Ông Riedl ngán nhất Hữu Thắng ở điểm gì?

Từ lúc còn làm thầy cho đến khi làm đối thủ, HLV Alfred Riedl luôn e dè Hữu Thắng. Tính cách quá mạnh mẽ của người con xứ Nghệ là thứ đối nghịch với “ngài Alfred”.

Tiger Cup 1998 là giải đấu mà ông Riedl lần đầu nắm tuyển Việt Nam, còn Hữu Thắng là một hậu vệ trứ danh nhưng đã ở bên kia sườn dốc. Họ có chung một kỷ niệm buồn là trận chung kết bị người Singapore lấy Cúp vàng ngay trên sân nhà Hàng Đẫy.

Nhưng đó gần như là điểm chung duy nhất giữa hai người.

Hữu Thắng với tính cách mạnh mẽ như lửa đang khiến ông thầy cũ Riedl lo ngại. Ảnh: Quốc Bảo.

Ông Riedl cầu toàn, lịch thiệp và mềm như nước. Thời ấy, ông tạo ra một hình ảnh thầy ngoại khác biệt với những người đi trước như Edson Tavares hay Karl Heinz Weigang nhờ cách ứng xử hài hòa với cả quan chức, cầu thủ lẫn truyền thông.

Hữu Thắng thì bừng bừng, sục sôi như lửa. Tác phong đá bóng của Hữu Thắng cũng giống tính cách, đã xung trận là cháy đến giọt năng lượng cuối cùng. Đôi ống quyển đầy những vết sẹo lồi sẹo lõm của anh đã nói thay tất cả.

Hai cá tính ấy khiến họ không thực sự thuộc về nhau. Ông Riedl ban đầu có thử nghiệm Hữu Thắng ở sơ đồ chiến thuật 4-4-2 hoàn toàn mới mẻ với các cầu thủ Việt, nhưng sau một thời gian, ông buộc phải chuyển về lối đá 5-3-2 cũ kỹ.

Với hàng phòng ngự 5 người, vị trí ưu tiên không được dành cho Hữu Thắng. Nhà cầm quân người Áo ưa thích Đỗ Khải đá thòng, Thiện Quang và Mạnh Dũng đá dập. Hữu Thắng không hề đuối về chuyên môn, cái thua thiệt của anh chỉ là sự hăng hái đôi khi thái quá trong mắt ông Riedl.

Là người cẩn trọng, ông Riedl sợ nhất bị những quả phạt gần cầu môn hoặc bị thiệt quân. Ở cả hai khía cạnh này, Hữu Thắng không tạo được sự an tâm, tin tưởng nhất.

Đấy là câu chuyện của một thời thầy – trò sánh bước. Còn lúc này, câu chuyện về hai người cầm quân hai bên chiến tuyến đang hiện hữu.

Ông Riedl trong một phát biểu rất gần đây, thừa nhận Việt Nam có cơ hội vô địch AFF Cup 2016 lớn thứ nhì. Nghĩa là chỉ sau Thái Lan, và trước Indonesia do ông đang dẫn dắt.

Ngoài ra, mỗi khi được hỏi về Việt Nam, ông đều thừa nhận đây là đối thủ không có điểm yếu, có nhiều cầu thủ rất nguy hiểm, và Indonesia phải đặc biệt quan tâm đến Công Vinh...

Đó là một cách nói “nhấn nhá” xã giao và khích tướng đặc trưng của ngài Alfred. Nhưng nó cũng thể hiện một điều thực tế, ông đánh giá khá cao đồng nghiệp Hữu Thắng. Trước thềm AFF Cup năm nay, Riedl cũng từng… nhắc khéo truyền thông rằng Hữu Thắng không còn là học trò tôi, anh ấy đã là đối thủ của tôi.

Tuyển Việt Nam vừa hạ Indonesia 3-2 tại Mỹ Đình trong một trận đấu không hề thua kém đối phương về độ rắn. Ảnh: Quốc Bảo.

Các chuyên gia bóng đá Đông Nam Á từng phân tích Indonesia có điểm mạnh nhất là thể lực và lối chơi quyết liệt. Cách đá này từng làm “tê liệt” lứa U19 của thầy Giôm với những Tuấn Anh, Công Phượng… Nhưng với một chiến tướng như Hữu Thắng, thể lực và quyết liệt có thể không còn là ưu thế của nước chủ nhà trận bán kết lượt đi.

Mất Đình Luật là một hậu vệ “cứng”, nhưng Hữu Thắng vẫn còn trong tay đủ nhân lực có khả năng đá rắn khi cần: Ngọc Hải, Trọng Hoàng, Đình Đồng và Hoàng Thịnh – nếu bình phục chấn thương. Còn rắn ở mức độ nào, chỉ cần nghe Hữu Thắng nhắn nhủ học trò phải “nương chân” là… đủ hiểu.

Một lý do nữa khiến ông Riedl e ngại là trận bán kết lượt về quyết định diễn ra ở Mỹ Đình. Điều đó buộc ông phải có một kết quả đủ thuận lợi sau buổi tối 3/12 ở Pakansari, vô tình tạo ra thứ áp lực không hề nhỏ.

Trước khi AFF Cup 2016 khởi tranh, trong 2 trận giao hữu giữa Indonesia và Việt Nam, kết quả là đội tuyển xứ vạn đảo đều không thể giành chiến thắng. Thậm chí họ lần đầu tiên thua đội tuyển Việt Nam sau 17 năm với tỷ số 2-3 trên sân Mỹ Đình.

Sau vòng bảng AFF Cup 2016, lần đầu tiên trong lịch sử, tuyển Việt Nam đi tiếp với thành tích toàn thắng. Tại bán kết, đội sẽ gặp Indonesia (lượt đi ngày 3/12 trên sân khách, lượt về ngày 7/12 tại Mỹ Đình).

Quốc Bảo

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ong-riedl-ngan-nhat-huu-thang-o-diem-gi-post702552.html