Osama bin Laden đến Mỹ làm gì?

Chuyện Osama bin Laden đến Mỹ đã được Steve Coll, một cây bút lão luyện của tờ The New Yorker, từng nêu ra hồi tháng 12-2005. Lúc đó, Coll cũng chưa chắc lắm vì nghe qua lời kể của một đồng nghiệp người Ả Rập Saudi tự xưng là hàng xóm và là bạn thân của Osama thời trai trẻ. Nay câu chuyện này đã được xác nhận trong cuốn hồi ký của bà Najwa sẽ được phát hành cuối tháng này

Vào mùa thu năm 2005, Steve Coll, một trong các nhà báo được coi là thông thạo tin tức ở Trung Đông nhất, gặp nhà báo Khalid Batarfi trong một lần đi thực tế ở Ả Rập Saudi để viết cuốn Dòng họ Bin Laden: Một gia đình Ả Rập trong thế kỷ Mỹ. Được Coll phỏng vấn, Batarfi cho biết Osama bin Laden chỉ có 3 lần xuất ngoại đến London, châu Phi và Mỹ. Điều này cho thấy hồi còn trẻ, Osama từng tiếp xúc trực tiếp với người phương Tây chứ không phải chẳng biết gì như nhiều người tưởng. Theo Batarfi, chuyến đi Mỹ của Osama diễn ra trước khi quân đội Liên Xô tiến vào Afghanistan không bao lâu, tức vào năm 1979. Nhưng vì mọi tài liệu về xuất nhập cảnh của cơ quan hải quan và di trú của Mỹ lúc đó đã bị hủy nên Coll không chắc Osama có đến Mỹ hay không. Vẫn theo Batarfi, lý do đi Mỹ của Osama là sức khỏe của Abdullah, con trai đầu của Osama, có vấn đề cần chữa trị. Tuy nhiên, Batarfi không biết rõ Abdullah mắc bệnh gì và được chữa trị ở đâu. Chỉ biết rằng Osama có ghé qua thành phố Los Angeles và bang Indiana khoảng hai tuần. Không ghét, không ưa Những gì Coll kể lại qua miệng nhà báo Batarfi nói trên, nay đã được bà Najwa, vợ lớn của Osama, xác nhận trong quyển hồi ký Growing up bin Laden viết chung với Omar, con trai thứ tư trong số 11 người con của bà Najwa. Bà viết: “Một buổi chiều nọ, Osama về nhà đưa ra một thông báo bất ngờ: “Najwa, chúng ta sẽ đi du lịch ở Mỹ. Tất cả mấy đứa con trai sẽ đi cùng chúng ta”. Nói thật tình tôi bị sốc... Tôi đang có thai, lúc nào cũng lu bu với hai đứa con nhỏ. Tôi không nhớ lắm tất cả những chi tiết của chuyến đi ấy. Chỉ biết rằng sau khi quá cảnh London chúng tôi đến một nơi mà tôi chưa từng nghe qua, một bang gì đó gọi là Indiana. Osama nói với tôi rằng ông ấy hẹn gặp một người tên Abdullah Azzam. Tôi rất lo lắng cho Abdul Rahman vì nó đổ bệnh trong chuyến đi, bị sốt cao. Osama sắp xếp cho chúng tôi đến gặp một bác sĩ ở Indianapolis. Tôi bớt lo sau khi ông bác sĩ tốt bụng cam đoan với tôi rằng Abdul Rahman sẽ chóng khỏi bệnh (...). Hamza bin Laden (giữa), con trai út của Osama. Có tin Hamza được chọn làm người thừa kế Osama. Ảnh: The Sun Đôi khi người ta hỏi tôi có ý kiến gì về đất nước và nhân dân Mỹ. Thật khó trả lời. Chúng tôi chỉ ở bên đó hai tuần lễ, trong đó có một tuần Osama đi Los Angeles một mình để gặp một số người ở thành phố ấy. Tôi và mấy đứa con trai ở nhà một người bạn gái, mà tôi không tiện nêu tên, ở Indiana. Cô bạn gái của tôi rất nhân từ. Cô ấy đưa chúng tôi đi chơi mấy nơi... Theo tôi, người