Ôtô kiểu sedan truyền thống đi đến hồi kết?

Không phải tức thì nhưng sự trỗi dậy của SUV, bán tải khiến dòng sedan mất dần chỗ đứng trong ngành công nghiệp xe hơi.

Sedan không còn là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Ảnh:Autobytel.

Trong vòng bốn năm qua, phân khúc xe thể thao đa dụng (SUV/Crossover) và bán tải là địa hạt chứng kiến sự chạy đua của các hãng xe, từ bình dân đến cao cấp. Điều đó phần nào phản ánh thực tế ôtô kiểu sedan truyền thống mất dần sức hút đối với người tiêu dùng, nhường chỗ cho các mẫu xe gầm cao, khoang hành lý rộng rãi hơn.

Sedan trải qua một chặng đường hơn hai thập kỷ kể từ những năm cuối 1980 giữ vị thế độc tôn, là lựa chọn yêu thích của người tiêu dùng. Thiết kế ba khoang tách biệt: động cơ, hành khách, hành lý cùng kiểu dáng nhỏ gọn, di chuyển nhẹ nhàng trên phố không còn là điểm mạnh của riêng sedan.

Xe đa dụng có thể xem là bản phóng lớn của hatchback, trong nhiều năm qua giành được sự ưu ái đầu tư của các hãng xe. Nhiều công nghệ hiện đại hơn, thiết kế trau chuốt và bay bổng hơn giúp SUV phá bỏ kiểu tư duy thông thường về một chiếc xe nặng nề, thực dụng và hướng đến nhu cầu chở khách hơn là tận hưởng như sedan.

Để minh họa cho xu hướng chuyển trọng tâm đầu tư của các hãng xe từ sedan sang xe đa dụng, không khó kể ra một vài trong số đó.

Trong 2017, cùng với việc gia nhập liên minh Renault-Nissan, Mitsubishi cho biết sẽ tập trung đầu tư vào phân mảng SUV/Crossover sau khi khai tử dòng sedan Lancer. Ford cho thấy sự sốt sắng của mình khi đặt mục tiêu có 13 mẫu SUV/Crossover trước thời điểm 2020.

Các hãng xe cao cấp cũng không ngoại lệ. Rolls-Royce đang phát triển một mẫu SUV cạnh tranh Bentley Bentayga. BMW xác nhận sản xuất X7, thành viên mới và sang trọng hàng đầu trong gia đình xe đa dụng của thương hiệu Đức với quyết tâm lấy lại ngôi vương từ Mercedes. Xét trong danh mục sản phẩm của các hãng xe sang, chỉ riêng Cadillac có nhiều mẫu sedan hơn SUV.

Thống kê của Kelley Blue Book về tăng trưởng của dòng xe SUV/Crossover từ 2007 đến nửa đầu 2016.

Nhiều ý kiến so sánh SUV có những trang bị và cảm giác lái như sedan. Trong khi điều ngược lại hiếm khi xuất hiện. Công nghệ hiện đại cho phép xe đa dụng mang trong mình những điểm mạnh của sedan về sự êm ái, linh hoạt. Nhưng đồng thời kích thước lớn của SUV đem đến cho hành khách một trải nghiệm mới mẻ.

"Người tiêu dùng cần điều gì đó khác biệt. Và với SUV, họ có chút khác biệt đó so với những gì đã từng cầm lái trước đây", Jessica Caldwell, người đứng đầu bộ phận phân tích dữ liệu tại Edmunds cho biết.

Trong việc đi tìm nguyên nhân để lý giải cho sự thất sủng của sedan trong thị hiếu người tiêu dùng, Alex Oagana, biên tập viên của Autoevolution thậm chí còn đưa ra một quan điểm cực đoan hơn. "Phần lớn những chiếc sedan truyền thống không có cần gạt nước phía sau. Điều này cũng có thể là nguyên nhân khiến khách hàng quay lưng và chọn SUV".

SUV/Crossover cung cấp cho người lái tư thế ngồi cao, dễ quan sát, không gian chứa người và hành lý vượt trội hơn nhiều sedan. Trong nỗ lực theo kịp quy định khí thải ngày càng bị siết chặt từ chính phủ các nước, những mẫu xe đa dụng giờ đây có mức tiêu hao nhiên liệu gần tương đương xe cỡ nhỏ. Mức giá cũng rẻ hơn so với những năm trước.

Xu hướng bùng nổ nhu cầu ở phân khúc xe đa dụng khởi phát từ những năm đầu 2010 và còn phát triển, không chỉ dừng lại ở mức "hiện tượng". Điều đó đồng nghĩa với thị phần sedan nói riêng hoặc ôtô cỡ nhỏ nói chung dần thu hẹp. Nhưng các hãng xe cũng không cố gắng để thay đổi cục diện ấy.

"SUV/Crossover có tỷ suất sinh lợi nhuận cao hơn so với ôtô cỡ nhỏ", Karl Brauer, chuyên gia phân tích tại Kelley Blue Book nêu quan điểm. Các hãng xe có thể nâng giá bán những mẫu xe gầm cao cỡ lớn bằng cách gia tăng kích thước và trang bị.

"Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng từ xe hơi truyền thống sang SUV", Brauer nói. "Thật khó để hình dung điều đó có thể thay đổi vào lúc này".

Theo Vnexpress

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/cuoc-song/oto-kieu-sedan-truyen-thong-di-den-hoi-ket-183024.html