Phải bảo tồn nguyên vẹn hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà

Rủi ro của hoạt động du lịch tại Sơn Trà có thể gây tổn hại đến môi trường nếu không phát triển một cách có trách nhiệm

Ngày 28/4, tại Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo khoa học bàn về “Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Nhóm Nghiên cứu - Giảng dạy Môi trường&Tài nguyên sinh vật (DN-EBR) phối hợp tổ chức.

Hội thảo khoa hoạc về giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà.

Hội thảo nhằm mục đích chia sẻ thông tin, quan điểm, tăng cường hiểu biết về giá trị hệ sinh thái, đa dạng sinh học của bán đảo Sơn Trà.

Thảo luận các chính sách liên quan đến bảo tồn và phát triển tại bán đảo Sơn Trà, tạo diễn đàn tham vấn đa bên nhằm tìm kiếm các giải pháp, sáng kiến cho phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà của thành phố Đà Nẵng để khai thác những giá trị kinh tế từ lợi thế đặc biệt không nơi nào có được nhưng vẫn bảo tồn nguyên vẹn hệ sinh thái.

Theo bà Nguyễn Hoàng Phượng (Phòng Nghiên cứu Chính sách – Trung tâm Con người và Thiên nhiên), Đà Nẵng đứng thứ hai cả nước trong chuyển đổi rừng đặc dụng, chỉ sau Đăk Nông với 3.784ha, trong đó 1.086ha rừng bị chuyển đổi là rừng đặc dụng phục vụ cho mục đích du lịch và dịch vụ.

Từ năm 1976 đến năm 2016 đã có 7 quyết định quy hoạch và điều chỉnh diện tích bán đảo Sơn Trà.Tình trạng “loạn” quy hoạch bán đảo Sơn Trà đã khiến cho diện tích rừng ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học tại đây giảm đi gần một nửa, đe dọa đời sống của rất nhiều các loài động thực vật ở cả trên cạn và dưới biển.

Đặc biệt là loài Voọc Chà Vá chân nâu – loài vật được xem là “nữ hoàng linh trưởng” và tại bán đảo Sơn Trà chỉ còn khoảng 300 cá thể.

Báo cáo tại hội thảo, ban tổ chức cũng khẳng định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng. Tổng lượt du khách đến Đà Nẵng năm 2016 ước đạt 5,555 triệu lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 16.082 tỷ đồng.

Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu tham dự.

Đà Nẵng đang là điểm đến cho du khách du lịch có mục đích đa dạng như nghỉ dưỡng, MICE... Đà Nẵng đạt danh hiệu “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu Châu Á” trao bởi World Travel Awards. Chính sự gia tăng lợi nhuận từ du lịch đã thúc đẩy việc xây dựng các nhà hàng, khách sạn.

Rủi ro của hoạt động du lịch tại Sơn Trà có thể gây tổn hại đến môi trường nếu không phát triển một cách có trách nhiệm, không cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường.

Tại hội thảo, ông Huỳnh Tấn Vinh (Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng) khẳng định phải kết hợp giữa bảo tồn và phát triển Sơn Trà.

Theo ông Vinh, bán đảo Sơn Trà là báu vật du lịch Đà Nẵng nên nếu xây dựng phải theo quy chế nghiêm ngặt để giữ tính đa dạng sinh học tự nhiên, hạn chế sử dụng các phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm, phải bảo vệ cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước.

Về phát triển du lịch Sơn Trà cần có định hướng phát triển du lịch sinh thái bề vững dựa trên nguyên tắc: giảm thiểu tác động của du lịch đến môi trường và cung cấp các lợi ích tài chính trực tiếp cho bảo tồn.

“Vấn đề nóng bỏng trong dư luận cộng đồng hôm nay là để phát triển kinh tế, Đà Nẵng có thực sự cần thiết phải biến 40% bán đảo Sơn Trà từ đất rừng chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp để xây dựng các khu đô thị, resort, khách sạn. Vì vậy phải khẳng định việc phục hồi lại diện tích cần thiết cho khu bảo tồn hết sức quan trọng và cấp bách” - KTS Hoàng Sừ tiếp lời.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã bày tỏ sự tiếc nuối vì không thể tham dự buổi hội thảo nêu trên.

Trong thư gửi đến hội thảo, Bí thư Đà Nẵng chia sẻ: “Tôi rất hoan nghênh và đánh giá cao ý tưởng tổ chức cũng như chủ đề của hội thảo nhằm tìm kiếm các giải pháp hiệu quả khai thác các giá trị kinh tế, đồng thời bảo tồn nguyên vẹn hệ sinh thái, phát triển bền vững Sơn Trà, bán đảo có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, “lá phổi xanh” của thành phố Đà Nẵng và là địa bàn sinh sống của loài Voọc chà vá chân nâu quý hiếm.

Mong ban tổ chức tổng hợp những ý kiến hay, những hiến kế tâm huyết, những tham luận có cơ sở khoa học, thiết thực và khả thi, gửi lãnh đạo thành phố Đà Nẵng để nghiên cứu, tiếp thu, cùng với các nhà khoa học và nhân dân thành phố có giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà”.

Văn Quang – Thanh Thảo

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/phai-bao-ton-nguyen-ven-he-sinh-thai-ban-dao-son-tra-c7a523305.html