Ông Rodrigo Duterte là 'đối thủ xứng tầm' của cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc

Rodrigo Duterte và Donald Trump là những chính khách phi truyền thống, những phát ngôn của họ nên được xem xét dưới góc độ chiến thuật đàm phán với đối thủ.

Philstar ngày 21/12 đưa tin, người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines hôm qua 20/12 "chữa lại" phát biểu của Tổng thống Rodrigo Duterte: nước này chưa có chính sách nào hợp tác thăm dò dầu khí với Trung Quốc ở Biển Đông.

Tổng thống châm mồi, tham mưu chữa cháy?

Truyền thông quốc tế (Kyodo, Reuter, Nikkei Asian Review) hôm qua tường thuật, phát biểu tại Điện Manacanang, Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết: thứ nhất, nếu tìm thấy khu vực Scarborough có dầu mỏ, Philippines và Trung Quốc sẽ cùng khai thác;

Thứ hai, việc dùng lực lượng thủy quân lục chiến chiếm lại quyền kiểm soát Scarborough từ Trung Quốc là không khả thi; thứ ba, trong bối cảnh chính trị hiện nay, chính phủ Philippines sẽ không ép Trung Quốc phải thực hiện Phán quyết Trọng tài 12/7, mà ưu tiên cải thiện quan hệ hợp tác với Bắc Kinh.

Giải thích những phát biểu gây chú ý của Tổng thống, người phát ngôn Điện Manacanang ông Ernesto Abella khẳng định, hợp tác khai thác chung chỉ có thể xảy ra trong "vùng biển tranh chấp".

Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Ernesto Abella. Ảnh: Philstar.

Theo tôi, người phát ngôn Điện Manacanang chỉ có nhiệm vụ "phối hợp làm rõ" thêm những phát biểu của Tổng thống Rodrigo Duterte, chứ không phải đính chính hay “chữa cháy” cho vị Tổng thống “tinh quái” này.

Bởi vì, nội dung phát biểu nói trên của Tổng thống Duterte xét về mặt nguyên tắc pháp lý, là hoàn chỉnh, Trung Quốc không thể lợi dụng để bảo vệ cho yêu sách của họ được.

Chẳng hạn, ngay ở nội dung thứ nhất liên quan đên việc Philippines và Trung Quốc cùng khai thác dầu mỏ nếu tìm thấy ở “khu vực Scarborough”, ông Duterte không dùng cụm từ “vùng chồng lấn”.

Cho nên có thể thấy, đây chỉ là chiến thuật “tương kế, tựu kế” xét về tương quan lực lượng và thực tế chiếm đóng hiện nay tại khu vực này.

Hay nội dung thứ 3 có liên quan đế việc thi hành Phán quyết Trong tài 12/7/2016, thì rõ ràng là không chỉ Philippines, mà ngay cả cộng đồng quốc tế, tổ chức Liên Hợp Quốc cũng chưa thể buộc Trung Quốc phải chấp hành, vì hiện nay chưa có cơ chế thi hành án.

Cho nên phải “ưu tiên cải thiện quan hệ hợp tác với Bắc Kinh" trong bối cảnh hiện nay là thượng sách.

Cá nhân tôi đánh giá rất cao những phát ngôn rất thực tế và hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc pháp lý hiện thời.

Điều 74 và Điều 83 của UNCLOS 1982, qui định về việc hoạch định ranh giới vùng Đặc quyền về kinh tế và Thềm lục địa giữa các quốc gia ven biển nằm kề hoặc đối diện nhau đã ghi rõ:

“Trong khi chờ ký kết thỏa thuận nói ở Khoản 1, các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn và để không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này.

Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến việc hoạch định cuối cùng.” (Khoản 3).

Giải thích này được đưa ra trong bối cảnh vừa diễn ra chuyến viếng thăm bất ngờ của Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa đến Điện Manacanang, mang theo đề nghị viện trợ vũ khí hạng nhẹ trị giá 14,4 triệu USD cho cảnh sát Philippines chống ma túy, chống khủng bố.

Ngoài ra Bắc Kinh gợi ý, nếu Manila quan tâm đến các loại vũ khí hạng nặng của Trung Quốc, nước này sẵn sàng cung cấp cho Philippines gói tín dụng ưu đãi, tổng trị giá 500 triệu USD.

