Phải chăng người ta thổi phồng vụ “vái lạy” của Công Vinh

Công Vinh hay ai đi chăng nữa, cuối cùng vẫn chỉ là con người, mà con người thì phải có sai lầm, cái quan trọng là biết sửa sai lầm đó. Thiết nghĩ, đừng nên lấy án kỷ luật, lấy dư luận ra để bắt lỗi của người khác, mà quan trọng là chúng ta chỉ cho họ thấy cái sai và chỉ cách để họ sửa sai.

Dư luận đang bàn luận về những hành vi của Công Vinh, và mức án mà Liên đoàn bóng đá cũng như của lãnh đạo đội T&T đưa ra. Việc kỷ luật hay khen thưởng một đơn vị hay cá nhân từ xưa đến nay đều nhằm mục đích để cái xấu bớt xấu, từ đó vươn lên tốt, cái tốt thì được nhân rộng và phát huy. Bác Hồ cho rằng "có công, có thành tích phải được khen thưởng xứng đáng; vi phạm kỷ luật, thì phải kỷ luật thích đáng". Sự công minh và nghiêm túc trong khen thưởng và kỷ luật bao giờ cũng là động lực tích cực để mọi người phấn đấu và rèn luyện. Thưởng, phạt không công minh, không thỏa đáng thì có tác động ngược lại, làm suy giảm, nguội lạnh tinh thần . Việc Công Vinh xử lý kỷ luật không sai nhưng xử lý như thế nào lại là điều cần bàn. Kết luận sau cùng đồng thời cũng là mức án áp dụng cho hành vi vái lạy trọng tài của Lê Công Vinh (Hà Nội T&T) là treo giò 6 trận và phạt tiền 10 triệu đồng. Ngoài ra lãnh đạo của Hà Nội T&Tcòn phạt 50 triệu đồng, cắt tiền thưởng 3 tháng đồng thời tước băng đội trưởng. Tôi không biết Hội đồng kỷ luật Liên đoàn bóng đá viện dẫn những điều khoản đó có đúng hay không, hay nói như Lãnh đạo Hà Nội T&T thì hành vi vái lạy trọng tài của Công Vinh mà đem áp vào điều 39, khoản 2 là hơi nặng, nhưng với hành động vái lạy của Công Vinh rõ ràng thua xa hành động chửi bới, lăng mạ trọng tài bằng những lời lẽ thô tục hay xô xát, tấn công trọng tài. Sân cỏ Thế giới và trên sân cỏ Việt Nam đều không thiếu những hình ảnh phản cảm đó và tất nhiên cũng đều có những hình phạt. Vậy từ trước những hành vi chửi bới, tấn công trọng tài... Liên đoàn đã xử lý đến mức như Công Vinh vi phạm chưa? Tôi không bênh vực Công Vinh, không lấy sự đóng góp của em cho nền bóng đá để bao biện, song hành động đó, cử chỉ đó từ thâm tâm tôi nghĩ xử lý như vậy là quá nặng. Thật ra hành động này ngoài đời chúng ta vẫn gặp và không phải trường hợp nào cũng xấu có thể là cái lạy của một sự ăn năn, hối lỗi. Cũng có trường hợp ở dạng mỉa mai theo kiểu "lạy cụ, cụ cứ như thế thì chết chúng con"... Có người đặt ra câu hỏi: Tại sao chúng ta cứ phải thổi phồng và nâng cao quan điểm như thế? Chả có gì là khó hiểu, chả có gì là xúc phạm hay nhục mạ ai cả. Nếu ta cứ coi là xúc phạm, là nhục mạ thì nó sẽ là như thế. VFF từ trước đến nay, trước bất kỳ hiện tượng gì, lỗi lầm gì của cầu thủ, của đội tuyển hay của HLV, đã bao giờ tự bản thân VFF kiểm tra, đánh giá và đưa ra kết luận, kỷ luật chưa hay chủ yếu quyết định dựa vào dư luận, dựa vào truyền thông. Công Vinh hay ai đi chăng nữa, cuối cùng vẫn chỉ là con người, mà con người thì phải có sai lầm, cái quan trọng là biết sửa sai lầm đó. Thiết nghĩ, đừng nên lấy án kỷ luật, lấy dư luận ra để bắt lỗi của người khác, mà quan trọng là chúng ta chỉ cho họ thấy cái sai và chỉ cách để họ sửa sai. Hành động vái lạy trọng tài của Công Vinh được cho là rất phản. cảm. Ảnh: VTC Công Vinh sau sự việc trên em đã thấy cái sai của mình và biết ăn năn đó là điều mà chúng ta mong muốn ở bất kỳ người nào khi phạm phải sai lầm đều phải nhận thức được. Không thiếu những quan chức khi có lỗi lầm thì viện dẫn đủ thức để mà chối tội. Có nhiều trường hợp họ còn quanh co, đổ thừa cho người khác mà không dũng cảm nhận về mình kiểu như do "lỗi của cậu đánh máy" hay do "lỗi kỹ thuật". Hành động vái lạy mà Công Vinh nói như ông Chủ tịch HĐTT QG, Nguyễn Văn Mùi nhận định: "Hành động đó là rất phản cảm và không thể chấp nhận". Không thể chấp nhận thì chúng ta xử lý kỷ luật nhưng xử lý phải đúng người đúng tội, phải có sức răn đe và phải tạo cơ hội để họ làm lại chứ không phải để sự nghiệp của họ chấm dứt hay xô người ta đến bước đường cùng rồi từ đó rẽ sang hướng khác. Xử lý cũng không thể nói như ông chủ tịch Liên đoàn: Với một cầu thủ bình thường đó đã là hành vi khó coi, huống hồ Công Vinh đã là một ngôi sao và hiện đang là tuyển thủ QG. Đã nói đến kỷ luật là nói đến bình đẳng không phải viện dẫn anh nổi tiếng với anh không nổi tiếng. Luât pháp khi xử đều phải tôn trọng chứng cứ, vụ việc cụ thể còn có công hay có thành tích chỉ là yếu tố giảm nhẹ. Ngôi sao hay người bình thường nếu có hành vi phạm tội như nhau thì đều phải xử lý như nhau, không có sự phân biệt đối xử, không theo kiểu "có thân nhân tốt" như chúng ta hay làm. Và điều cuối cùng cần bàn là cái cách đào tạo của ta. Đành rằng chúng ta phát hiện, ươm mầm và đào tạo các em theo năng khiếu từ bé nhưng không chỉ có chăm chăm đào tạo năng khiếu, mà bỏ qua sự giáo dục toàn diện, nhất là đạo đức lối sống. Không thiếu những em chưa là gì đã có "bệnh ngôi sao" coi mình là nhất từ đó có những hành vi khác thường. Chúng ta đã phải giải quyết nhiều trường hợp "ích kỷ", chỉ vì lợi ích của bản thân mà bán rẻ cả đội tuyển, cả nền bóng đá, cả thể diện quốc gia. Chúng ta đã rất đau lòng trước việc một loạt cầu thủ bán độ thời gian trước đây, đó là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người muốn làm bóng đá "sạch". Kỷ luật hay khen thưởng cũng góp phần làm cho bóng đá "sạch", song nếu làm không đúng e rằng nó sẽ có tác dụng ngược với những gì mong muốn.

Nguồn TuanVietNam: http://tuanvietnam.net/2010-03-26-trang-page