PAN và áp lực 'làm nông nghiệp không được nghĩ nhiều đến lợi nhuận''

Chia sẻ với ĐTCK, Chủ tịch HĐQT The Pan Group ông Nguyễn Duy Hưng cho biết, sau 5 năm đầu tư vào nông nghiệp, tổng giá trị giải ngân của ông chưa đến 100 triệu USD. Ông cho rằng, đầu tư nông nghiệp là việc của những người không nghĩ nhiều đến lợi nhuận.

Năm 2015 là một năm thành công của CTCP Xuyên Thái Bình khi chính thức đổi tên thành CTCP Tập đoàn PAN (The Pan Group), ra mắt nhận diện thương hiệu mới, đồng thời đã phát hành riêng lẻ thành công 21,5 triệu cổ phiếu cho các tên tuổi lớn như IFC (thành viên của nhóm Ngân hàng thế giới), GIC (Tổ chức đầu tư của Chính phủ Singapore), Quỹ TAEL và Mutual Fund Elite với giá 35.000 đồng/CP; chưa kể việc chào bán ra công chúng 16,6 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/CP, tỷ lệ 5:1. Vốn điều lệ của PAN trong năm qua đã tăng từ 616 tỷ đồng lên 1.008 tỷ đồng.

Sơ đồ các công ty con của The Pan Group

Trong năm 2015, PAN đã tăng vốn điều lệ tại công ty con PAN Food từ 100 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, nâng tỷ lệ đầu tư tài chính dài hạn vào công ty con từ 980 tỷ đồng đầu năm 2015 lên 1.968 tỷ đồng vào cuối năm. Công ty này cũng đã chuyển nhượng toàn bộ sở hữu (62,4%) tại CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT) và CTCP Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (LAF) sang cho công ty con là PAN Food và tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Giống cây trồng Trung ương từ 56,7% lên 75%. Tuy xuất hiện thông tin PAN sẽ bán cổ phần tại Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Xuyên Thái Bình cho đối tác Nhật để tập trung hoàn toàn vào mảng nông nghiệp nhưng ở thời điểm cuối năm 2015, khoản đầu tư này vẫn giữ nguyên và đóng góp 2,6 tỷ đồng doanh thu cho Công ty mẹ.

Sự ra đi của CEO ngoại

Cuối năm vừa qua, thị trường không khỏi bất ngờ khi CEO ngoại của PAN là ông Michael Louis Rosen đã từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc và ông Nguyễn Văn Khải, người cũ của PAN được bổ nhiệm chức vụ Quyền Tổng giám đốc. Ông Khải đã theo sát PAN từ những ngày đầu thành lập và hiện đang giữ chức Chủ tịch HĐQT của LAF và Phó chủ tịch HĐQT ABT.

Trong khi đó, ông Michael Louis Rosen sau khi rời PAN vừa trở thành thành viên HĐQT của CTCP Đầu tư và sản xuất Thống Nhất (GTN), một công ty hiện cũng mới chuyển sang ngành nông nghiệp khi mua cổ phần của Tổng công ty Chè Việt Nam.

Kết quả kinh doanh vượt trội của các công ty con

Tại thời điểm ngày 2/2/2016, PAN chưa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất. Theo báo cáo kết quả kinh doanh trong quý IV/2015, doanh thu Công ty chỉ đạt 551 triệu đồng do các hoạt động đã chuyển hết sang các công ty con, lợi nhuận sau thuế đạt 5,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước đó. Tuy nhiên, lũy kế cả năm Công ty mẹ lãi 105 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2014.

Kết quả kinh doanh của các công ty con sẽ được tính vào báo cáo hợp nhất, đối với CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre, doanh thu năm 2015 của ABT đạt 472 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng so với năm trước đó; lợi nhuận sau thuế đạt 67,48 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2014, EPS đạt 5.206 đồng/CP, hoàn thành hơn 89% kế hoạch cả năm. Theo chia sẻ của nội bộ Công ty, mặc dù năm qua ngành cá tra nói riêng và thủy sản nói chung gặp nhiều khó khăn, ABT vẫn lãi 62% và chia cổ tức 52% trên vốn điều lệ.

Đối với CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC), hiện công ty này mới có số liệu kết quả hoạt động công ty mẹ với doanh thu đạt 772,94 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước đó, lợi nhuận sau thuế đạt 156,38 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2014 và vượt 4% kế hoạch cả năm, EPS năm 2015 của công ty mẹ NSC đạt 10.225 đồng/CP. Do NSC là công ty con của PAN nên kết quả kinh doanh của NSC sẽ được hạch toán toàn bộ trên báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất của PAN.

Với CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco - mã CK: LAF), lợi nhuận quý IV/2015 của LAF tăng vọt lên 16,35 tỷ đồng; gấp 18 lần cùng kỳ năm 2014 nhờ doanh thu thuần tăng 44% và doanh thu tài chính đột biến tăng 300%. Cả năm lợi nhuận sau thuế của LAF đạt 24,4 tỷ đồng, gấp đôi năm trước đó.