Về vấn đề "hợp tác khai thác chung với Trung Quốc ở Biển Đông", ông Abella phát biểu trong cuộc họp báo hôm qua:

"Tôi tin rằng đây không phải là thỏa thuận giữa 2 chính phủ, nhưng có thể là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp. Do đó khong thể coi một sáng kiến của khu vực tư nhân là chủ trương chính thức".

Tiến sĩ Trần Công Trục trong một buổi tọa đàm, ảnh do tác giả cung cấp.

Khi bị truyền thông truy vấn một lời giải thích, ông Abella cho hay, hiện chính phủ không có chính sách nào vào thời điểm này liên quan đến thăm dò chung với Trung Quốc. Những gì báo chí hỏi, nhiều khả năng là trao đổi giữa các doanh nghiệp.

Về vấn đề Phán quyết Trọng tài 12/7, ông Abella nhắc lại lập trường của Điện Manacanang rằng, chính phủ Philippines sẽ tuân thủ Phán quyết Trọng tài, vì đây là tài sản của Philippines, về mặt kỹ thuật.

Không có chuyện ông Rodrigo Duterte từ bỏ quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình trong khu vực, cho dù thừa nhận không thể giành lại quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough bằng vũ lực.

Dương đông kích tây

Đồng thời với việc tung những "đòn mồi" chào đón Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa, hôm thứ Hai 19/12 ông Rodrigo Duterte cũng bắn một thông điệp đến Đại sứ Hoa Kỳ tại Philippines Sung Kim với tuyên bố nhấn mạnh:

Manila vẫn sống mà không cần sự trợ giúp từ các siêu cường.

Tham dự một sự kiện tối thứ Hai với các doanh nhân, các chính trị gia hàng đầu, các quan chức nội các đương nhiệm và tiền nhiệm, các nhà ngoại giao trong đó gồm Đại sứ Sung Kim, ông Duterte nói:

"Các bạn Hoa Kỳ đã ở đây, họ làm ra vẻ hống hách và sống trên sự màu mỡ của mảnh đất này. Nhưng khi họ đi khỏi, Philippines vẫn là một quốc gia thống nhất.

Hãy nghe họ nói: "Chúng tôi sẽ cắt viện trợ cho các anh, nếu điều này xảy ra một lần nữa". Hãy đi về, im lặng, im lặng".

Ông Duterte công khai chỉ trích tập đoàn Millennium Challenge của Mỹ đã trì hoãn gói hỗ trợ 433 triệu USD cho Philippines vì "quan ngại xung quanh các quy định của luật pháp về các quyền tự do dân sự":

"Tôi không cần sự giúp đỡ của bạn, 400 triệu USD của Millennium Challenge, Trung Quốc sẽ giải ngân cho tôi 50 tỉ, bạn về đi, tôi không cần sự trợ giúp của bạn".

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: Slate.

Theo tường thuật của Philstar, Đại sứ Mỹ Sung Kim đã không phản ứng gì khi ông Rodrigo Duterte nói những điều này, ông chỉ nở một nụ cười "yếu ớt" khi Duterte nhận ra ông có mặt trong sự kiện này.

Tổng thống Philippines khuyên Đại sứ Mỹ:

"Nếu ngài đang giao thiệp với người châu Á, bằng sự tôn trọng với Đại sứ Hoa Kỳ, hãy cẩn thận với phát ngôn của mình.

Ngài không thể làm điều đó với người Nhật, người Hàn...Họ cảm thấy bị sỉ nhục".

Về phát biểu của Tổng thống Duterte rằng, ông có thể xem xét bãi bỏ Hiệp định Thăm viếng quân sự (VFA) giữa hai nước, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói rằng không nên coi đó là sự thật lúc này.

Chỉ nên xem tuyên bố của Tổng thống đơn giản là một lời cảnh báo, vì cho đến nay không có văn bản chính thức nào từ Điện Manacanang làm mất hiệu lực của VFA, có hiệu lực từ ngày 27/5/1999 sau khi Thượng viện Philippines phê chuẩn.

