Phá rừng - 'Ai cũng hiểu chỉ vài người không chịu hiểu'!

Hầu hết các vụ phá rừng lớn mà dư luận biết tới, đều do người dân tố cáo rồi báo chí vào cuộc.

Phá rừng ở Tây Nguyên. Ảnh: Lãng Quân

Tại sao người dân chỉ tố cáo đến nhà báo mà không tố cáo đến kiểm lâm và chính quyền cơ sở. Tại sao các lực lượng trên rất ít “tự” tìm ra các vụ rừng bị phá rồi có biện pháp bảo vệ?

Lý do đơn giản là: Nếu không bảo kê thì họ cũng sợ liên đới trách nhiệm khi rừng bị phá, nhất là phá trên diện rộng và trắng trợn. Thường thì họ chỉ xử lý khi dư luận đã đưa ra kiểu “vỡ ổ con chuồn chuồn”, không xử lý không thể được.

Chỉ nội trong các vụ báo Lao Động đã đăng tải, cũng đủ nói lên điều đó.

Vụ phá rừng gỗ nghiến trên quy mô lớn ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ (tỉnh Bắc Kạn), nhóm PV chỉ vào cửa rừng đã thấy gỗ tươi nguyên, thân cây còn thơm lựng gỗ bị cưa xẻ. Đi trên con đường tuần tra chính xuyên rừng, gặp người dân, nhờ họ dẫn đi là thấy cảnh gỗ to nằm án ngữ ngang đường. Người đi phải chui qua bụng gỗ mà đi. Vậy mà kiểm lâm không biết hoặc chưa biết.

Vụ đó, sau này ông Hoàng Ngọc Đường - bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn - có phát biểu, đại ý: Kẻ phá rừng rất mafia, mặc comple, thắt cà vạt, đi Lexus và xách ca táp tiền, chứ không phải kẻ đang đẵn gỗ. Ông muốn Bộ Công an, Bộ Quốc phòng vào cuộc, chứ địa phương thì rất khó.

Tương tự, các vụ phá rừng và rừng pơmu đại thụ trên dãy Hoàng Liên Sơn, ở địa phận các huyện Bắc Yên, Yên Châu (Sơn La) và huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trạm Tấu (Yên Bái). Các cánh rừng gỗ nghiến nghìn năm tuổi ở Na Hàng (Tuyên Quang); rừng bị phá tàn nhẫn ở VQG Yok Đôn, rồi huyện Ea Sup (Đắc Lắc), huyện Đắc Glong (Đắc Nông),...

Hàng chục năm qua, lần nào nhà báo đi thực tế cũng ghi nhận các cánh rừng pơ mu bị xẻ thịt, các phu gỗ chở vèo vèo, các đầu nậu buôn bán tấp nập.

Vừa rồi, sau hơn 10 năm, PV Lao Động xâm nhập, các đường dây vẫn tồn tại. Lần nào nhà báo cũng phải gọi là “voi chui qua lỗ kim”. Điều ngạc nhiên nhất là voi lần nào cũng chui qua lỗ kim và người ta cứ mặc nhiên để điều đó tồn tại.

Bộ ảnh sau đây của chúng tôi sẽ “thống kê” lại phần nào những thảm trạng không ai muốn trông thấy đó.

Chẳng lẽ, chỉ khi hết sạch rừng rồi thì rừng mới thôi bị phá?!

Đốt lửa, nấu nướng, công khai phá rừng tập thể trong khu bảo tồn với các rừng pơmu vô giá trên dãy Hoàng Liên Sơn. Ảnh: Lãng Quân

Cảnh rừng bị phá ở Sơn La. Ảnh: Lãng Quân

Phá rừng ở Sơn La. Ảnh: Lãng Quân

Phá rừng ở Sơn La. Ảnh: Lãng Quân

Tấp nập khiêng gỗ pơ mu ra khỏi rừng ở Yên Bái. Ảnh: Lãng Quân

Kiểm lâm và PV Lao Động với một cây nghiến cổ thụ được bảo vệ an toàn. Ảnh: Lãng Quân

Một cây nghiến to như cột chống trời bị cưa hạ và xẻ thịt. Ảnh: Lãng Quân

Gốc pơ mu cũng bị đào hết, khênh về, bán công khai (Ảnh: Lãng Quân)

Chợ gỗ hoạt động công khai ngoài bìa rừng (Ảnh: Lãng Quân)

Những cây pơ mu quý trên đỉnh núi cao bị đốt cháy trước khi chặt hạ xẻ thịt (Ảnh: LQ)

Vòng luẩn quẩn, rừng bị phá trụi, cây thuốc phiện được trồng trái phép, rồi con người hư đốn vì nghiện ngập và tiếp tục đi phá rừng (Ảnh: Lãng Quân)

PV Lao Động có mặt tại rừng pơ mu đại thụ khổng lồ, khi lâm tặc vừa xẻ thịt rừng trong đêm

Đốt lửa, nấu nướng, công khai phá rừng tập thể trong Khu bảo tồn với các rừng pơmu vô giá trên dãy Hoàng Liên Sơn (Ảnh: Lãng Quân)

Lãng Quân

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/pha-rung-ai-cung-hieu-chi-vai-nguoi-khong-chiu-hieu-564415.ldo