PGS.TS Tôn Thất Đại: Nên ngừng phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực nếu không sẽ sụp đổ cả tòa nhà

PGS.TS Tôn Thất Đại cho biết, trong xây dựng, phá bỏ cột và dầm biên chịu lực của ngôi nhà là vô cùng nguy hiểm, nếu can thiệp vào bộ xương dễ dẫn tới sự sụp đổ của cả tòa nhà.

Mới đây, Tập đoàn Phương Bắc, đơn vị được UBND thành phố Hà Nội giao cho cắt ngọn tòa nhà 8B Lê Trực vừa có công văn đề nghị dừng thi công phá dỡ giai đoạn 2 vì lo sợ nguy cơ mất an toàn cho cả tòa nhà.

Tập đoàn này đã hoàn thành việc tháo dỡ ở giai đoạn 1 (cắt tầng 19) theo đúng tiến độ. Tuy nhiên, khi chuẩn bị bước sang giai đoạn 2 (phá dỡ phần giật cấp của tòa nhà) đơn vị này đã nhận thấy những rủi ro trong thi công.

Tập đoàn này đã có công văn đề nghị đơn vị thiết kế tòa nhà là công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn 2, đồng thời xin sự đánh giá của các chuyên gia ngành xây dựng về kết cấu và kiến trúc của tòa nhà.

PGS.TS Tôn Thất Đại - Giảng viên trường ĐH Xây Dựng Hà Nội

Về vấn đề này, PV VTC News đã phỏng vấn PGS.TS, Kiến trúc sư Tôn Thất Đại, Giảng viên trường ĐH Xây Dựng Hà Nội.

Trên quan điểm của một kiến trúc sư đã từng tham gia vào thiết kế, tôn tạo nhiều công trình kiến trúc lớn như Sân bay Nội Bài, Quảng trường Ba Đình… PGS.TS Tôn Thất Đại đã đưa ra nhận định cá nhân của mình về vấn đề đang được nhiều người quan tâm.

- Là một chuyên gia về kiến trúc, ông có chia sẻ gì với khó khăn mà đơn vị tháo dỡ công trình 8B Lê Trực đang gặp phải?

Theo tôi được biết, tòa nhà 8B Lê Trực được cấp phép xây dựng với độ cao 53m. Thế nhưng, khi xây dựng lại đẩy lên 69m, tức là vượt 16m (tương đương với 5 tầng) so với thiết kế duyệt ban đầu. Hiện nay, đơn vị thi công cắt gọt sai phạm với chỉ hoàn thành việc cắt một tầng của nhà. Tức là, nếu tính về chiều cao vẫn phải tiếp tục cắt gọt đi 4 tầng nữa.

(Theo tìm hiểu của PV, Qui hoạch chi tiết 1/500 tại quyết định số 2542/QĐ-UBND ngày 5/12/2008 của UBND TP Hà Nội cho phép xây dựng 20 tầng và công trình cao 70m-PV).

Tuy nhiên, do tính chất phức tạp về kiến trúc và kết cấu của tòa nhà nên việc đưa ra biện pháp phá dỡ giai đoạn 2 rất khó khăn. Cụ thể, phá dỡ phần giật cấp của tòa nhà sẽ phải bỏ hầu như các cột và dầm biên chịu lực của tòa nhà.

Trong xây dựng, phá bỏ cột và dầm biên chịu lực của ngôi nhà là vô cùng nguy hiểm. Cũng giống như cơ thể con người, phần bê tông cốt thép chính là bộ xương của ngôi nhà. Nếu ta can thiệp vào bộ xương dễ dẫn tới sự sụp đổ của cả tòa nhà.

Đơn vị thi công cắt ngọn vừa có công văn đề nghị dừng thi công phá dỡ giai đoạn 2 tại tòa nhà 8B Lê Trực.

- Theo ông ngoài lưu ý đến kết cấu của tòa nhà, việc phá vỡ một tòa cao tầng cần đảm bảo những yếu tố nào?

Trong khu vực đông dân cư sinh sống như thủ đô Hà Nội, việc xây dựng một tòa nhà đã là rất khó khăn chứ chưa nói đến phá vỡ. Để tháo dỡ một công trình nhà cao tầng cần lắp đặt cầu trục tháp và vận thăng lồng tại vị trí đó.

Đối với tòa nhà 8B Lê Trực, để tháo dỡ chắc chắn vị trí lắp đặt sẽ trực thuộc tuyến đường Trần Phú - Nguyễn Thái Học. Đây là một khu vực nhiều dân cư sinh sống và giao thông đông đúc trên nên sẽ gây nguy hiểm cho người dân.

Cũng giống như cơ thể con người, phần bê tông cốt thép chính là bộ xương của ngôi nhà, nếu ta can thiệp vào bộ xương dễ dẫn tới sự sụp đổ của cả tòa nhà.

PGS.TS Tôn Thất Đại

Bởi vậy, bên cạnh yếu tố an toàn cho những người thi công phá dỡ còn cần đảm bảo cho người dân qua đường cũng như người dân sống khu vực xung quanh tòa nhà.

- Đến thời điểm này, theo ông phương án xử lý nào cho ngôi nhà 8B Lê Trực là hợp lý nhất?

Sai phạm của tòa nhà này không chỉ nằm ở việc xây quá số tầng mà mỗi tầng họ còn xây cao hơn so với thiết kế cho phép. Về luật pháp, để xử lý đúng theo quy định chỉ có cách phá bỏ cả ngôi nhà 8B Lê Trực và xây lại hoàn toàn từ đầu theo thiết kế. Câu hỏi đặt ra là có cần thiết phải phá bỏ hay không?

Theo ý kiến cá nhân của tôi, nên ngừng phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực. Ngoài lý do lãng phí nó còn liên quan đến an toàn của công nhân và người dân. Chúng ta phải nhận thức rằng, tòa nhà 8B Lê Trực không sai mà cái sai là người cấp phép, quản lý, thi công và chủ đầu tư xây dựng tòa nhà này.

Chúng ta cần cứ xử lý nghiêm những người làm sai quy định để làm gương cho những đơn vị khác. Còn về tòa nhà, có thể xem xét việc ngừng tháo dỡ để đảm bảo an toàn cho cả đơn vị đang thi công và người dân. Theo tôi, trong mọi trường hợp ta nên lấy tính mạng và sự an toàn của người dân là trên hết.

- Ngoài tòa nhà tại số 8B Lê Trực, có công trình nào khác đã từng vi phạm vào quy định này thưa ông?

Tôi cũng đã từng biết là có ngôi nhà cao quá quy định chỉ một vài tầng nhưng đã bị yêu cầu cắt đi. Tòa nhà này ở gần khu vực Hồ Tây. Hiện nay, phần dưới tòa nhà đã hoàn thiện hoàn hảo, nhưng phần cắt bên trên thì vẫn giữ nguyên.

- Xin cảm ơn ông!

>>> Đọc thêm: Cư dân mua nhà tại 8B Lê Trực như 'ngồi trên đống lửa'

Video: Cư dân tòa nhà 8B Lê Trực: Họ đã không đếm xỉa gì đến chúng tôi khi cắt gọt tòa nhà

Kim Thược

Tin tài trợ

Nguồn VTC: http://vtc.vn/pgsts-ton-that-dai-nen-ngung-pha-do-toa-nha-8b-le-truc-neu-khong-se-sup-do-ca-toa-nha-d299551.html