OPEC - Nga bắt tay, giá dầu tăng nhưng khó bền

Việc giá dầu tăng sau thỏa thuận giữa OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) và Nga về việc cắt giảm sản lượng rất có thể chỉ duy trì trong thời gian ngắn vì sẽ làm tăng nguồn cung từ các kho dự trữ và từ Mỹ, các nhà buôn châu Á nhận định.

Dù không phải thành viên OPEC, Nga cũng bắt tay với tổ chức này để giảm sản lượng dầu mỏ lần đầu tiên trong 15 năm qua. Ảnh: PressTV

Hôm qua, giá dầu leo lên mức cao nhất trong 6 tuần sau khi OPEC đồng ý giảm sản lượng. Hai năm qua, giá dầu giảm hơn một nửa. Dù không phải thành viên OPEC, Nga cũng bắt tay với tổ chức này để giảm sản lượng lần đầu tiên trong 15 năm qua.

Giá dầu thô Mỹ CLc1 đã tăng 9% lên mức 50 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ tháng 10. Dầu Brent LCOc1 tăng thêm 4 USD/thùng chỉ sau 1 đêm, lên mức 52,73 USD/thùng, cao nhất trong 6 tuần qua. Tuy nhiên, đại diện nhiều hãng buôn dầu cho rằng, ngay cả khi nguồn cung không tăng do OPEC và Nga sẽ giảm 1,5 triệu thùng/ngày như vừa cam kết, mức giảm này không đủ sâu để khôi phục mức giá vào giữa năm 2014.

“Mức giảm của OPEC sẽ được bù đắp phần nhiều bằng việc tăng sản lượng ở Mỹ, nơi số lượng giàn khoan đang nhiều thêm”, ông A K Sharma, Giám đốc tài chính Tập đoàn Dầu mỏ Ấn Độ, nhận định. “Dư thừa nguồn cung dầu sẽ vẫn tồn tại trên thị trường. Nếu có tác động gì cũng chỉ trong ngắn hạn”, Reuters dẫn lời ông Sharma.

Giá dầu cao hơn và chi phí sản xuất thấp hơn đang khuyến khích các nhà khai thác dầu đá phiến tăng sản lượng, trong khi Kazakhstan bắt đầu khai thác mỏ dầu Kashagan từ tháng 10.

Các nhà buôn dầu cho rằng, mức độ ảnh hưởng của thỏa thuận lần này giữa OPEC và Nga cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ thay đổi sản lượng xuất khẩu từ Ảrập Xêút và các thành viên OPEC khác. Thông thường, các nhà sản xuất cũng có thể giảm lượng xuất khẩu dựa trên mức dao động cho phép, một điều khoản trong hợp đồng cho phép bên mua hoặc bên bán tăng hoặc giảm khối lượng lên đến 10%, các chuyên gia trong ngành cho biết.

Thỏa thuận của OPEC sẽ “tạo ra động lực tăng giá nhưng không thể so sánh với mức độ cắt giảm sâu như năm 2008”, một thương nhân dầu từ Singapore nói, nhắc lại mức cắt giảm 4,2 triệu thùng/ngày năm 2008. Cắt giảm sản lượng hồi đầu năm cũng được coi là phản ứng bình thường vì từ tháng 2 tới tháng 3 là mùa giảm tiêu thụ và khi đó các nhà máy lọc dầu ở châu Á thường nghỉ để bảo dưỡng, thương nhân này phân tích. Giới buôn dầu cũng cho rằng, giá dầu tăng sẽ khiến nguồn cung dầu từ các kho dự trữ tăng cường bán ra.

Giá dầu đắt hơn trong các tháng tới trên thị trường bù hoãn mua sẽ khuyến khích giới buôn dầu dự trữ mặt hàng này. Dầu thô Trung Đông tiêu chuẩn Dubai cũng có thể sẽ thu hẹp khoảng cách về giá so với dầu Brent, khiến các nhà máy lọc dầu ở châu Á tăng mua dầu từ khu vực Đại Tây Dương và Mỹ, các thương nhân dự đoán.

Các hãng lọc dầu ở châu Á lo ngại việc giá dầu tăng cao sẽ làm giảm lượng cầu và lợi nhuận hơn là việc OPEC cắt giảm sản lượng, vì họ có thể tìm nguồn cung khác. Ví dụ, những nhà máy dọc dầu độc lập của Trung Quốc thường mua dầu từ Nam Mỹ và Tây Phi. OPEC giảm sản lượng chủ yếu xuất phát từ Ảrập Xêút và các đồng minh Trung Đông của họ như Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và Kuwait, những nước mà các hãng lọc dầu Trung Quốc ít nhập, nên tác động sẽ nhỏ, ông Zhang Liucheng, Phó chủ tịch Tập đoàn Hóa dầu Dongming, hãng lọc dầu lớn nhất ở Trung Quốc, cho biết. Đối với bất kỳ động thái tăng giá dầu đáng kể nào, “việc có tác động đến nhu cầu dầu mỏ của các hãng lọc dầu Trung Quốc hay không chúng tôi sẽ cần quan sát lượng cầu trong nước đối với nhiên liệu tinh chế. Lượng cầu này hiện không lớn và tăng chậm hơn”, ông Zhang nói.

Một phát ngôn viên của GS Caltex, hãng lọc dầu lớn thứ hai ở Hàn Quốc, cho biết: “Chúng tôi quan tâm đến khoảng cách giữa giá dầu thô và các sản phẩm xăng dầu hơn là giá dầu thô tăng… Chúng tôi phải quan sát xem quyết định của OPEC sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ dầu như thế nào”.

Gia Tùng

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/the-gioi/opec-nga-bat-tay-gia-dau-tang-nhung-kho-ben-1079712.tpo