Bộ Quốc phòng Philippines không nhận được bất cứ văn bản nào từ Phủ Tổng thống về quyết định hủy bỏ VFA.

Xung quanh vụ Trung Quốc "tịch thu" thiết bị lặn không người lái của hải quân Hoa Kỳ trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, ông Lorenzana cho hay, nước ông sẽ cảnh báo cả Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Philippines muốn biết hai nước này đang làm gì trong vùng đặc quyền kinh tế của mình ở Biển Đông.

Nhất cử lưỡng tiện

Tôi cho rằng, từ khi nhậm chức Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte đã rất khôn khéo trong ứng xử với 2 siêu cường ở Biển Đông, để giữ hòa bình và ổn định, không tạo cớ cho bên nào leo thang thành xung đột, đối đầu.

Những phát biểu của ông không chỉ gây sốc với dư luận, đặc biệt là Hoa Kỳ, mà thoạt nghe có vẻ đi ngược lại Phán quyết Trọng tài hoặc lợi ích chính đáng của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài.

Tuy nhiên, chính động thái "đỡ lời", "giải thích lại cho rõ" một cách kịp thời của đội ngũ tham mưu Điện Manacanang đã cho thấy, những phát biểu ấy là có tính toán rất kỹ lưỡng.

Binh pháp Trung Hoa cổ đại vốn chuộng kế "hư hư thực thực", người Trung Quốc xưa nay vẫn quen "binh bất yếm trá".

Có lẽ nó cũng chính là kế sách và sự chọn lựa hiệu quả để đối phó với 2 siêu cường đang tìm cách lôi kéo mình về phía họ, mà các nước nhỏ như Philippines lựa chọn.

Cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều cần lôi kéo Philippines về phía mình trong khi tranh giành ảnh hưởng ở Biển Đông là một thực tế.

Philippines không thể giành lại Scarborough từ tay Trung Quốc bằng sức mạnh quân sự là một thực tế.

Các khoản viện trợ nước ngoài luôn đi kèm với các điều kiện, dù bằng hình thức này hay hình thức khác cũng là một thực tế.

Bởi vậy tôi cho rằng, những phát biểu của ông Rodrigo Duterte vừa qua không chỉ góp phần tối đa hóa lợi ích cho Philippines, mà còn góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông - nền tảng bảo vệ và thực thi Phán quyết Trọng tài.

Để nổ ra xung đột đối đầu ở Biển Đông, Phán quyết Trọng tài cũng sẽ trở nên vô nghĩa, bởi phần thiệt thòi thực tế sẽ rơi vào các nước nhỏ trong khu vực.

Mỹ viện trợ cho Philippines đương nhiên không phải vì lòng tốt, Trung Quốc cũng vậy, mà bởi quốc gia này có "giá trị lợi dụng" trong chiến lược địa chính trị của các siêu cường.

Cho nên Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa mang "quà" đến gặp, ông Duterte không bỏ lỡ cơ hội để "thổi" Trung Quốc lên, đồng thời lấy Trung Quốc làm đối trọng để mặc cả với Hoa Kỳ bớt can thiệp vào công việc nội bộ của Philippines.

Rodrigo Duterte và Donald Trump là những chính khách phi truyền thống, những phát ngôn của họ nên được xem xét dưới góc độ chiến thuật đàm phán với đối thủ, hơn là so sánh với những lời "khuôn vàng thước ngọc", "vua không nói chơi", hay coi nó là chính sách đã định hình, bất di bất dịch.

Trong nghệ thuật đàm phán ấy, dương đông kích tây, hư hư thực thực đang là chiến thuật tỏ rõ hiệu quả, nhất cử lưỡng tiện trở thành mục tiêu của những nhà lãnh đạo biết biến đổi vị thế quốc gia, từ chỗ là đối tượng bị các nước lớn tranh giành lôi kéo thành một người chơi bình đẳng với các nước lớn.

Tài liệu tham khảo:

http://www.philstar.com/headlines/2016/12/21/1655535/joint-exploration-south-china-sea-not-government-policy

Ts Trần Công Trục

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/quoc-te/ong-rodrigo-duterte-la-doi-thu-xung-tam-cua-ca-hoa-ky-lan-trung-quoc-post173319.gd