Hiện Bibica chưa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2015. Tuy nhiên, với kết quả khả quan của các công ty con kể trên, các nhà đầu tư kỳ vọng kết quả hợp nhất của PAN sẽ khởi sắc trong năm 2015.

Tìm cách tiêu tiền: Quá khó

Chia sẻ với ĐTCK, Chủ tịch HĐQT The Pan Group ông Nguyễn Duy Hưng cho biết, sau 5 năm đầu tư vào nông nghiệp, tổng giá trị giải ngân của ông chưa đến 100 triệu USD. Ông cho rằng, đầu tư nông nghiệp là việc của những người không nghĩ nhiều đến lợi nhuận. Đây thực sự là một ý niệm trái ngược hoàn toàn với những người làm doanh nhân vì đã kinh doanh, việc đầu tiên quan tâm là lợi nhuận.

Ông Hưng thừa nhận việc thu hút vốn vào nông nghiệp đã khó, nhưng việc giải ngân một lượng tiền lớn vào nông nghiệp một cách hiệu quả còn khó hơn rất nhiều. Những nhà đầu tư bỏ hàng triệu USD đầu tư nông nghiệp tại Việt Nam phần lớn đều đã kinh doanh thành công tại các ngành khác và lợi nhuận của các ngành này rất lớn, nhưng để đầu tư 50 triệu USD vào ngành trồng trọt không dễ. Mục tiêu của PAN trong giai đoạn này là thực niện sứ mệnh tạo ra một thương hiệu về thực phẩm an toàn, chứ không phát triển tràn lan. Ông Hưng cho biết, nhóm cổ đông lớn của PAN Group như FC, GIC đều mong muốn và hỗ trợ hướng đi này.

Năm vừa qua, PAN Group ra mắt thương hiệu gạo Ban Mai, nhưng người tiêu dùng hầu như không thấy mặt hàng này xuất hiện trên kệ siêu thị mà chủ yếu mua qua các kênh bán hàng online. Ông Hưng cho biết, mùa đầu tiên PAN sản xuất 1.000 tấn gạo và đã tiêu thụ hết, mùa này sẽ thu hoạch khoảng 4.000 - 5.000 tấn và bắt đầu quảng cáo rộng rãi

Nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên phải bắt nguồn từ giống và đó là lí do PAN đầu tư lớn vào NSC.

Luôn mong muốn thực hiện đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên ông Hưng cho rằng việc đầu tư nông nghiệp công nghệ cao không chỉ là việc trồng cây trong nhà kính. Nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên phải bắt nguồn từ giống và đó là lí do ông đầu tư lớn vào NSC. Nếu không có giống tốt thì không thể có sản phẩm chất lượng cao, với thương hiệu Việt Nam. Thứ hai là kỹ thuật canh tác, bí quyết canh tác và phương tiện để quản lý bí quyết đó (công nghệ, phần mềm quản lý trang trại). Hậu canh tác là kỹ thuật chế biến và bảo quản; cuối cùng là hệ thống phân phối. Chỉ khi làm được 4 điều này, sản phẩm mới đến tay người tiêu dùng và tất cả xuất phát từ nhu cầu của thị trường.

"Đặt trong bối cảnh thị trường Việt Nam, việc đầu tư nông nghiệp công nghệ cao phải đi kèm với xuất khẩu, nếu không nông dân sẽ không được gì. Tại Israel hay Nhật Bản, chỉ có 5% dân số làm nông nghiệp nhưng sản lượng của họ đủ phục vụ cho cả nước, thậm chí xuất khẩu. Trong khi ở nước ta, lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp lên tới hơn 70%. Năng suất lao động trong ngành nông nghiệp của Việt Nam hiện cũng chỉ đạt 1/10 thậm chí 1/50 nước bạn, nên nông nghiệp nước nhà còn rất nhiều việc phải làm. Đối với người nông dân, để đảm bảo đúng quy trình sản xuất sạch, PAN Group cần cam kết việc phân chia lợi nhuận trong chuỗi cung ứng. Trước đây có sự phân chia lợi nhuận bất hợp lý giữa người sản xuất (được ít) và người phân phối (được nhiều), nhưng hiện tại, nhờ chu trình khép kín nên PAN có thể điều phối được biên lợi nhuận cho các chuỗi, giải quyết được bài toán lợi ích giữa các bên", ông Hưng cho biết.

Bên cạnh đó, ông Hưng kỳ vọng việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết sẽ mở rộng cánh cửa đối với thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam, đồng thời các công ty nội địa phải nâng cao sức cạnh tranh để đứng vững trên sân nhà.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/pan-va-ap-luc-lam-nong-nghiep-khong-duoc-nghi-nhieu-den-loi-nhuan--20160203095922260p4c147.news