh doanh TMĐT tại Việt Nam”.

Ngoài việc cạnh tranh trực tiếp với nhau, các doanh nghiệp TMĐT còn cạnh tranh gián tiếp với các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại và truyền thống. Tính tiện lợi, phù hợp với nhịp sống hiện đại cũng là đặc điểm mà các doanh nghiệp bán lẻ ngoại tuyến đã nhận ra và thể hiện quan tâm đặc biệt cho việc khám phá, triển khai TMĐT trên hệ thống bán lẻ hiện tại của họ.

Không ít những tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ đã triển khai mô hình bán lẻ đa kênh (omni-channel) kết hợp hệ thống cửa hàng và TMĐT cho phép người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận và mua hàng hóa theo cách mà họ cảm thấy tiện lợi nhất.

Đặc điểm của mô hình này là giúp tối đa hóa khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, đặc biệt là với người tiêu dùng bị eo hẹp về quỹ thời gian khiến họ khó thực hiện những chuyến mua sắm tại cửa hàng một cách thường xuyên. Một số ví dụ điển hình cho mô hình này ở Việt Nam là BigC và C-Discount, hệ thống Thegioididong, FPT Shop...

Những tác nhân thúc đẩy thị trường TMĐT

Ông Pieter Pennings chia sẻ về những tác nhân thúc đẩy thị trường TMĐT, bao gồm:

Thứ nhất, mức độ xâm nhập Internet được dự báo đạt mức 7% mỗi năm, và số lượng người sử dụng Internet tại Việt Nam được ước tính sẽ tăng từ 41,8 triệu đến 59 triệu người vào năm 2020.

Thứ hai, số lượng người sử dụng Smartphone cũng được dự báo sẽ tăng từ 20,7 đến 39,2 triệu người vào năm 2020, và còn có thể cao hơn. Smartphone được đánh giá là một tác nhân quan trọng thúc đẩy TMĐT vì tính tiện lợi, nhanh chóng và linh hoạt. Hiện nay các doanh nghiệp TMĐT đều phát triển các ứng dụng để giúp khách hàng thực hiện giao dịch dễ dàng hơn, thể hiện qua mức tăng 117% giao dịch TMĐT thông qua Smartphone trong giai đoạn 2013 - 2014.

Thứ ba, tăng trưởng GDP trên đầu người tạo điều kiện phát triển tầng lớp trung lưu với năng lực chi tiêu cao hơn cho phép hoạt động bán lẻ nói chung và TMĐT nói riêng ngày càng mạnh.

Thứ tư, riêng về giao dịch TMĐT, theo nhiều nguồn khảo sát, yếu tố quan trọng nhất đối với người tiêu dùng hiện nay vẫn là giá cả và hình thức thanh toán tiền mặt khi nhận hàng. Mặc dù 2 yếu tố này giúp thúc đẩy quyết định mua hàng của người tiêu dùng, nhưng khả năng giao nhận nhanh chóng, linh hoạt cũng như thái độ giao nhận của nhân viên sẽ là yếu tố quyết định giao dịch có thành công hay không.

Có không ít trường hợp vì giao hàng quá trễ hoặc nhân viên giao hàng thiếu lịch sự mà khách hàng từ chối nhận hàng và trả tiền, khiến cho giao dịch bị thất bại. Tuy đây chỉ là một trong nhiều yếu tố khiến giao dịch có thể bị thất bại, nhưng theo phỏng vấn với các doanh nghiệp TMĐT hàng đầu là những yếu tố khiến họ quan tâm nhất - đó là làm sao nâng cao năng lực giao nhận và quản lý COD, cũng như xây dựng niềm tin và khuyến khích khách hàng chuyển qua hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ.

“Nhìn chung, thị trường TMĐT ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn và giao dịch trực tuyến có thể được coi là một xu thế tất yếu. Các doanh nghiệp Việt Nam trên diện rộng, ngay cả trong lĩnh vực sản xuất cũng đang dần quan tâm đến triển khai TMĐT và coi đó như là kênh bán hàng của tương lai mặc dù trong tương lai gần hình thức mua bán ngoại tuyến truyền thống vẫn sẽ giữ vị trí quan trọng.

Chính từ đặc điểm lịch sử hình thành và đặc điểm về giao thông vận tải mà thị trường TMĐT của Việt Nam cạnh tranh rất khốc liệt với những thách thức hoàn toàn riêng biệt so với các quốc gia khác. Điều này chính là yếu tố giúp TMĐT ở Việt Nam phát triển nhanh khi mà các doanh nghiệp bị thôi thúc phải cải tiến liên tục” - đại diện CEL Consulting nhận định.

Trong năm 2015, doanh thu TMĐT cán mức 4,9 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2014 và tương ứng 4% tổng doanh thu bán lẻ nội địa. Tuy TMĐT vẫn đang chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu bán lẻ nội địa, nhưng trong tương lai người tiêu dùng có xu hướng sử dụng TMĐT nhiều hơn vì ưu điểm tiện lợi, phù hợp với nhịp sống hiện đại ngày càng nhanh và bận rộn.

Quỳnh Giao

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/doanh-nghiep/ong-pieter-pennings-thi-truong-tmdt-viet-nam-canh-tranh-phan-manh-289801.html