Ông Vũ Đình Duy ra nước ngoài: Quy trình kỷ luật nào?

Quy trình xử lý cán bộ luôn chặt chẽ. Trường hợp Vũ Đình Duy ra nước ngoài, không biết quy trình này đã được thực hiện đầy đủ chưa?

PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia chia sẻ với Đất Việt xung quanh việc kỷ luật buộc thôi việc ông Vũ Đình Duy của Bộ Công Thương.

PV: - Việc ông Vũ Đình Duy, nguyên TGĐ PV Tex ra nước ngoài chữa bệnh rồi không liên lạc được vẫn được dư luận hết sức quan tâm, đặc biệt khi dự án PVTex đang thuộc diện phải kiểm tra đặc biệt do đầu tư thua lỗ cả ngàn tỷ. Sau khi Bộ Công thương buộc thôi việc ông Duy theo đúng quy trình, ông Duy không còn nằm trong sự quản lý của Bộ Công Thương. Thưa ông, điều này có đồng nghĩa, không ai còn phải chịu trách nhiệm về việc ông Duy ra nước ngoài và không về hay không? Nếu vậy, phải bình luận như thế nào về cách xử lý đúng quy trình trong trường hợp này?

PGS.TS Nguyễn Hữu Tri: - Trường hợp ông Vũ Đình Duy nếu Bộ Công Thương ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc, có nghĩa là Bộ đã xóa tên cán bộ ra khỏi danh sách. Và đương nhiên cũng không thể truy tố ông Duy theo bất cứ cơ chế nào cả.

Trong quy định công chức, viên chức, nếu muốn xử lý cán bộ vi phạm thì trước hết phải có đối tượng. Tức là người đó tự kiểm điểm rồi sau đó cơ quan chủ quản đưa ra Hội đồng gồm nhiều thành phần. Nếu có những tổn thất về mặt tài chính thì phải có sự đánh giá của kiểm toán. Trên cơ sở đó mới quy trách nhiệm và đề xuất các hướng để giải quyết với các hình thức kỷ luật như: khiển trách, cảnh cáo, hạ chức hoặc cho thôi việc.

Nhiều vấn đề được chỉ ra sau việc kỷ luật Vũ Đình Duy

Việc này phải theo quy trình. Ông Duy hiện nay đã bỏ trốn đi ra nước ngoài và Bộ không thể liên lạc được. Bộ Công Thương sau đó đưa ra thông báo đuổi do ông Duy vì vi phạm nghiêm trọng kỷ luật lao động và vi phạm quy định về quản lý đoàn đi nước ngoài. Trong trường hợp này, tôi không rõ cơ quan nhà nước đã thực hiện đầy đủ tất cả những thủ tục đó hay chưa?

Ông Vũ Đình Duy ra nước ngoài: Kỷ luật quá nhanh?

Bản thân tôi thấy rằng, Bộ Công Thương quyết định như vậy là chưa hợp lý, chủ yếu để không muốn chịu trách nhiệm và muốn khép việc này lại khi ông Duy đã đi ra nước ngoài.

Tuy nhiên hiện nay dự án PVTex thời kỳ ông này làm Tổng Giám đốc trước đó đang thuộc diện phải kiểm tra đặc biệt do đầu tư thua lỗ cả ngàn tỷ. Hệ lụy đưa đến mức độ này thì khó có thể truy trách nhiệm cụ thể và cuối cùng tổn thất thì nhà nước và xã hội thì phải chịu.

PV: - Từ trường hợp của ông Vũ Đình Duy có thể thấy lỗ hổng nào trong công tác quản lý cán bộ của chúng ta hiện nay, từ việc quản lý cán bộ xuất ngoại, cho đến việc cho buộc thôi việc khi không liên lạc được và không còn chịu trách nhiệm quản lý cán bộ đó nữa? Trong trường hợp của ông Vũ Đình Duy, theo ông, thay vì buộc thôi việc theo đúng quy trình, Bộ Công thương nên có cách hành xử như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Hữu Tri: - Việc xử lý ông Vũ Đình Duy khó vì cơ quan nhà nước chỉ phát hiện sau khi sự việc đã xảy ra.

Nhìn ngược trở lại vấn đề, vừa rồi Bộ Công Thương mới đưa ra 1 quy định mới, đó là tất cả những người cán bộ, công chức thuộc diện quản lý muốn đi nước ngoài, muốn được nghỉ phép thì cơ quan có thẩm quyền phải cho phép. Điều đó cho thấy chúng ta có những lỗ hổng trong quản lý cán bộ, công chức nhà nước.

Vừa qua, các trường hợp bỏ trốn như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy thường đi ra nước ngoài theo góc độ công dân. Trong cơ chế mở, hội nhập như hiện nay việc quản lý, giám sát lại càng rất khó.

Để xảy ra điều này là do Luật pháp Việt Nam còn nhiều kẽ hở.

Thứ nhất, chưa có quy định rõ ràng trường hợp khi nào cán bộ không được đi ra nước ngoài, bị hạn chế xuất cảnh.

Thứ hai, thủ tục xuất nhập cảnh cũng khá đơn giản, chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan với nhau. Nếu cán bộ viên chức, nhà nước nếu không vi phạm kỷ luật, không bị hạn chế đi lại thì hoàn toàn có quyền đi lại tự do, đi du lịch và có thể làm những công việc khác.

Bây giờ khi người vi phạm kỷ luật đã xuất cảnh rồi thì rất khó có thể tìm. Bởi lẽ mỗi nước có một Luật pháp riêng nên không phải chúng ta dễ gì đến bắt giữ những cán bộ vi phạm bỏ trốn. Trường hợp Vũ Đình Duy khi đã quyết định kỷ luật buộc thôi việc sau này thì khó có thể xử lý trách nhiệm với người vi phạm. Đáng lẽ Bộ Công Thương cần phải thận trọng và xem xét cụ thể hơn.

Ở Việt Nam mọi người thường nhắc đến 12 trường hợp “hạ cánh an toàn”. Tức là khi đương chức có dấu hiệu vơ vét, tham ô tài sản lớn nhưng khi bị phát hiện đã già cả và hi sinh bản thân để con cái, gia đình được hưởng. Và cuối cùng người dân và nhà nước phải chịu trách nhiệm.

Nói rộng ra hơn, việc xử lý cán bộ thời gian qua gặp nhiều khó khăn do chúng ta đang vướng cả về thể chế, cơ chế và năng lực của bộ máy quản lý.

Thứ nhất, những quy định của chúng ta chung chung, không rõ ràng. Ví dụ: phân công thường vụ tỉnh ủy, Thứ trưởng trở lên là do Ban Tổ chức Trung ương quản lý. Thế nhưng công việc hoạt động lại nằm ở bên chính quyền. Cho nên nhiều việc Trung ương không thể can thiệp cũng như không thể biết được chuyện vi phạm.

Thứ hai, vướng cơ chế về xử lý. Giải quyết 1 vấn đề gì đó rất chậm, tốn nhiều thời gian, tốn kém chi phí. Chúng ta chưa thống nhất vấn đề chính quyền, Đảng với vấn đề các cơ chế quy định.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ong-vu-dinh-duy-ra-nuoc-ngoai-quy-trinh-ky-luat-nao-3326614/