Ông Trump muốn xuống thang với Nga, nhưng...

Sau khi thể hiện quan điểm hạ nhiệt bằng cách trả lại các tài sản ngoại giao của Nga ở Mỹ, Washington tiếp tục căng thẳng.

Sputnik ngày 14/7 thông tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Mỹ đã từ chối cấp thị thực cho các nhà ngoại giao Nga sẽ thay thế 35 người bị trục xuất trước đó.

Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova

"Washington không những giữ nguyên quyết định trục xuất các nhân viên ngoại giao của chúng tôi, mà còn từ chối cấp thị thực cho những người buộc phải tới Mỹ để thay thế các nhà ngoại giao đã bị trục xuất" - bà Zakharova nêu rõ.

Việc Mỹ từ chối cấp thị thực cho các quan chức ngoại giao của Nga thay thế cho những người đã bị trục xuất hồi năm ngoái nằm trong chuỗi các trừng phạt mà Washington đang muốn nhằm vào các mối quan hệ ngoại giao với Nga.

Động thái này của Mỹ dường như đi ngược lại với quan điểm trước đó của Nhà Trắng khi cho rằng đang muốn tạo thêm "một cơ hội phát triển cho hợp tác Mỹ - Nga".

Phó Trợ lý Tổng thống Mỹ - ông Sebastjan Gorka trả lời phỏng vấn CNN cho rằng: "Thực tế là giữa hai bên không thể có triết lý hay cái nhìn chung về nền chính trị thế giới, nhưng đồng thời chúng tôi có những vấn đề cùng quan tâm... Chúng tôi muốn tạo một cơ hội phát triển quan hệ hợp tác Mỹ - Nga".

Trợ lý của ông Trump nhấn mạnh việc trả lại hai khu nhà ngoại ô của Nga ở New York và Maryland sẽ không phải vô điều kiện.

Một trong hai khu nhà ngoại giao của Nga bị Mỹ tịch thu hồi cuối năm 2016. Ảnh: RT

Ông cũng dẫn một số hành động "tỏ ý thiện chí" của Nga như thỏa thuận ngừng bắn ở Tây Nam Syria mà Nga và Mỹ cùng bảo trợ được đề cập tới bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 của Tổng thống 2 nước.

Có quan điểm cho rằng, Mỹ chỉ viện cớ hành động thiện chí của Nga trong thỏa thuận ngừng bắn để cải thiện quan hệ với Moscow sau khi phía Nga đe dọa trả đũa vụ trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga.

Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố "tức giận" với việc chính quyền ông Donald Trump đã ngó lơ vụ trục xuất trên theo lệnh của cựu Tổng thống Obama, dù liên tục thuyết phục dư luận cũng như giới tinh hoa trong nước sẽ cải thiện quan hệ với Nga.

Ông Lavrov đã thẳng thắn đề cập tới khả năng có thể đáp trả bằng cách có các hành động tương xứng với phía Mỹ. Phản ứng của ông Lavrov cũng có phần gay gắt khi rõ ràng, Nga đang ở thế bị động trước đòn trừng phạt từ Mỹ và bước đi tới phải cân nhắc để không đưa quan hệ hai nước xuống vực thẳm.

Nắm được tình hình, Mỹ đương nhiên sẽ không muốn phía Nga chịu nhiều bực bội hơn nữa và đưa Phó Trợ lý của Tổng thống Mỹ để "hạ nhiệt".

Tuy nhiên, động thái mới nhất từ Mỹ đã dập tắt tư duy lập luận này.

Washington dường như đang thách thức Moscow khi tiếp tục không cho nhân viên ngoại giao Nga nhập cảnh vào Mỹ.

Điều này thực ra cũng không hề mâu thuẫn khi Phó Trợ lý Tổng thống Trump chỉ nói xem xét lại việc trả lại các tài sản ngoại giao của Nga tại Mỹ chứ không đề cập tới việc có cho phép người Nga vào Mỹ hay không!

Và do vậy, nếu chỉ vì việc Mỹ "đang xem xét" bất cứ điều gì liên quan tới Nga, đó không hoàn toàn có nghĩa giới tinh hoa Mỹ lo sợ người Nga sẽ kích hoạt tình trạng "Chiến tranh Lạnh".

Thậm chí, ở Mỹ còn mong muốn có thể gây sức ép nữa và tìm cách tìm hiểu giới hạn chịu đựng của Nga.

Cuộc gặp ông Trump và tương lai Tổng thống Assad là "lụy" Nga?

Câu trả lời là Không. Mâu thuẫn nằm ở chỗ, người đứng đầu Hoa Kỳ không hề thể hiện thái độ hằn học với Nga.

Sau cuộc gặp mặt trực tiếp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói với các phóng viên rằng cuộc gặp đã diễn ra "rất tích cực", hai nhà lãnh đạo "kết nối với nhau rất nhanh", Tổng thống Trump có "cảm nhận tốt" về Tổng thống Putin trong cuộc gặp.

Ông Tillerson cho hay cả hai nhà lãnh đạo đều muốn mối quan hệ Nga - Mỹ tiến về phía trước sau bất đồng về việc nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Như vậy, giữa quan điểm của Tổng thống Mỹ và các bộ phận cấp dưới của ông không ăn khớp. Liệu có thế lực nào đứng sau tất cả các sắp đặt này để cho thấy rằng, việc Mỹ cải thiện với Nga là điều không thể chấp nhận?

Semen Bagdasarov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông và Trung Á cho rằng, có việc đấu đá các nhóm khác nhau trong chính quyền Mỹ khiến lời hứa cải thiện quan hệ tốt với Nga của ông Trump trở nên xa vời.

"Đang xảy ra tình trạng "đấu đá" giữa các phe nhóm. Có lẽ ai đó thực sự mong muốn điều đó, ví dụ như trong Bộ Ngoại giao. Trong Bộ Quốc phòng, rõ ràng, không muốn điều đó. Xu hướng khác nhau…" - ông Bagdasarov bình luận.

Giả dụ như với thỏa thuận ngừng bắn mới được thiết lập và được thực thi nghiêm túc ở miền Tây Nam Syria đang được lấy ra để làm cái cớ để Mỹ xem xét căng thẳng ngoại giao với Nga. Thỏa thuận này được đánh giá như một cái gật đầu của chính quyền ông Trump đối với tương lai không thể phủ nhận được của Tổng thống Syria phải là ông Bashar al-Assad.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ong-trump-muon-xuong-thang-voi-nga-nhung-3339166/