Ông Putin coi trọng quan hệ với Triều Tiên hơn mối đe dọa hạt nhân

Nga coi quan hệ thương mại như một công cụ để bảo vệ chỗ đứng của mình trong ngoại giao với nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhằm nỗ lực xoa dịu khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên.

Vì chỉ có chung một phần biên giới nhỏ, mối quan hệ kinh tế giữa Nga và Triều Tiên cũng khá khiêm tốn, giảm 3 năm liên tiếp xuống dưới 77 triệu USD trong năm 2016, theo dịch vụ hải quan Nga. Tuy vậy, đây cũng đủ là vấn đề gây căng thẳng giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Ông Trump đang kêu gọi những cường quốc trên thế giới cùng chống lại Bình Nhưỡng.

Thương mại Nga - Triều

"Chúng tôi không thể tranh cãi với Triều Tiên vì nước này sẽ gạt Nga sang lề", giám đốc trung tâm chiến lược châu Á của Học viện Khoa học Nga Georgy Toloraya nói. Ông khẳng định rằng lợi ích của Moscow sẽ không được tính đến nếu Triều Tiên thấy Nga "về phe" Mỹ.

Cũng giống như với Iran khi Nga duy trì mối quan hệ trong bối cảnh Mỹ và Liên minh châu Âu EU gây áp lực lên Tehran về tham vọng hạt nhân, ông Putin không muốn cô lập Triều Tiên hoàn toàn. Ông phản đối các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn vì tin rằng những điều này cũng sẽ không ảnh hưởng đến vị trí lãnh đạo của Triều Tiên, theo 2 quan chức cấp cao của Kremlin.

Lao động di cư

Mỹ đang thúc giục nước Nga kết thúc chương trình tuyển 30.000 đến 50.000 công nhân từ Triều Tiên để "tước đoạt tất cả tiền của Kim Jong-un", Toloraya nói.

Bất kỳ quốc gia nào có công nhân Triều Tiên đều "đang giúp đỡ và thúc đẩy một chế độ nguy hiểm", đó là "một mối đe dọa toàn cầu", Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói sau khi ông Kim công bố bắn thử tên lửa ngày 4/7.

Nga giữ quan hệ với Triều Tiên giữa căng thẳng

"Nga chưa bao giờ ủng hộ đối thoại bằng hình thức trừng phạt" vì đó là một "cách tiếp cận vô ích", phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên vào tháng 4. Quan điểm này vẫn không thay đổi sau khi ông Putin và ông Trump gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg (Đức) hồi đầu tháng này.

Dù "có một cuộc trao đổi khá tốt về vấn đề Triều Tiên," 2 nhà nhà lãnh đạo Nga - Mỹ khác nhau trong chiến thuật và tốc độ để đối phó với mối đe dọa này, ông Tillerson nói sau hội nghị Hamburg.

Nga, Trung Quốc

Là đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên và chiếm gần 90% thương mại trị giá 6 tỷ USD năm ngoái, Trung Quốc cũng đồng tình với Nga kêu gọi kiềm chế và đối thoại trong một tuyên bố chung sau vụ thử tên lửa. Trong khi đó, ông Kim khoe rằng Bình Nhưỡng sẽ gửi thêm nhiều "món quà" cho Mỹ và cường quốc này đã tổ chức tập trận chung với Hàn Quốc để đáp lại.

Nga và Trung Quốc từng ngăn chặn các nỗ lực của Mỹ nhằm mở rộng các hình phạt đối với Triều Tiên trong một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (LHQ) lên án việc thử tên lửa.

Trong khi ông Trump cáo buộc Trung Quốc làm quá ít để gây áp lực lên người hàng xóm hung hăng, các quan chức ở Bắc Kinh cho biết nước này đã "nghiêm chỉnh tuân thủ" các biện pháp trừng phạt của LHQ và nhập khẩu từ Triều Tiên giảm 13,2% xuống còn 880 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2017 so với một năm trước đó.

Ông Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) đều phản đối trừng phạt Triều Tiên

"Không ai có bất kỳ đòn bẩy thực sự nào đối với Triều Tiên để thuyết phục họ bỏ vũ khí hạt nhân, kể cả Trung Quốc", ông Alexander Gabuev thuộc Trung tâm Carnegie ở Moscow khẳng định. Chế độ của ông Kim có thể kiếm được 30 đến 50 triệu USD một năm từ các công nhân Triều Tiên đi làm ở nước ngoài, ông Gabuev nói.

Nhập khẩu của Nga từ Triều Tiên xuống chỉ còn 421.000 USD trong quý I năm 2017 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu (chủ yếu là lương thực và nhiên liệu) tăng gấp đôi lên 31,4 triệu USD. Theo Toloraya, không ai biết được mức độ thương mại thực tế vì nhiều mặt hàng đi qua các nước thứ 3, nhưng có thể đạt đến 500 triệu USD.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/ong-putin-coi-trong-quan-he-voi-trieu-tien-hon-moi-de-doa-hat-nhan-20170726084158121p145c151.news