Ông Sơn “công lý”

QĐND Online - Người ở làng vẫn gọi cựu chiến binh Trần Ngọc Sơn bằng cái tên trìu mến và thán phục: Ông Sơn “công lý”. Người mới nghe đôi khi cũng lầm tưởng rằng ông Sơn đang làm ở cái ngành “cầm cân, nảy mực”. Nhưng không phải vậy, mà là bởi, họ đã tận thấy ông hai lần tự nguyện thực hiện chuyến đi bằng xe đạp xuyên Việt để vận động các tổ chức, cá nhân trong cả nước lên tiếng đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/ đi-ô-xin ở Việt Nam…

Từ nỗi đau không thể lớn hơn…

Tuy không phải là phố thị, song nơi gia đình ông Sơn đang ở (ven chợ cóc thuộc xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) cũng khá nhộn nhịp. Thời buổi kinh tế thị trường, những nhà “mặt tiền” ven chợ đua nhau mở cửa hàng buôn bán, nhưng gia đình ông Sơn thì không.

- Sao hai bác không mở hàng quán buôn bán gì đó để có thêm thu nhập? chúng tôi tò mò.

Ông Sơn giọng trầm buồn:

- Thì cũng đã mở cái quán bán nước ở trước cửa một lần rồi, nhưng cháu nó đập phá dữ lắm. Khách hãi khiếp vía thì còn ai người ta dám vào mà ngồi ở cái quán này nữa, vậy nên đành bỏ. Cháu nó có lớn nhưng mà trời có cho nó được làm người khôn đâu chú ơi!”.

Ông Sơn giới thiệu cuốn sách có gần 21 triệu chữ ký lên tiếng ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam.

Năm 1972, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang trong giai đoạn cam go ác liệt, chàng thanh niên Trần Ngọc Sơn khi ấy mới tròn 16 tuổi đã xung phong lên đường ra mặt trận, tham gia chiến đấu trên các chiến trường khốc liệt như Quảng Trị, Đường 9 Nam Lào... cho đến ngày đất nước toàn thắng. Trải qua nhiều trận đánh, ông và những đồng đội của mình đã phải hứng chịu mưa bom bão đạn và chất độc hóa học của kẻ thù. May mắn hơn những đồng đội phải vĩnh viễn nằm lại chiến trường, ông Sơn trở về quê hương song bị mất 61% sức khỏe, hưởng chế độ bệnh binh của Nhà nước. Rồi ông cùng cô thôn nữ Nguyễn Thị Nhấn, ở cùng làng, nên vợ nên chồng. Họ lần lượt sinh được bốn người con, hai gái, hai trai. Những tưởng hạnh phúc vẹn tròn sẽ mỉm cười với người bệnh binh ấy, nhưng trớ trêu thay, cậu con trai thứ ba của ông, sinh năm 1983, bị dị tật bẩm sinh không có hậu môn, do ảnh hưởng di chứng chất độc da cam/đi-ô-xin từ cha mình.

- Tưởng mình là người may mắn vì được lành lặn trở về, ai ngờ...- ông Sơn buột miệng thở dài.

…đến hành trình đi tìm công lý

Sau một hồi trầm ngâm, ông Sơn bộc bạch: “May mà trời còn cho con nhà tôi đi lại được, chứ như con cái của nhiều đồng đội khác, chỉ ăn nằm tại chỗ thôi, họ còn khổ hơn vợ chồng tôi nhiều. Nhìn các cháu đang phải chịu sống cảnh thực vật mà đau xót lắm”.

Từ đau thương mất mát ấy, nhiều người đã lặng lẽ góp sức nhỏ bé của mình vào cuộc đấu tranh đòi công lý vì các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam. Cựu chiến binh Trần Ngọc Sơn thì có cách làm đặc biệt hơn, đó là đã hai lần tình nguyện đi xe đạp xuyên Việt, xin chữ ký ủng hộ của mọi người, kêu gọi đấu tranh giành lại sự công bằng cho các nạn nhân da cam.

Bài viết của nhà báo Đào Văn Sử (Báo QĐND) về cựu chiến binh Trần Ngọc Sơn (ảnh chụp lại)

Lần thứ nhất vào năm 2008, ông thực hiện chuyến đi xe đạp từ Hà Nội tới thành phố Hồ Chí Minh với quãng đường gần 2000 km, hết 71 ngày. Lần thứ hai vào năm 2010, với chiếc xe đạp, ông đã đi hết 64 tỉnh, thành phố trong cả nước, với tổng thời gian hơn 6 tháng, trên quãng đường hơn 7.500 km, đến 390 cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân.

Hành trình cả hai lần đi xuyên Việt của ông Sơn đã mang lại kết quả mà ông không ngờ tới. Ông đã có gần 21 triệu chữ ký của những tấm lòng cảm thông, sẻ chia sâu sắc với các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam, với lời kêu gọi “Hãy đấu tranh đến cùng để giành lại sự công bằng cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam”, hiện quyển sách có gần 21 triệu chữ ký này đang được trưng bày tại Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam đi-ô-xin Việt Nam.

Cuộc đấu tranh đòi các công ty hóa chất Mỹ phải có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân da cam Việt Nam và hành trình xuyên Việt để nhận gần 21 triệu chữ ký của ông Trần Ngọc Sơn đã lan rộng ra cộng đồng người Việt tại các nước cũng như nhân dân tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Một trung tâm tẩy độc dành cho các nạn nhân chất độc da cam ở tỉnh Thái Bình, trị giá gần 2 tỷ đồng do Cộng hòa Séc tài trợ đã được xây dựng. Ngoài ra còn có hàng chục tỷ đồng của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã ủng hộ nạn nhân chất độc da cam tỉnh Thái Bình và điều đó đã phần nào xoa dịu nỗi đau da cam mà các nạn nhân đang phải gánh chịu.

Lặng lẽ và khiêm nhường trong cuộc sống đời thường, cho đến bây giờ, ông Sơn vẫn đều đặn chắp nối thông tin của các nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh. Bản thân ông vẫn đau đáu ước mơ tiếp tục thực hiện chuyến đi xuyên Việt lần thứ ba, bởi ông hiểu: Cuộc đấu tranh này vẫn còn tiếp diễn, đòi hỏi mỗi người cần phải bền bỉ, kiên trì.

Bài, ảnh: Nguyễn Mạnh Dũng

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/11/11/11/166912/Default.aspx