“Ông tiên” trong bệnh viện

- Chào bố mẹ cháu bé! Cháu được mấy tháng tuổi rồi? Anh chị đưa cháu từ Nghệ An ra đây cơ à?

- Cháu được 7 tháng rồi ông ạ! Cháu sinh ở Nghệ An nhưng lại sống ngoài này - Chồng tôi đáp lời. - Cháu bé ngoan quá! Khi nào bé được 1 tuổi, bố mẹ đưa cháu đến khám và điều trị nhé! Lần sau anh chị cứ cầm tờ phiếu này đến thẳng đây… Lần đầu tiên đưa con đi khám ở khoa Phẫu thuật Nhi (Bệnh viện Việt Đức), tôi không khỏi ngạc nhiên và mến phục một “ông tiên” - có lẽ ông đã xấp xỉ 70 tuổi, nét mặt phúc hậu. Ông nói chuyện nhẹ nhàng, từ tốn và ân cần với bệnh nhân, khác hẳn những gì chúng tôi nghĩ trước khi đến bệnh viện. Lần thứ hai đưa con đến khám, tôi ngạc nhiên vì sau khi khám và điều trị cho cháu, chúng tôi không mất bất cứ một lệ phí nào. Ông bác sỹ già vẫn ân cần, niềm nở với chúng tôi, cũng như với bất cứ một ông bố, bà mẹ nào đưa con đến đây. Trước khi ra khỏi phòng khám, tôi hỏi lại chị nhân viên ghi tên bệnh nhân vào sổ: “Chị ơi, cháu bé nhà em đã khám và điều trị xong rồi. Em phải nộp tiền ở đâu?”, tôi mới hay vì có tấm phiếu thông hành lần trước đến khám và lời dặn dò của “ông tiên” mà tôi không phải đóng tiền. Có lẽ “ông tiên” nghĩ chúng tôi nghèo nên đã linh động tiền lệ phí lần này cho con tôi chăng? Một lần ông kê đơn thuốc cho con tôi, có 2 loại thuốc cho chúng tôi lựa chọn để tiêm cho con, người phụ tá cho ông ghi nhầm một chữ của tên thuốc khiến chúng tôi tìm thấy thuốc nhưng không dám mua. Tôi vào hỏi lại, ông rối rít xin lỗi và ghi lại cẩn thận, ông còn tư vấn thêm cho tôi nên mua loại thuốc nào, tốt mà giá tiền lại rẻ hơn loại kia tới một nửa. Lại một lần con tôi bị sốt virut, phải uống thuốc kháng sinh đúng vào đợt tiêm thuốc điều trị mà ông kê. Tôi lo lắng gọi điện đến bệnh viện để hỏi. Một chị nhân viên trực ở khoa Nhi trả lời luôn: “Không sao đâu, đã tiêm thì phải tiêm đúng ngày, nếu không thuốc không có tác dụng”. Nhưng rồi tôi thấy chị quay sang nói chuyện với ai đó, rồi mới ngập ngừng nói tiếp: “Xin lỗi chị, tôi xin truyền đạt lại ý kiến của PGS Bích. Nếu cháu bé chỉ dùng thuốc hạ sốt thông thường thì vẫn tiêm được, còn nếu dùng kháng sinh thì phải ngừng tiêm, đến khi nào hết dùng thuốc kháng sinh, chị cho cháu tiêm các mũi còn lại”. Nhiều lần đưa con đến khám và điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, tôi thường xuyên được tiếp xúc với “ông tiên”, mới thấy hết được sự nhiệt tình và trách nhiệm đối với bệnh nhân của ông - PGS.TS Trần Ngọc Bích, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh. Tôi từng có những ngại ngùng mỗi khi nghĩ đến bệnh viện và thầy thuốc thời nay, nhưng khi gặp PGS.TS Trần Ngọc Bích, tôi mới hiểu tấm lòng “lương y như từ mẫu” của ông. Phương Nguyên

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=55&newsid=180619