Mỹ lịch sự và tử tế, tiếp xúc với họ không khó. Chồng tôi và tôi không ghét mà cũng chẳng ưa nước Mỹ. Có một sự kiện làm cho tôi nghĩ rằng một số người Mỹ chẳng quan tâm gì đến các nền văn hóa khác. Khi chúng tôi rời nước Mỹ, Osama và tôi cùng với hai đứa trẻ ngồi chờ ở cổng đi sân bay Indiana. Tôi ngồi yên trên ghế, thư thả nhờ hai đứa trẻ rất ngoan, không quậy phá. Tôi thấy một người đàn ông Mỹ trố mắt nhìn vào tôi một cách ngờ nghệch. Không cần hỏi tôi cũng biết chiếc áo chùng đen Ả Rập Saudi của tôi đã gây sự chú ý không thân thiện của ông ta. Tôi lén nhìn sang Osama, thấy anh ấy chăm chú điều nghiên người đàn ông tò mò kia. Tôi biết chồng tôi không bao giờ để người đàn ông đó đến gần tôi. Khi Osama thảo luận với tôi về sự kiện đó, chúng tôi chỉ thấy buồn cười chứ không có cảm giác bị xúc phạm. Thái độ của người đàn ông đó khiến chúng tôi cười thầm vì rõ ràng ông ta không biết gì về phong tục của phụ nữ Ả Rập phải che mặt khi ra khỏi nhà”. Nhà báo Batarfi cũng có đề cập sự kiện nói trên trong bài phỏng vấn của Steve Coll. Batarfi cho biết thêm (theo lời Osama kể lại với ông) không chỉ có một người mà có khá nhiều người trố mắt nhìn chiếc áo dài abaya và chiếc khăn hijab trùm cả đầu và mặt mũi bà Najwa. Một số người còn lấy máy ảnh chụp. Khi trở về Jedda, thành phố quê hương của Osama ở Ả Rập Saudi, Osama bảo với mọi người rằng trải nghiệm đó “giống như một màn trình diễn trên sân khấu”. Cũng giống như bà Najwa tường thuật trong sách, Batarfi nói Osama “cảm thấy buồn cười” chứ không hề cảm thấy cay đắng. “Chiến sĩ tự do” Thật sự mà nói Osama lúc đó đến Mỹ làm gì đến nay cũng không rõ. Người có tên Abdullah Azzam mà Osama hẹn gặp ở Los Angeles là một người Palestine có biệt danh là “giáo sĩ chiến binh” Hồi giáo chủ trương “không thương lượng, không hội họp, không đối thoại, chỉ có thánh chiến và cây súng”. Theo nhận định của Steve Coll, chuyến đi Mỹ đã ảnh hưởng ít nhiều đến quyết định của Osama đến Afghanistan, gia nhập các lực lượng chống Hồng quân Liên Xô. Điều trớ trêu là CIA (Cục tình báo Trung ương Mỹ) lúc đó ủng hộ các lực lượng chống Liên Xô - trong đó có lực lượng do Osama bin Laden cầm đầu - bằng cách cung cấp tài chính và vũ khí. Tổng thống Mỹ Ronald Reagan thậm chí còn ca ngợi các chiến binh Hồi giáo của Osama là “chiến sĩ tự do”. Abdul Kahman còn gọi là Abdullah bin Laden, con trai lớn của Osama, năm 2005 vẫn còn ở Jedda làm chủ một công ty quảng cáo và quan hệ công chúng. Steve Coll từng liên lạc nhiều lần với anh ta nhưng lần nào Abdullah cũng từ chối trả lời phỏng vấn. Trước đó, năm 2001, Abdullah tuyên bố trên một tờ báo Ả rập xuất bản ở London rằng khi theo cha sống lưu vong ở Afghanistan anh không muốn sống một cuộc sống không có tương lai. Abdullah xin cha trở về Ả Rập Saudi và được Osama đồng ý.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/2009102112429658p0c1006/osama-bin-laden-den-my-lam-gi.htm